Hy vọng mới về dược liệu sạch?

06:42 | 23/11/2017

944 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi tới hơn 4.000 loại thảo dược nhưng lại phải sử dụng dược liệu bẩn, kém chất lượng… được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Bio Trade, một tổ chức của Liên minh châu Âu về phát triển dược liệu sạch đã áp dụng một giải pháp nhằm thay đổi “bức tranh ảm đạm” đó.   

Trồng quất dược liệu dễ, lãi hơn quất cảnh

Nằm ở “ốc đảo” thực tế là Bãi Quỹ giữa con sông Đào của xã Thành Lập, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là 2ha quất xanh mướt ngút tầm mắt. Cây ở đây không như quất cảnh được cắt tỉa tầng tầng, lớp lớp hay tán tròn đều đẹp theo chủ định của con người mà mọc tự nhiên như loài cây hoang dã khác. Quả của nó cũng không mỡ màng, vàng óng, căng tròn như quả quất cảnh, ngược lại nếu nhìn sẽ không dám ăn vì vỏ dám hoặc xỉn vàng, mặc dù đất phù sa rất màu mỡ.

Ông Đoàn Văn Hoa, chủ nhân của vườn quất nói: “Quất mọc tự nhiên không phun thuốc sâu, không dùng phân bón hóa học hay thuốc kích thích thì mộc mạc như vậy. Còn quất cảnh vì sử dụng hóa chất chăm bón nên quả nào quả nấy, cây nào cây nấy đẹp như tranh vẽ”.

Là một nông dân phát triển dược liệu sạch theo Dự án Bio Trade, ông Hoa từng trồng quất cảnh sau chuyển sang trồng quất sạch cung cấp cho Công ty Nam Dược để sản xuất thuốc ho. Ông Hoa cho rằng, chăm sóc quất cảnh thực ra vất vả hơn chăm sóc quất sử dụng làm dược liệu rất nhiều… Bởi nếu như quất cảnh phải tỉa tót, chăm bón nhiều loại phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, đảo rễ (từ lúc trồng đến lúc bán vào dịp tết phải đảo cây) thì quất dược liệu trồng đơn giản hơn, không phải tốn công - của cho việc chăm sóc mà phần lớn để nó mọc tự nhiên, ra quả mới sạch, tinh chất chiết xuất từ quất mới hữu hiệu trong điều trị và bảo vệ sức khỏe con người. Còn quả quất cảnh chỉ đẹp mã, bên trong bồm bộp, “xốp xồm xộp” không chắc như quất dược liệu và quan trọng hơn, tinh chất… ít tác dụng.

hy vong moi ve duoc lieu sach
Ông Hoa kiểm tra quất dược liệu thu hoạch được

Nói về sự kỳ công trong trồng quất dược liệu, ông Hoa cho rằng, chỉ là khâu làm cỏ cho đất. Vì đất trồng dược liệu phải làm sạch cỏ bằng tay, không được làm hóa chất như có thể áp dụng với đất trồng quất cảnh. Còn nước tưới chính là nước từ sông Đào, không dùng nước giếng khoan vì có vị chua chát sẽ làm hỏng cây. Phân bón càng đơn giản nữa khi chính là hạt đậu tương xay ra thành bột rồi rắc vào gốc. Nhưng để quất sạch từ “a đến z”, đậu tương bón cho quất, ông Hoa khẳng định cũng phải sạch, nghĩa là được trồng chẳng khác gì như quất dược liệu, không được sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong khâu chăm bón. Để bảo đảm, cũng chính tay ông tự trồng đậu tương để bón cho quất dược liệu.

Khi được hỏi vì sao bón quất dược liệu lại là bột đậu tương mà không phải loại “phân bón” khác, ông Hoa giải thích: Bột đậu tương vừa tăng “sức đề kháng” cho cây chống lại sâu bệnh, vừa giúp cây phát triển tốt lại giữ đất trồng luôn màu mỡ, không bị bạc màu.

Để có thể rành rẽ như vậy về kỹ thuật vun trồng cũng như để bảo đảm năng suất, chất lượng quả thu hoạch, ông Hoa không thể phủ nhận được hỗ trợ, tư vấn rất nhiều từ cán bộ Dự án Bio Trade và của cả Công ty Nam Dược, nơi tiêu thụ toàn bộ quất dược liệu của ông. Ông kể, với địa thế và chất lượng đất phù sa ở Bãi Quỹ, chính Công ty Nam Dược và cán bộ Bio Trade đã tư vấn, động viên ông trồng quất dược liệu thay vì quất cảnh. Bởi trồng quất dược liệu không những đỡ vất vả hơn trong khâu trồng trọt mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho ông lớn hơn và ổn định hơn so với quất cảnh.

Và thực tế, quất dược liệu với 1 năm 2 mùa thu hoạch khoảng 50 tấn, mang lại cho ông doanh thu 900 triệu đồng/năm, lãi hơn hẳn trồng quất cảnh, dù đã trừ các chi phí. Và điều đáng nói, lợi nhuận đó ổn định, không khiến ông “thót tim” như trồng quất cảnh mỗi khi tiêu thụ một cách thụ động vào dịp tết.

Kết nối “đầu vào” và “đầu ra”

Không phải tự nhiên mà ông Đoàn Văn Hoa có “mối nhân duyên” như vậy với cả Bio Trade và Nam Dược. Bởi Bio Trade với vai trò “đại sứ” giúp Việt Nam phát triển vùng dược liệu sạch đã lựa chọn hướng đi gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp - “đầu vào” và “đầu ra” - với nhau để vừa bảo đảm lợi ích, trách nhiệm của hai bên vừa phát triển vùng dược liệu sạch như mong muốn. Nhưng quan trọng nhất, mục tiêu mà Bio Trade muốn hướng đến: tạo ra một vòng “khép kín” như vậy để giúp bảo tồn được những gen, giống dược liệu quý của Việt Nam vốn đang bị biến mất và khai thác một cách cạn kiệt như hiện nay.

Trên cơ sở, ý nghĩa như vậy, Bio Trade đã gắn kết ông Hoa và Công ty Nam Dược bằng những hỗ trợ, tư vấn ở tất cả các khâu trong trồng trọt - thu hoạch - sản xuất dược liệu sạch. Nếu không có những người bảo đảm nguồn cung cấp dược liệu sạch như ông Hoa thì Nam Dược không thể sản xuất đủ sản lượng cũng như không thể cho ra đời những dược phẩm tốt. Ngược lại, không có những công ty như Nam Dược, thì những nông dân trồng dược liệu như ông Hoa không thể trồng dược liệu sạch và không thể tiêu thụ một cách ổn định dược liệu của mình.

“Đây là mối quan hệ biện chứng”, bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối nhân rộng phát kiến thương mại sinh học trong ngành dược liệu Việt Nam của Bio Trade đánh giá. Và quả thực nhờ vai trò “đại sứ” của Bio Trade mà cả ông Hoa và Nam Dược ngày càng phát triển hơn với nguồn dược liệu sạch được trồng trọt, sản xuất với trách nhiệm và lợi ích của cả hai bên từ đó, làm cho bức tranh dược liệu vốn ảm đạm sẽ sáng màu hơn.

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, 90% thuốc Bắc trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc không có nhãn mác. Sau khi kiểm tra, chỉ riêng các cơ sở đông y của Nhà nước cho thấy, có đến 60% thuốc không đảm bảo chất lượng, trong đó 20% bị trộn lẫn rác, dược liệu giả. Thậm chí, trong thuốc có cả cát và xi măng.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc