Hy Lạp nói không với chủ nợ

15:32 | 06/07/2015

1,290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tuyên bố từ chức, ngay sau khi cử tri nước này nói "Không" với các chủ nợ đã khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo những kết quả mới nhất về cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, có ít nhất 61% cử tri nước này đã nói “Không” với các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ châu Âu - một kết quả được dự báo là sẽ đưa Athens vào một vòng xoáy xung đột mới với phần còn lại của khu vực đồng Euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bởi trước đó ông Yanis Varoufakis từng cảnh báo, sẽ từ chức nếu người dân Hy Lạp ủng hộ kế hoạch cải cách khắc khổ của các chủ nợ. Nhưng trong tuyên bố từ chức, ông Yanis Varoufakis cho biết, một số thành viên trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) coi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp là nhân vật không được hoan nghênh tại cuộc họp của Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup), nên đã quyết định ra đi để không làm yếu thế của Thủ tướng Alexis Tsipras trong các cuộc họp sắp tới với Eurogroup. Trước đó, ông Yanis Varoufakis đã tổ chức họp báo, trong đó bày tỏ hy vọng tái khởi động đàm phán với các chủ nợ.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis

Cũng trong ngày 6/7, Thủ tướng Alexis Tsipras đã kêu gọi thành lập "mặt trận dân tộc vững mạnh" để đàm phán với các chủ nợ nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ. Phát biểu trên truyền hình ngay sau khi cuộc trưng cầu ý dân kết thúc, Thủ tướng Alexis Tsipras đã ca ngợi người dân nước này có một lựa chọn dũng cảm, đồng thời khẳng định lịch sử Hy Lạp đã bước sang một trang mới. Và vấn đề cần phải làm là tiếp tục thương lượng về một kế hoạch cải cách trong ngày 6/7 với mục tiêu khôi phục hệ thống ngân hàng của Hy Lạp.

Bởi ngày 6/7, các ngân hàng Hy Lạp tái mở cửa, nhưng thanh khoản đang ở mức báo động và có nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong vài ngày tới khi người dân liên tục rút tiền. Việc rút tiền từ các cây ATM hiện được giới hạn ở mức 60 euro/ngày, gây khó khăn nhiều cho hoạt động kinh tế tại Hy Lạp khi hoạt động kinh doanh, buôn bán chủ yếu thông qua tiền mặt. Giới doanh nghiệp Hy Lạp cũng đang tuyệt vọng trong cơn lốc khủng hoảng nợ bởi nợ công của nước này hiện đã vượt 175% GDP.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Cựu thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras

Thủ tướng Alexis Tsipras cũng yêu cầu Tổng thống Prokopis Pavlopoulos triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái chính trị vào sáng 6-7 để bàn về những nội dung kể trên. Ông Prokopis Pavlopoulos cho rằng, Hy Lạp nên đoàn kết, bất kể kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ra sao. Hàng nghìn người dân Athens đã tụ tập tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm thủ đô để ăn mừng kết quả này.

Trong khi đó, thủ lĩnh đảng Dân chủ mới (ND) theo đường lối bảo thủ đối lập, cựu Thủ tướng Antonis Samaras đã quyết định từ chức sau khi đa số cử tri Hy Lạp nói "Không" với kế hoạch khắc khổ. Bởi trước đó, ông Antonis Samaras coi cuộc trưng cầu dân ý là sai lầm, bởi có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Người dân Hy Lạp xếp hàng để rút các khoản tiền ít ỏi từ ATM

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp, 61,31% cử tri "xứ sở thần thoại" đã nói không với 3 chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Và chỉ có 62,5% cử tri đi bỏ phiếu (trong khoảng 10 triệu cử tri) và họ đã nói "Không" với yêu cầu thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ và điều này đồng nghĩa với việc, Hy Lạp có thể sớm rời khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

Ngay sau khi biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp hôm 5/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), một trong ba chủ nợ chính của Athens đã quyết định họp trong ngày 6/7 để đưa ra quyết định có nâng trần hỗ trợ khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng của nước này hay không. Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker sẽ tổ chức hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Nhóm Eurozone Jeroen Dijsselbloem trong sáng 6/7. Còn Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk cho biết, các nước Eurozone sẽ tổ chức hội nghị cấp cao vào tối 7/7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Thủ tướng Alexis Tsipras ủng hộ với nói không với cứu trợ Châu Âu

Theo giới truyền thông, Thủ tướng Alexis Tsipras đã chỉ trích các đối tác trong Eurozone muốn "khủng bố hóa" người dân Hy Lạp, đồng thời cho rằng, kết quả “Không” sẽ giúp nâng vị thế của Hy Lạp trong các cuộc đàm phán với các chủ nợ. Nhưng nếu điều này diễn ra sẽ là “thảm họa” lớn đối với đa số người dân, nhất là số hưởng lương hưu và các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp-Đức, chủ nợ chính của Hy Lạp. Tuy nhiên, đại diện đàm phán của Hy Lạp đã quay lại Brussels hôm 6/7 và theo Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Euclid Tsakalotos, Athens sẽ đàm phán một giải pháp khả thi về tài chính. Bởi tại thời điểm hiện nay Chính phủ đã được tin tưởng và theo báo cáo mới nhất của IMF, nợ của Hy Lạp không bền vững. Theo IMF, Hy Lạp cần trợ cấp khoảng 50 tỷ euro từ nay đến cuối 2018.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Hàng nghìn người dân Athens đã tụ tập tại quảng trường Syntagma ở trung tâm thành phố để đón mừng kết quả trưng cầu dân ý

Khi phát biểu với hãng AFP, đại diện của Chính phủ Đức cho rằng, Thủ tướng Alexis Tsipras đã "đốt cây cầu cuối cùng" giữa Athens với châu Âu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cũng nhấn mạnh, hầu như không còn cơ hội đạt được sự th​ỏa hiệp với Hy Lạp sau khi người dân nước này nói “Không” với kế hoạch cải cách. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng, ông không có gì bất ngờ nếu Hy Lạp bị phá sản.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Paris hôm 6/7 để hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande về kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cho biết, các chủ nợ cần tìm cách nhượng bộ để giúp Hy Lạp, thay vì chỉ dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để tung ra các gói thanh toán khẩn cấp. Đồng thời khẳng định, việc Hy Lạp bỏ phiếu "Không" với các chủ nợ không đồng nghĩa với việc Athens sẽ rời Eurozone.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Thủ tướng Hy Lạp tại một điểm trưng cầu dân ý và tự tay bỏ lá phiếu của mình

Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Joerg Schelling cũng cho biết, Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup) vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán với Hy Lạp. Thủ tướng Italia Matteo Renzi nhấn mạnh, bất kể kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp ra sao, châu Âu vẫn phải tái khởi động đàm phán với Athens. Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni cũng nhấn mạnh, cần phải tái khởi động những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận với Hy Lạp. Còn Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố, biểu quyết chống có nghĩa là vị thế của Hy Lạp sẽ bị “suy yếu đáng kể”.

Hy Lạp nói không với chủ nợ
Số người theo phe chống thắt lưng buộc bụng tại Hy Lạp đã bày tỏ niềm vui khi kết quả bỏ phiếu Không chiếm ưu thế

Theo giới truyền thông, 5 tháng đàm phán giữa Hy Lạp với 3 chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Q​ũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kết thúc với việc Athens phải kiểm soát chặt nguồn tín dụng để ngăn hệ thống ngân hàng vốn đã ốm yếu khỏi bị sụp đổ.

Pablo Iglesias, người đứng đầu đảng phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại Tây Ban Nha đã viết trên trang cá nhân của mình rằng: Hy Lạp đã chiến thắng. Và kết quả của cuộc tổng tuyển cử trong mùa thu này tại Tây Ban Nha cũng sẽ là tin xấu đối với các đảng phái chấp thuận điều kiện thắt chặt của Eurozone. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng, nếu người Hy Lạp phản đối các điều khoản cứu trợ của các chủ nợ, tình huống sẽ trở nên tuyệt vọng. Và Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup) có thể phải họp bất thường vào thứ tư tại Brussels (Bỉ)

Tân Hồng -Tiên Du

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc