Israel phá thế giằng co trong quan hệ với Nga và Thổ

14:32 | 09/03/2016

5,071 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù rất nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố năm 2010, các động thái gần đây của Tel Aviv lại cho thấy hiện tại Israel cần Nga hơn cần Thổ.
tin nhap 20160309143000
Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Israel, Netanyahu

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ là những đối tác chiến lược, nhưng dần rời xa nhau do sự tái định hướng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ để hội nhập châu Âu và tăng cường vị thế trong thế giới Ả Rập Hồi giáo. Đỉnh điểm bất hòa là sự cố với đội tàu Tự do xảy ra vào năm 2010, khi các tàu dân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị Israel chặn bắt do vi phạm lệnh phong tỏa Dải Gaza, và giết chết 9 thành viên thủy thủ đoàn. Quan hệ giữa Ankara và Tel Aviv đổ vỡ khó hàn gắn. Nhưng Thủ tướng Netanyahu nói rằng Israel không có lỗi trong việc này.

“Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong những năm trước đây từng có một mối quan hệ tuyệt vời. Chúng tôi không muốn mối quan hệ ấy bị đổ vỡ, và chúng tôi đã không có lỗi trong chuyện này. Chúng tôi luôn hoan nghênh bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ”, Thủ tướng Netanyahu từng phát biểu bới báo chí quốc tế.

Thủ tướng Netanyahu cũng cho biết rằng những nỗ lực ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không phụ thuộc vào sự phát triển hợp tác giữa Israel với Hy Lạp và Cyprus. Hôm nay 28.1, Thủ tướng Netanyahu có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo hai nước này theo dạng thức ba bên.

Hồi đầu năm nay, truyền thông địa phương đưa tin rằng Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ, mở lại các đại sứ quán và nối lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Bước đột phá đã đạt được trong cuộc hội đàm bí mật hồi cuối năm 2015 ở Thụy Sĩ giữa ông Yossi Cohen, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia (hiện nay là sếp Cơ quan tình báo Israel, Mossad), và Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu. Lúc đó, quan hệ Nga – Thổ đã trở nên vô cùng căng thẳng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga trên không phận Syria.

Nhưng mới đây, Israel dường như đã thay đổi ý định, khi bắt đầu tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc Tổng thống Israel Reuven Rivlin tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới Australia dự kiến vào ngày 17/3 tới. Dư luận khá ngỡ ngàng trước thông tin đó, vì chuyến thăm này vốn đã được Jerusalem và Canberra lên lịch từ lâu. Quan hệ Israel - Australia từ trước đến nay vẫn nồng ấm, và Canberra đã chuẩn bị sẵn sàng mọi chuyện để chào đón Tổng thống Israel, thậm chí còn thu xếp sắp đặt lại lịch các cuộc hẹn trước đó; một quan chức cao cấp của Australia còn hủy chuyến công du nước ngoài để ở lại tiếp đón ông Rivlin.

Nhưng đột nhiên, Tổng thống Israel thông báo sẽ hủy chuyến thăm Australia, với lý do là phải đến Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì theo ông, hiện nay Nga có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh Israel.

Song song việc xếp lịch hẹn với Australia, Bộ Ngoại giao Israel cũng gửi tín hiệu tới điện Kremlin đề cập đến khả năng nhà lãnh đạo nước này tới thăm Nga. Không biết tình cờ hay cố ý, phía Nga thông báo đồng ý đón quốc khách vào ngày 17/3, đúng vào ngày mà Israel và Australia đã thống nhất tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Trước tình thế khó xử này, Tổng thống Israel Rivlin đã bàn bạc với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và ông Netanyahu khẳng định rằng một chuyến thăm tới Moscow là cực kỳ quan trọng vào thời điểm này, không còn gì phải bàn cãi.

Được biết, Tổng thống và Thủ tướng Israel có khá nhiều mối xung khắc, bất hòa. Ông Netanyahu từng tìm cách ngăn cản ông Rivlin đến với chiếc ghế Tổng thống và vì thế hai người kiềng mặt nhau từ đó đến nay.

Nhưng lúc này, lợi ích quốc gia đã được đặt lên trên những mâu thuẫn cá nhân. Ông Netanyahu đang hết sức nỗ lực thuyết phục ông Putin về mối hiểm họa từ bộ ba mà Israel vẫn coi là trục ma quỷ, gồm Iran, chính quyền Assad, và Hezbollah.

Theo tờ báo al-Jarida của Kuwait, việc Israel cung cấp bằng chứng cho Moscow thấy rằng Iran đã và đang tuồn vũ khí tối tân của Nga cho lực lượng Hezbollah, dẫn đến việc ông Putin ra lệnh hoãn thương vụ tên lửa S-300 với Tehran, là một minh chứng điển hình.

Cũng theo báo al-Jarida, Thủ tướng Netanyahu đã đề nghị Tổng thống Rivlin hủy chuyến đi tới Canberra để tới Moscow nhằm trình bày với điện Kremlin những mối nguy đi kèm với việc chuyển giao S-300 tới Iran, trong đó nghiêm trọng nhất là khả năng Tehran sẽ tuồn S-300 cho Hezbollah.

Trong khi Israel tỏ ý muốn xích lại gần Nga, các tờ báo thân chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng loạt đưa tin về một "tiến trình hòa giải lịch sử" giữa nước này với Nhà nước Do Thái. Vậy tại sao đến nay giữa hai nước vẫn chưa hề có động thái tích cực nào?

Theo giới nghiên cứu chính trị Israel, Thủ tướng Netanyahu đang "né" Thổ để chiều lòng Nga. Muốn kéo Moscow về phía mình, Jerusalem không thể tỏ ra quá mặn mà với Ankara, khi quan hệ Nga - Thổ đang cực kỳ căng thẳng như hiện nay.

Israel hiện đang đứng giữa hai sự lựa chọn: hoặc bình thường hóa mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại liên minh quân sự, hoặc đến với Nga để thuyết phục Moscow rời bỏ Iran và Hezbollah.

Những động thái vừa qua cho thấy Israel có lẽ đang nghiêng về phương án thứ hai. Với Netanyahu, Putin quan trọng hơn Erdogan rất nhiều vào thời điểm này.

Trong mắt Jerusalem, một khi Erdogan còn tại vị thì liên minh quân sự giữa hai nước chỉ là ảo tưởng. Sự hiện diện của Nga tại Syria đã giúp cho vị thế của ông Putin ngày một tăng cao trên chính trường quốc tế. Có thể nói, Tổng thống Nga đã thắng lớn trong ván cờ Syria khi đã làm thay đổi cục diện không chỉ ở Syria mà còn cả khu vực Trung Đông. Israel quá hiểu điều đó, vì thế rất muốn xích lại gần Nga và không muốn làm bất kỳ điều gì khiến Moscow phật ý.

Thiện Tâm

Tass, RIA,

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc