Hy Lạp và những câu chuyện cười ra nước mắt

14:41 | 14/07/2015

2,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp kéo dài 6 tháng qua, người ta đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cười ra nước mắt từ phía người dân nước này.

Chàng trai người Anh phát động phong trào quyên góp trên toàn thế giới để giúp người Hy Lạp trả nợ

Người dân bỏ xứ hàng loạt

Trong vòng 10 ngày qua, đồn cảnh sát ở Pagrati, khu làng vận động viên Thế vận hội, đã nhận được 1.580 mẫu đơn xin đăng ký hộ chiếu mới hoặc gia hạn từ những người Hy Lạp muốn bỏ ra nước ngoài, cao gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn rất nhiều thời điểm 2003, một năm trước khi cuộc khủng hoảng nhen nhóm xảy ra. Đương nhiên, đây là mùa hè và rất nhiều người muốn đi du lịch.

Nhưng cảnh sát khẳng định là họ chưa từng thấy nhiều người đến đây nộp đơn xin làm hộ chiếu đến thế. Một người chỉ về phía một phụ nữ đến đây để xin hộ chiếu công vụ: "Các anh có thấy tại sao họ lại phải vội vã như thế này không? Trong những ngày qua, chúng tôi vô cùng bận rộn với các yêu cầu làm hộ chiếu. Chúng tôi phải đi làm cả ngày nghỉ để đáp ứng các yêu cầu này".

Các số liệu của EU cho thấy, trong năm ngoái, 91 nghìn người Hy Lạp đã rời bỏ đất nước mình, tương đương với 1% dân số nước này. Chính quyền thủ đô Athens ghi nhận rằng, việc người dân nước này ồ ạt nộp đơn xin hộ chiếu thể hiện sự hoảng loạn và mất niềm tin của không ít người vào sự phục hồi của đất nước.

Phần lớn số người xin hộ chiếu là những người có tiền của. Số đơn của người sống ở khu đồi Kifissia giàu có của Athens đã tăng 70% so với năm ngoái. Ở Maroussi, khu thượng lưu ở phía Bắc Athens, có tới 750 đơn xin cấp hộ chiếu được nộp chỉ trong một tuần. Số đơn xin cấp cho trẻ dưới 12 tuổi tăng 30%. "Chắc chắn, đấy có thể được coi là một cách để chắc chắn cho tương lai" - một cảnh sát nói.

Trao đổi hàng hóa như thời “tiền sử”

Việc các ngân hàng đóng cửa suốt 2 tuần qua và tiền mặt khan hiếm đã khiến cho những người dân ở Hy Lạp nghĩ ra ý tưởng hàng đổi hàng – một cách thức buôn bán đơn giản nhưng thích hợp vào thời điểm hiện tại. Hình thức vốn được con người sử dụng từ hàng nghìn năm trước.

Giờ đây, người dân ở các vùng quê nghèo ở Hy Lạp cho rằng, nền kinh tế chia sẻ trao đổi trên lại thật thú vị. Chẳng cần tiền mặt nữa vì muốn có tiền mặt bạn lại phải đi xe sang tới làng bên để rút.

Người châu Âu quyên góp giúp người dân Hy Lạp

Trước những tin tức liên tục về cuộc khủng hoảng Hy Lạp, người dân châu Âu đã cảm thấy “động lòng”. Chàng trai người Anh, Thom Feeney đã thu được gần 2 triệu euro sau khi phát động chiến dịch gây quỹ giúp Hy Lạp trả nợ.

Thom Feeney cho biết anh đi đầu trong chiến dịch vì “sự chậm trễ liên tục của các chính trị gia châu Âu”. Chiến dịch kêu gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) của Thom Feeney nhằm giúp Hy Lạp trả 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chàng trai người Anh 29 tuổi phát động chiến dịch này thông qua trang mạng IndieGoGo, và hiện đã nhận được sự đóng góp lớn từ hàng trăm nghìn người dân khắp châu Âu với số tiền lên đến gần 2 triệu euro.

Thom Feeney hiện là nhân viên kinh doanh của một cửa hàng giày tại Anh. Mục đích của Thom Feeney không quá xa vời bởi anh cho rằng, châu Âu có khoảng 500 triệu dân, nếu mỗi người đóng góp 3,5 USD – chỉ tương đương giá một ly cà phê ở London, thì có thể quyên góp được đủ số tiền giúp Hy Lạp trả nợ cho IMF.

Anh cho biết, khởi đầu chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng, chủ yếu là người Anh và Đức – hai quốc gia thành viên EU có lập trường cứng rắn nhất trong các cuộc đàm phán về nợ công của Hy Lạp.

Nh.Thạch