Kênh truyền hình Al-Jazeera và cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

09:42 | 13/07/2017

1,589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
1 trong 13 điều kiện để các nước Arập bình thường hóa quan hệ với Qatar là phải đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera. Vì sao kênh truyền hình Qatar Al-Jazeera lại bị coi là mối đe dọa với thế giới Arập?

Từ ngày 5-6, nhiều quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do “Doha gây bất ổn khu vực và bảo trợ khủng bố”. 2 tuần sau đó, 4 nước gồm Arập Xêút, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã thông qua trung gian là Kuwait gửi Qatar một bản yêu sách 13 điểm để chấm dứt cấm vận ngoại giao và kinh tế với Doha. Trong đó, có những yêu cầu đáng chú ý như: đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, chấm dứt phát triển căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ Qatar, hạ tầm quan hệ ngoại giao với Iran, cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố... Những nước này cũng đặt thời hạn 10 ngày để Qatar thực hiện các yêu cầu.

Đến ngày 3-7, Arập Xêút và các nước đồng minh vùng Vịnh, Ai Cập đã đồng ý gia hạn cho Qatar khoảng thời gian 48 giờ để chấp nhận bản yêu sách bao gồm 13 điều kiện nếu Doha muốn nối lại quan hệ giữa hai bên. Nhưng Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã bác bỏ đòi hỏi của các quốc gia Arập, tuyên bố rằng, yêu sách đó "vừa bất hợp lý, vừa bất khả thi".

kenh truyen hinh al jazeera va cuoc khung hoang ngoai giao vung vinh
Văn phòng của Al-Jazeera tại Arập Xêút bị đóng cửa ngày 9-6-2017

Từ sau khi tối hậu thư trên được đưa ra, hầu hết các quốc gia tham gia cô lập Qatar đều ra lệnh chặn sóng hoặc đóng cửa văn phòng của Al-Jazeera tại nước mình. Ngày 9-6, Arập Xêút và Bahrain đã chỉ thị cho tất cả các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng phải xóa kênh Al-Jazeera khỏi chương trình tivi đặt trong khách sạn. Nếu cơ sở nào không tuân thủ sẽ bị phạt 23.800 euro và rút giấy phép hoạt động.

Sở dĩ các nước Arập cáo buộc “Doha gây bất ổn khu vực và bảo trợ khủng bố” vì kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar thường xuyên phát sóng những chương trình bị coi là ủng hộ các tổ chức khủng bố. Thời còn trùm khủng bố Osama Bin Laden, mỗi khi muốn tuyên bố với cả thế giới về một điều gì đó, y lại liên lạc với Al-Jazeera. Lực lượng Taliban ở Afghanistan cũng là “cộng tác viên ruột” của kênh truyền hình vệ tinh có trụ sở ở Qatar. Nếu muốn thừa nhận vụ tấn công nào, Taliban ngay lập tức nghĩ đến Al-Jazeera.

Kênh Al-Jazzera thuộc sở hữu của Tập đoàn Truyền thông Jazeera Media Network, được cấp kinh phí một phần bởi Hoàng gia Qatar. Al-Jazeera bắt đầu hoạt động năm 1996, trở thành kênh truyền hình cho hơn 310 triệu hộ gia đình tại hơn 100 quốc gia và sử dụng hơn 3.000 nhân sự.

Còn nhớ khi Al-Jazeera ra mắt, Quốc vương Qatar lúc đó là Hamad bin Khalifaal-Thani cho biết, các nhà báo sẽ "đưa tin như họ nhìn thấy". Và Al-Jazeera luôn khẳng định là "kênh tin tức độc lập hàng đầu trong thế giới Arập". Các nước láng giềng của Qatar lo ngại nhất về quan điểm truyền bá củaAl-Jazeera, cho rằng sớm muộn nó cũng sẽ giúp cho các tổ chức Hồi giáo như Anh em Hồi giáo ở Ai Cập hay phong trào Hamas ở Palestine có thêm quyền lực trong khu vực.

Năm 2006, kênh truyền hình Al-Jazeera tiếng Anh ra đời với việc thành lập hơn 70 văn phòng Al-Jazeera khắp thế giới. Phiên bản tiếng Anh của Al-Jazeera được độc giả phương Tây chú ý với các thông tin chất lượng cao và các tin tài liệu tập trung vào các vấn đề của thế giới. So sánh với các hãng tin quốc tế khác như BBC World, CNN International, France 24, Russia Today… nhiều người cho rằng, Al-Jazeera phiên bản tiếng Anh vẫn được đánh giá cao. Thất bại lớn nhất của Al-Jazeera phiên bản tiếng Anh từ trước đến nay là việc rút khỏi thị trường Mỹ vào ngày 30-4-2016 sau 2 năm hoạt động do số người xem suy giảm và nhiều vụ kiện.

Khó khăn thực sự đến với Al-Jazeera sau khi ông Tamim bin Hamad al-Thani nối ngôi cha, trở thành Quốc vương Qatar vào tháng 6-2013. Đây là thời gian giá dầu tụt giảm mạnh, khiến Hoàng gia Qatar không muốn tiếp tục “bơm” tiền cho Al-Jazeera. Mặt khác Quốc vương Tamim cũng chọn chiến lược ngoại giao khác với cha mình.

Ngày 8-6, Giám đốc điều hành của kênh Al-Jazeera - Mostefa Souag cho biết, Al-Jazeera vẫn tiếp tục phát sóng và giữ vững quan điểm đưa tin toàn diện, khách quan về các sự kiện trên thế giới bất chấp những căng thẳng và sức ép từ các nước. “Những lý lẽ cho rằng, Al-Jazeera can thiệp vào công việc nội bộ của các nước là hoàn toàn không có cơ sở. Chúng tôi không can dự vào công việc của ai, chúng tôi chỉ đưa lại những gì đang diễn ra” - ông Mostefa Souag nói với Reuters. Ông Mostefa Souag còn nói thêm rằng: “Các nước đang mâu thuẫn chính trị với Qatar thì nên nói chuyện với Chính phủ Qatar chứ không nên kiếm chuyện với Al-Jazeera, vì chúng tôi chẳng liên quan gì tới chính phủ”.

Tháng 11-2001, văn phòng của Al Jazeera tại Kabul đã bị máy bay Mỹ phá hủy, mặc dù Al-Jazeera đã thông báo với Washington về vị trí văn phòng này tại thủ đô của Afghanistan. Tổng biên tập Ibrahim Hilal cho biết, ông tin rằng vụ tấn công nhằm vào văn phòng của mình đã được lên kế hoạch từ lâu.

Tháng 4-2003, một quả tên lửa Mỹ phóng trúng văn phòng của Al-Jazeera tại thủ đô Baghdad của Iraq, làm một nhân viên thiệt mạng. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ khi đó khẳng định, Al-Jazeera “không phải và không bao giờ là một mục tiêu” của Mỹ.

S.Phương