Huỳnh Kim Sơn - “Chàng trai đam mê tốc độ”

20:29 | 01/06/2017

972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trả lời 100/100 câu hỏi trắc nghiệm nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất (8 phút 32 giây - trung bình mỗi phút trả lời được 12 câu), Huỳnh Kim Sơn - Kỹ sư Phòng Điều độ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã xuất sắc đạt giải Nhì cá nhân và danh hiệu Điều độ viên giỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đóng góp vào thành tích chung - giải Nhất khối phân phối của Tổng công ty Điện lực miền Trung tại Hội thi Điều độ viên giỏi EVN diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/4 vừa qua. Với thành tích nổi bật, cùng cá tính đặc biệt, đồng nghiệp thường gọi anh với cái tên khá thú vị là: “Chàng trai đam mê tốc độ”.
huynh kim son chang trai dam me toc do
Anh Huỳnh Kim Sơn trong một ca trực.

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ phải tảo tần sớm hôm nuôi hai anh em ăn học. Không phụ công đấng sinh thành, cậu bé Sơn liên tiếp là học sinh khá, giỏi suốt các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cánh cửa Đại học Bách khoa Đà Nẵng mở rộng chào đón chàng tân sinh viên trẻ khi Sơn vừa tròn 18 tuổi.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa - Khoa hệ thống điện với thứ hạng cao (điểm tổng kết trung bình môn 7,92; xếp vị trí thứ 2 của lớp), Huỳnh Kim Sơn đã trải qua kỳ thi tuyển để được vào công tác tại Công ty Điện lực Đà Nẵng năm 2008. Gần 10 năm công tác ở vị trí Điều độ viên - Phòng Điều độ, Huỳnh Kim Sơn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt lãnh đạo công ty, lãnh đạo đơn vị cũng như các đồng nghiệp.

“Sơn là một kỹ sư rất thông minh, có cá tính, thực hiện phép tính rất nhanh và hiện tại đang đảm nhận công việc quan trọng, đòi hỏi sự chính xác cao là: tính toán lập phiếu chỉnh định rơ le cho toàn hệ thống điện Đà Nẵng”, anh Hoàng Đăng Nam - Trưởng phòng Điều độ nhận xét. “Đây được xem là xương sống, quả tim của lưới điện vì chỉ cần rơ le bị lỗi thì toàn bộ hệ thống điện sẽ ngừng hoạt động, gây gián đoạn cung cấp điện toàn thành phố”, anh Nam cho biết thêm.

Để đảm nhận được công tác này, ngoài việc được cử đi đào tạo các lớp chuyên ngành tính toán rơ le, chàng kỹ sư trẻ phải tự tìm tòi, học hỏi nhất là từ các “tiền bối” đi trước. Bên cạnh sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin của nhà sản xuất, chuyên ngành, anh còn tự tìm hiểu thêm các ứng dụng phần mềm khác. Theo anh, việc thường xuyên xử lý sự cố, khắc phục các lỗi trên hệ thống điện cũng là cơ hội để trải nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm và đặc biệt hình thành nên phản xạ cho bản thân.

Trăn trở với công việc, năm 2013 Sơn đã phối hợp cùng lãnh đạo đơn vị bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Tính toán, phối hợp bảo vệ rơ le trên lưới điện Đà Nẵng” hiện đang được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao trên lưới điện. Sơn cho biết, trước đây công tác tính toán lập phiếu chỉnh định rơ le được thực hiện phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người làm, chưa có hệ thống và phương pháp chuẩn nên hiệu quả chưa cao. Việc nghiên cứu đề tài cho ra phép tính chính xác, nhanh và hiệu quả và đặc biệt, khi trực tiếp nghiên cứu, anh sẽ hiểu rõ hơn bản chất của các số liệu để hệ thống lại việc tính toán.

Quá trình thực hiện đề tài gặp không ít khó khăn như tài liệu hướng dẫn không có, chủ yếu dựa vào nguyên lý, lý thuyết của các nhà sản xuất thiết bị, vì vậy anh phải tự dịch và tham khảo các tài liệu nước ngoài, tìm ra điểm chung giữa các thiết bị, hệ thống lại để áp dụng cho các loại rơ le. Sau khi đề tài được công nhận và áp dụng hiệu quả trên lưới điện thành phố, hiện các đơn vị bạn như PC Khánh Hòa, PC Đắk Nông, PC Đắk Lắk… cũng đang học hỏi và áp dụng. Với anh đây là niềm vui, sự khích lệ cho quá trình cố gắng, miệt mài nghiên cứu của mình.

huynh kim son chang trai dam me toc do
Huỳnh Kim Sơn (thứ 2 từ phải qua) nhận giải Nhì cá nhân Hội thi Điều độ viên giỏi cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2017.

Ngoài đề tài nghiên cứu khoa học, Sơn còn là tác giả của sáng kiến “Nhập dữ liệu phần mềm PSS/ADEPT” - phần mềm tính toán lưới điện phân phối hiện đang được áp dụng tại PC Đà Nẵng. Với anh, việc nghiên cứu các đề tài, sáng kiến là cơ hội để tìm hiểu thêm các kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và mong muốn những sáng kiến được ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho công ty.

Tháng 9/2016, Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động. Khối lượng công việc của điều độ viên từ đó cũng tăng lên gấp 3, 4 lần vì một lúc phải làm tròn “2 vai”. Vừa là điều độ viên trực chỉ huy vận hành hệ thống điện phân phối, vừa là trưởng kíp điều chỉnh điện áp, đóng cắt các thiết bị máy cắt, dao cách ly, xử lý sự cố tại trạm… Cùng với đồng nghiệp, ngoài giờ làm, anh tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của các thiết bị, hệ thống camera, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin… để khi có sự cố hay cảnh báo bất thường sẽ xác định được chính xác nguyên nhân, khắc phục xử lý kịp thời. Khi phát hiện ra sai sót, anh cũng không ngại đề xuất ý kiến của bản thân để lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp cùng nhau bàn bạc, đi đến phương án tối ưu nhất.

Quay trở lại câu chuyện về Hội thi Điều độ viên giỏi cấp EVN năm 2017 - nơi hội tụ các “tinh hoa” điều độ viên cả nước - Huỳnh Kim Sơn phải trải qua vòng tuyển chọn gắt gao từ cấp Công ty, Tổng công ty để được đứng vào đội tuyển. Sau khi đạt giải Ba cấp Tổng công ty, Sơn có nửa tháng để ôn tập và hệ thống lại toàn bộ kiến thức trước khi chính thức bước vào hội thi. Hằng ngày, ngoài công việc chuyên môn, Sơn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ôn tập lại các kiến thức. Điều đặc biệt là trong quảng thời gian này, vợ chồng anh chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Sơn bộc bạch: “Bây giờ nhắc lại thời điểm đó mình vẫn còn “sợ”, một lúc vừa đi làm, vừa phải ôn thi, lại canh cánh nỗi lo bà xã sắp sinh. Nhưng may mắn mình được lãnh đạo, đồng nghiệp và gia đình hỗ trợ, động viên rất nhiều. Có lẽ đó là động lực giúp mình hoàn thành tốt các phần thi vừa rồi”. Ngày anh tham gia hội thi cũng là ngày cô con gái xinh xắn chào đời, niềm vui với anh như được nhân lên gấp bội.

Trong quá trình tìm hiểu về anh, tác giả được nghe câu chuyện khá thú vị, xuất phát từ biệt danh “Chàng trai mê tốc độ”. Một buổi chiều đi làm về, Sơn chạy xe khá chậm vì mải quan sát các tuyến đường dây, không may va quẹt với xe một cô gái đi ngược chiều. Cú va chạm chỉ làm hai người xây xát nhẹ, xe cô gái bị hư hỏng. Sau khi đưa cô gái vào trạm y tế, Sơn dắt xe đi sửa và không quên xin số điện thoại để liên lạc, hỏi han. Từ đó, những cuộc gọi, tin nhắn của hai người cứ nhiều lên và bén duyên lúc nào không biết. Sau hơn 2 năm tìm hiểu, hai người chính thức trở thành vợ chồng. Anh em đồng nghiệp ví von rằng đây là “mối tình tốc độ” nhưng là “tốc độ” chậm mà chắc.

Mồ côi cha từ nhỏ, có lẽ hơn ai hết Sơn hiểu rất rõ về vai trò của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Vì vậy, sau giờ làm, anh thường trở về với gia đình, vui đùa cùng các con, muốn chúng cảm nhận đầy đủ hơi ấm, tình thương và sự dạy dỗ từ người cha. Đó cũng là động lực để anh tiếp tục hoàn thành tốt công việc của một điều độ viên qua mỗi ca trực.

Thu Hà (EVNCPC)