Kế hoạch khí hậu đầy tham vọng của Pháp

16:04 | 18/07/2017

1,581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái Pháp Nicolas Hulot đã công bố bản "kế hoạch khí hậu" đầy tham vọng của chính phủ, hiện thực hóa những cam kết của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm bảo vệ Hiệp định Paris về khí hậu.

“Kế hoạch khí hậu" của Bộ trưởng Nicolas Hulot gồm 6 chủ đề và 23 chuyên mục, được xây dựng cho nhiệm kỳ 5 năm.

Từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, Tổng thống Pháp Macron đã lên tuyến đầu để vận động cộng đồng quốc tế tuân thủ hiệp định trên. 2 giờ sau khi ông Trump thông báo rút khỏi Hiệp định khí hậu COP21 (tên gọi khác của Hiệp định Paris về khí hậu), ông Macron đã trực tiếp lên truyền hình gửi đến dân chúng Mỹ thông điệp bằng tiếng Anh, nhái lại khẩu hiệu của chủ nhân Nhà Trắng “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” để kêu gọi người Mỹ “Hãy làm hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại”.

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Pháp còn kêu gọi giới kỹ sư, nhà khoa học, doanh nghiệp và công dân Mỹ, những ai thất vọng vì sự rút lui của Nhà Trắng, hãy chọn Pháp làm quê hương thứ hai, cùng tìm kiếm những giải pháp cụ thể cho khí hậu.

ke hoach khi hau day tham vong cua phap
Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot trình bày “Kế hoạch khí hậu” ngày 6-7 ở Paris

2 tuần sau, ngày 17-6-2017, Bộ trưởng Bộ Đại học và Nghiên cứu Pháp Frederique Vidal công bố “Chương trình ưu tiên nghiên cứu chống biến đổi khí hậu” có ngân sách lên đến 60 triệu euro. Trong đó, Chính phủ đóng góp phân nửa là 30 triệu, theo tỷ lệ mỗi euro do đại học và các cơ quan nghiên cứu chi ra sẽ được Nhà nước ủng hộ thêm 1 euro. Ngân sách 60 triệu euro này tài trợ cho các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, trong các ngành nghiên cứu về biến đổi khí hậu và chuyển tiếp năng lượng.

Lo lắng để giữ gìn vai trò "lãnh đạo" của Pháp trong vấn đề này, khi công bố "Kế hoạch khí hậu", Bộ trưởng Hulot nhấn mạnh, Chính phủ sẽ cấm xe chạy xăng và diesel vào năm 2040. Mục tiêu này sẽ tạo áp lực lên các công ty sản xuất xe của Pháp, nhưng các công ty ở quốc gia này hiện đang có các kế hoạch nghiên cứu “để có thể đáp ứng hứa hẹn đó”. Ông Hulot nêu trường hợp của công ty xe hơi Thụy Điển Volvo, mới thông báo sẽ hoàn toàn chuyển sang sản xuất xe hơi điện hoặc vừa điện vừa xăng vào năm 2019.

Để hiện thực hóa kế hoạch trên, trước mắt Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ tiền để các hộ gia đình nghèo nhất chuyển đổi những chiếc xe gây ô nhiễm sang xe sạch hơn. Ông Hulot không nói rõ tiền hỗ trợ chuyển đổi này là bao nhiêu. Bộ trưởng Hulot hy vọng việc làm trên sẽ "cải thiện tốt hơn cho cuộc sống của người Pháp".

Chính phủ Pháp sẽ cấm xe chạy xăng và diesel vào năm 2040; từ nay đến năm 2022, sẽ chấm dứt việc sản xuất điện từ than và đầu tư 4 tỉ euro để giải quyết tình trạng thiếu năng lượng; giảm 50% lượng điện hạt nhân từ nay đến năm 2040… để hiện thực hóa “kế hoạch khí hậu”.

Xe chạy bằng xăng và dầu diesel chiếm khoảng 95,2% đội xe mới tại Pháp trong nửa đầu năm nay, xe điện chiếm 1,2% trên thị trường và xe hybrid (vừa xăng vừa điện) chiếm khoảng 3,5%.

Ông Hulot cũng thông báo từ nay đến năm 2022, Pháp sẽ chấm dứt việc sản xuất điện từ than và đầu tư 4 tỉ euro để giải quyết tình trạng thiếu năng lượng. Theo ông Hulot, những tòa nhà cách nhiệt kém và tiêu thụ quá nhiều năng lượng, phải được loại bỏ trong 10 năm tới.

Bộ trưởng Hulot cũng thông báo nước Pháp sẽ trở thành quốc gia trung hòa về khí carbon vào năm 2050, nghĩa là số lượng khí thải xả ra bằng số lượng được triệt tiêu khỏi bầu khí quyển.

Chưa dừng lại ở đó, trong “Kế hoạch khí hậu”, ông Hulot còn đề xuất từ nay đến mùa thu tới, chính phủ sẽ trình một đạo luật nhằm ngăn chặn bất kỳ một giấy phép thăm dò dầu khí mới nào ở Pháp. "Để không có giấy phép thăm dò mới, chúng ta phải thay đổi luật khai thác mỏ và chúng tôi sẽ làm điều đó trong thời gian tới", ông Hulot nói.

Bộ trưởng Hulot cho biết thêm, ông hy vọng Quốc hội sẽ thông qua lệnh cấm các hoạt động thăm dò dầu khí mới trên toàn nước Pháp và các lãnh thổ ở nước ngoài.

Khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Macron nói rằng, ông phản đối các hoạt động tìm kiếm khí đá phiến tại Pháp. Ông Macron thậm chí còn muốn đình chỉ cả những giấy phép khai thác dầu ở Guyana, lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Về vấn đề này, ông Hulot cho rằng, sẽ rất khó khăn để can thiệp khi giấy phép khai thác đã được Chính phủ ký vì khi đó sẽ mở đường cho những tranh chấp giữa Nhà nước và các công ty có liên quan.

Cuối cùng, Bộ trưởng Hulot cam kết giảm 50% lượng điện hạt nhân từ nay đến năm 2040. Theo thẩm định của chính ông, người xuất thân từ phong trào bảo vệ môi trường, để đạt mục tiêu này, Pháp sẽ phải đóng cửa 17 nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, ông không nói rõ những nhà máy điện hạt nhân nào sẽ bị dẹp. Ông Hulot cho rằng, chính phủ muốn tuân thủ luật ưu tiên sử dụng năng lượng sạch được thông qua vào năm 2015.

Bộ trưởng Môi trường Pháp khẳng định, Hiệp định Paris về khí hậu là không thể đảo ngược. Ông kêu gọi sự chung tay của người dân Pháp để thực hiện kế hoạch trên và nhấn mạnh rằng, chỉ có sự đoàn kết của mọi người mới cứu được cảnh Trái đất đang bị đốt nóng.

Theo nhiều chuyên gia, thời hạn đóng cửa 17 trên tổng số 58 nhà máy điện hạt nhân trước năm 2040 không khả thi. Florian Philippot, Phó chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc Pháp nói: “Đóng cửa nhiều nhà máy điện hạt nhân trong một thời gian ngắn như vậy là không thực tế và thiếu tính toán. Việc làm đó sẽ làm hại tới nền kinh tế và gây hại tới môi trường trái đất vì thiếu điện, lĩnh vực sản xuất sẽ không thể hoạt động và chính phủ phải đi mua điện từ bên ngoài, biết đâu đó lại là điện sản xuất từ than đá”.

Các tổ chức môi trường phi chính phủ tại Pháp rất ủng hộ “Kế hoạch khí hậu” của chính phủ nhưng cho rằng, kế hoạch này thiếu giải pháp cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi các phương tiện gây ô nhiễm, thiếu các giải pháp về năng lượng tái tạo hay sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

S.Phương