Indonesia: Chơi vỗ mặt

07:00 | 25/08/2015

4,452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 18-8, Jakarta đã đánh chìm 34 tàu thuyền nước ngoài (Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) bị tạm giữ trước đó do đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia. Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết, nhiều tàu cá nước ngoài bị đánh chìm trong những tháng gần đây chứng tỏ quyết tâm của Jakarta trong việc muốn mọi người nhận thức rõ biển là tương lai của đất nước.

Tìm thấy máy bay mất tích của Indonesia

Tìm thấy máy bay mất tích của Indonesia

Giới chức Indonesia khẳng định chiếc máy bay của hãng hàng không Trigana Air Service đã bị đâm vào núi. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn không còn ai sống sót.

Trước đó, hải quân Indonesia dự định đánh chìm 70 tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này nhân kỷ niệm 70 Ngày Độc lập 17-8. Tờ The Diplomat coi đây là vụ công khai đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài nhất của Indonesia kể từ khi Tổng thống Joko Jokowi lên nắm quyền năm 2014. Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Ade Supandi cho biết, những tàu nước ngoài bị đánh đắm là những tàu bị bắt giữ khi đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Việc đánh chìm các tàu cá nói trên chủ yếu được tiến hành tại 3 căn cứ hải quân là Tarempa (tỉnh Batam), Rinai (tỉnh Riau Islands) và Tarakan (tỉnh Bắc Kalimantan).

indonesia-choi-vo-mat
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin

Trước đó (20-5), Tổng thống Joko Widodo cũng đã ra lệnh đánh đắm 41 tàu cá nước ngoài, trong đó có một tàu cá của Trung Quốc và đó là tàu cá Trung Quốc đầu tiên bị Indonesia đánh chìm. Tổng thống Joko Widodo coi đây là “liệu pháp gây sốc” nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép bất chấp những quan ngại của các nước láng giềng. Sau khi lên nắm quyền, ông Joko Widodo đã phát động chiến dịch bảo vệ tài nguyên biển và ngành công nghiệp đánh bắt cá trong nước, được cho là bị thiệt hại hơn 20 tỉ USD/năm vì nạn đánh bắt cá trái phép. Tổng giám Đốc Cơ quan Quản lý Tài nguyên Thủy hải sản Indonesia Asep Burhanudin cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, Jakarta đã phải giải quyết ít nhất 92 trường hợp đánh bắt cá trái phép.

Ngày 8-8, tờ The Diplomat đăng bài "Indonesia sẽ nâng cấp 2 căn cứ hải quân để tăng cường sức mạnh trên biển" của tác giả Prashanth Parameswaran. Theo đó, hải quân Indonesia sẽ nâng cấp 2 căn cứ hải quân thành căn cứ hải quân cấp khu vực trước cuối năm 2015. Trong đó, một căn cứ nằm ở đảo Tarakan khu vực tỉnh Kalimantan Utara, một căn cứ khác nằm ở Sorong, tỉnh Papua Barat. Điều đáng nói là việc nâng cấp căn cứ hải quân Sorong thống nhất với việc lập kế hoạch xây dựng "hạm đội trung tâm" đang được tiến hành. Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu ủng hộ kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh, việc đặt căn cứ quân sự tại đây là một quyết định sáng suốt bởi vùng lãnh thổ này có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia cần phải được bảo vệ.

Những động thái kể trên của Jakarta diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Indonesia với các nước hữu quan đang có những diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề an ninh, pháp lý và chính trị Tedjo Edhy Purdijatno cho biết, Indonesia sẽ triển khai máy bay ở căn cứ không quân Tarakan để tăng cường giám sát và bảo vệ đối với lãnh thổ trên đất liền, trên biển và trên không. Indonesia không trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại sử dụng “đường lưỡi bò" để “liếm” tới quần đảo Natuna của Jakarta. Hải quân Indonesia cũng vừa cho biết, nhà máy đóng tàu OCEA của Pháp đã hạ thủy chiếc tàu hỗ trợ khảo sát hải dương xa bờ (OSV) thứ 2 mà Jakarta đặt mua trước đó. Và chiếc tàu này đã được hạ thủy tại Les Sables d'Olonne trong một buổi lễ được tổ chức hôm 3-8 với sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng và Hải quân Indonesia.

Cách đây không lâu, Mỹ và Indonesia cũng vừa kết thúc cuộc diễn tập hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) thường niên lần thứ 21 (từ 3 đến 10-8) tại khu vực đất liền Surabaya và các vùng biển và không phận trên biển Java và Bali. Indonesia bắt đầu tham gia diễn tập CARAT từ năm 1995 và diễn tập CARAT là một phần của các cuộc diễn tập song phương của hải quân Mỹ với 9 đối tác hải quân ở Nam và Đông Nam Á nhằm giải quyết những ưu tiên an ninh hàng hải chung, tăng cường quan hệ hợp tác hàng hải và khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia.

Trong một diễn biến liên quan, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vừa dẫn tuyên bố của quan chức cao cấp quân sự Philippines cho biết, Nhật Bản muốn tham gia vào các cuộc tập trận hải quân đa phương với Mỹ và Philippines. Và việc này diễn ra sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng trái phép tại 7 bãi đá và bãi cạn ở Biển Đông. Theo trang tin Gulf News, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Hernando Iriberri và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết, tại cuộc họp với Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano, 2 bên đã tập trung vào các cuộc tập trận chung trong tương lai giữa Thủy quân lục chiến Nhật Bản và Philippines, bao gồm cả diễn tập đổ bộ.

Bộ trưởng Voltaire Gazmin còn tiết lộ, Nhật Bản muốn chia sẻ thông tin về Biển Đông, và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục thúc đẩy thông qua 1 đạo luật an ninh quốc gia cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng hoạt động an ninh với Philippines. Theo Hãng Kyodo, dự chi ngân sách năm tài chính 2016 dành cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản lên tới 5.200 tỉ yen (khoảng 42 tỉ USD), và đây là mức tăng kỷ lục dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Ngân sách này sẽ chi khoảng 140 triệu yen để bố trí lại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Theo kế hoạch ngân sách đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua đến năm 2018, chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ tăng trung bình 0,8% mỗi năm.

Tuấn Quỳnh

Năng lượng Mới 450