Khắc phục tổn thương tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục

17:48 | 15/03/2017

2,930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15/3, BS. Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 đã chia sẻ thông tin về cách khắc phục sang chấn tâm lý cho trẻ sau khi bị xâm hại tình dục.

BS. Trang cho biết, trong suốt 15 năm làm việc tại BV đã chứng kiến rất nhiều trường hợp trẻ bị lạm dụng, xâm hại trong đó đa số kẻ lạm dụng trẻ là những người thân quen như: chú bác, ông, hàng xóm, gia sư…

khac phuc ton thuong tam ly cho tre bi xam hai tinh duc
BS. Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 chia sẻ thông tin về cách khắc phục sang chấn tâm lý cho trẻ sau khi bị xâm hại tình dục.

“Lần nọ, có một điều dưỡng đưa con gái 8 tuổi đến BV khám khi thấy con sợ hãi cao độ, luôn bám lấy mẹ và không dám đến trường nhưng không thể hỏi được. Để tìm ra sự thật, mẹ biết con thích ăn gà rán nên đưa đi ăn và dỗ dành mới biết bé bị bảo vệ trong trường học sàm sỡ. Bé phải dùng thuốc và điều trị tâm lý. Tôi khích lệ người mẹ phải nói ra sự thật nhưng cô không dám”, BS. Trang kể.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi trong lúc đi chơi trong xóm thì bị lạm dụng dẫn đến tổn thương âm đạo, phải điều trị nội trú tại BV. Các bác sĩ tâm lý đã tư vấn cho cha mẹ cách ổn định tâm lý cho trẻ, bởi với trẻ lớn thì có thể nhận thức được nhưng trẻ quá nhỏ thì không hiểu mình bị lạm dụng, chỉ thể hiện được bằng sự đau đớn hoặc bứt rứt, khó chịu.

Hay trường hợp bé 9 tuổi, ở quê, khi đi học bằng xe đạp qua một vườn vắng bị một thanh niên trên 20 tuổi làm hại, đến mức tổn thương cơ thể, rách cả tầng sinh môn được đưa đến Khoa Ngoại để điều trị sau đó chuyển qua Khoa Tâm lý. Khi chuyển đến Khoa Tâm lý các bác sĩ nhận thấy bé đã quên hết mọi chuyện nhưng người mẹ lại tiêm vào đầu con sự hận thù nên BS phải đề nghị người mẹ đến làm việc và cho biết, mẹ làm như vậy sẽ để lại ám ảnh tâm lý lâu dài cho trẻ.

BS. Trang đã kể ra hàng chục trường hợp trẻ bị xâm hại, làm dụng tình dục trong nhiều trường hợp khác nhau đến điều trị tâm lý tại BV Nhi Đồng 1. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp gia đình không khai báo vì quá đau đớn, xấu hổ và sợ những điều tiếng xã hội.

Một số dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục như: bị sang chấn âm hộ, trực tràng, có chảy máu, nhiễm trùng, mắc những bệnh lây qua đường tình dục; Hoặc trẻ có những hành vi về tính dục không phù hợp như: thủ dâm, hôn môi búp bê; Những dấu hiệu hành vi như: buồn, sợ hãi, giận dữ, hoảng sợ, gặp ác mộng, ăn uống giảm sút, tự nhiên cáu gắt, không tha thiết học hành, thu người lại...

Một nghiên cứu cho thấy, trong số những người lớn bị lạm dụng thì có 25% nữ và 15% nam đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị lạm dùng nhiều lần. Trong số trẻ bị lạm dụng, có 75% là nữ và 40% có không được người thân quan tâm, chia sẻ. Những trẻ bị chậm phát triển, khiếm khuyết về cơ thể và trí tuệ cũng là yếu tố góp phần dẫn đến chuyện bị lạm dụng.

Để giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục, BS. Trang khuyến cáo cha mẹ nên quan tâm con nhiều hơn, nên nói chuyện với trẻ về chuyện giới tính, cho trẻ biết khu vực nào trong cơ thể mình không được động chạm vào. Từ 6-12 tuổi là thời điểm rất dễ dàng để bắt chuyện với con. Đến tuổi vị thành niên thì phải trò chuyện với trẻ một cách cởi mở. Cho trẻ đọc những sách báo để biết thêm thông tin cần thiết. Không để trẻ một mình hoặc ở với người lạ, người khác phái để tránh tạo ra các yếu tố thúc đẩy hành vi của kẻ muốn xâm hại trẻ.

Khi nghi ngờ trẻ bị xâm hại, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình với nhau để có động thái bảo vệ trẻ, giúp trẻ có thể thổ lộ mọi chuyện, không đánh trẻ hay đổ lỗi cho mình. Nếu phát hiện sớm, còn tang chứng vật chứng thì phải đưa đi khám càng sớm càng tốt. Làm sao phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhân viên y tế, chuyên viên tâm lý, pháp y, công an, nhân viên xã hội để tất cả tiến trình xử lý phải thực hiện đồng bộ vì mỗi lần tiếp xúc với trẻ là một lần làm cho trẻ tổn thương.

Mai Phương