Hy Lạp lại rơi vào bất ổn mới

15:00 | 16/07/2015

1,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân Hy Lạp lại đổ xuống đường biều tình rậm rộ chống chính phủ và các điều kiện khắc nghiệt của châu Âu. Xem ra gói cứu trợ của EU nhằm tránh cho Athens bị vỡ nợ, lại đang đẩy Hy Lạp vào một cuộc khủng hoảng khác.

Người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát ở Athens ngày 15/7

Ngày 15/7, những người biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp đã ném hàng chục quả bom xăng vào lực lượng cảnh sát bên ngoài trụ sở quốc hội, vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận cứu trợ mới. Đây là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 2 năm qua ở quốc gia này. Cảnh sát đã đáp trả bằng đạn hơi cay khiến hàng trăm người bỏ chạy tại Quảng trường trung tâm Syntagma.

Trước đó, hàng nghìn người đã xuống đường tại Athens tham gia những cuộc tuần hành hòa bình để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trên tay mang những tấm áp-phích bày tỏ sự bất đồng với những biện pháp đề xuất của chương trình viện trợ cho Hy Lạp. "Không cần chính sách của EU, ECB và IMF!”-có khẩu hiệu như vậy.

Thỏa thuận này cứu Hy Lạp khỏi bị phá sản nhưng sẽ áp đặt thêm các biện pháp khắc khổ đối với với đất nước vốn đã lún sâu vào khủng hoảng này.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp mới đạt được ở Brussels (Bỉ) ngày 13/7 nhằm tránh cho quốc gia này khỏi nguy cơ rời khỏi Eurozone, có thể mang lại hiệu ứng ngược.

Để có được khoản hỗ trợ từ 82-86 tỷ euro trong vòng ba năm tới từ các chủ nợ, Hy Lạp sẽ phải bắt đầu bằng việc chứng minh thiện chí của mình qua việc thắt chặt thêm chi tiêu và phải thông qua hàng loạt các thay đổi từ nay đến tối 15/7 (giờ địa phương).

Christian Odendahl và John Springford thuộc Trung tâm cải cách châu Âu (CER) tính toán, theo thỏa thuận, Hy Lạp phải đạt được cân bằng ngân sách, ngoài việc thanh toán nợ để bắt đầu thảo luận với các chủ nợ về việc quy hoạch nợ công hiện tương đương gần 180% GDP. Các chủ nợ tính toán thặng dư ngân sách hàng năm từ năm 2015 đến năm 2018 sẽ lần lượt là 1%, 2%, 3% và 3,5% GDP. Tuy nhiên, theo CER, Hy Lạp không có khoản thặng dư trong năm 2015, do đây là năm biến động chính trị.

Cristino Arroyo, Giáo sư Kinh tế Quốc tế Trường Đại học Johns Hopkins, nói rằng “phần thực sự khó là bên cạnh những cải cách được yêu cầu thực hiện, Hy Lạp còn phải tìm kiếm những con đường để tăng trưởng và đó chính là thách thức thực sự”. Ngay cả trong trường hợp Quốc hội Hy Lạp thông qua thỏa thuận, đây cũng là một việc làm vô cùng khó khăn đối với một nước vẫn còn phải cố gắng thoát ra khỏi cuộc suy thoái trầm trọng.

Theo nhà phân tích thị trường Mike Ingram của Công ty Tài chính BGC, cắt giảm thêm chi tiêu sẽ không mang lại tăng trưởng đủ để giảm bớt khoản nợ đang tăng nhanh của Hy Lạp. Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình Hy Lạp tối 14/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định ông có trách nhiệm phải thúc đẩy thực hiện thoả thuận này. Ngoài ra, trong năm 2015, Hy Lạp cũng sẽ tiến hành đàm phán về việc tái cơ cấu “núi nợ” của đất nước cũng như hướng đến một chương trình đầu tư trị giá 35 tỷ euro, qua đó đặt nền móng để phục hồi tăng trưởng ở Hy Lạp.

Theo một cuộc thăm dò dư luận được báo To Vima của Hy Lạp công bố tối 14/7, có tới 70% số người dân Hy Lạp được hỏi mong muốn Quốc hội nước này thông qua chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ. Trong khi đó, có gần 49% số ý kiến được hỏi cho rằng các đối tác Eurozone không thể hiện thiện chí chia sẻ với tình hình khó khăn hiện nay ở Hy Lạp.

Xem ra cuộc đối đầu giữa chính phủ Hy Lạp với các chủ nợ nay đã chuyển thành cuộc đối đầu giữa người dân và chính quyền Athens. Hy Lạp trong những ngày tới được dự báo đầy bất ổn.

Tờ Le Monde (Pháp) nhận xét, sau hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro tại Bruxelles ngày 12/7 để cứu vãn Hy Lạp khỏi phá sản, một cảm giác cay đắng ngự trị. Đã hẳn là Athens vẫn ở lại Eurozone, nhưng bằng cái giá nào? Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải chấp nhận các điều kiện tệ hại, là người thiệt thòi nhất. Nhưng châu Âu cũng không được lợi gì, càng chia rẽ và yếu ớt đi sau hội nghị.

Tất cả vẽ ra bức chân dung một khu vực đồng euro hoàn toàn không có khả năng giải quyết vấn đề nợ nần của một đất nước chỉ chiếm có 2% tổng sản phẩm nội địa của toàn khối. Không có ngân sách riêng, không có cơ chế giải quyết xung đột, dư vị còn lại cho châu Âu chỉ là nỗi đắng cay.

Một người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình được tổ chức bởi ADEDY, công đoàn khu vực công lớn nhất ở Hy Lạp, đánh dấu một cuộc đình công 24 giờ ở Athens, Hy Lạp, ngày 16/7

Th.Long

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc