Huyền thoại võ gà

06:00 | 06/02/2017

2,096 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong kho tàng võ học Việt Nam, có một bài võ dựa trên những động tác chiến đấu mạnh mẽ, linh hoạt của loài gà. Đó là bài võ “Hùng kê quyền”. Tương truyền, bài võ này được Đông Định Vương Nguyễn Lữ, một trong ba anh em nhà Tây Sơn sáng tạo ra. Giống như sự nghiệp chói lọi nhưng ngắn ngủi của Vương triều Tây Sơn, bài võ “Hùng kê quyền” cũng có nhiều lận đận, có những lúc tưởng như đã thất truyền.

Sáng tạo “Hùng kê quyền”

Cuốn Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao viết: “Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ”. Nhưng với tâm thế là một trong những võ tướng đầu lĩnh của phong trào Tây Sơn, ông vẫn học qua rất nhiều võ nghệ và chuyên về nhu quyền, miên quyền. Vốn sáng dạ, Nguyễn Lữ nhận thấy một số bài quyền, thế võ đương thời không phù hợp với những người có thể trạng của người Việt. Theo tương truyền tại vùng đất võ Bình Định, một hôm Đông Định Vương Nguyễn Lữ thấy 2 con gà chọi nhau trên sân, ông lặng lẽ quan sát. Những cú song phi, đâm cựa, rúc cánh của 2 con gà cứ ẩn hiện trong đầu ông. Với thiên tư võ học của mình, ông chuyển thể những động tác đó sang võ thuật và sáng tạo ra bài võ “Hùng kê quyền”.

huyen thoai vo ga
Lão võ sư Ngô Bông thi triển “Hùng kê quyền”

Khác với các bài võ gà của Trung Hoa như “Kim kê chủy mễ” (Gà vàng mổ gạo), “Kê bào thực” (Gà bới đất tìm thức ăn), “Kim kê đối mục” (Gà vàng nhìn nhau)... dựa vào các động tác dựa nhiều vào sức mạnh; “Hùng kê quyền” của Việt Nam lại là sự kết hợp các động tác mềm mại, linh hoạt nhưng không kém phần mạnh mẽ. Bài quyền này sau đó được truyền dạy rộng rãi trong tướng sĩ. Bởi nó có các yếu tố phù hợp với tiêu chí: “Yếu có thể đánh mạnh; Thấp có thể đánh cao; Nhỏ có thể đánh lớn; It có thể đánh nhiều” mà nghĩa quân Tây Sơn đưa ra để xây dựng tiêu chí võ thuật. “Hùng kê quyền” được sáng tạo ra, vừa phù hợp với sở học của bản thân Nguyễn Lữ, vừa phù hợp với tiêu chí của nghĩa quân Tây Sơn và thể chất của người Việt.

“Hùng kê quyền” là bài võ được sáng tạo ra để áp dụng vào thực tế chiến đấu nên động tác nhanh gọn, không mang tính biểu diễn, tính sát thương cao. Bài “Hùng kê quyền” là một loạt những động tác linh hoạt kết hợp sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Mục tiêu tấn công là nhằm vào những yếu điểm của đối thủ như các huyệt đạo, ngực, hầu... Về di chuyển, bộ pháp của “Hùng kê quyền” thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo, linh hoạt; Hỗ trợ rất nhiều cho thủ pháp. Việc kết hợp nhuần nhuyễn bộ pháp và thủ pháp khiến tình sát thương của bài quyền này cực cao.

Cùng với các bài “Nghiêm thương”, “Tứ môn côn”, “Tứ môn kiếm” của Quang Trung - Nguyễn Huệ; “Tuyết hoa song kiếm”, “Song thượng kiếm” của Bùi Thị Xuân; bài võ “Hùng kê quyền” của Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã góp phần cho nghĩa quân Tây Sơn chinh Nam dẹp Bắc, lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc.

200 năm thất truyền

Sau sự suy vi của Vương triều Tây Sơn, bài võ “Hùng kê quyền” cũng dần biến mất trong giới võ học, chỉ còn lời bài thiệu được lưu truyền trong dân gian. Nhưng cũng dòng được, dòng mất, nhiều dị bản và không có một bản nào hoàn chỉnh. Các động tác của bài võ cũng vẫn được các võ sinh tại Bình Định tập luyện, nhưng không được hoàn chỉnh trọn một bài và bị đứt gãy, không kết hợp được với nhau.

Thời điểm cuối những năm 40 của thế kỷ trước, ở miền Tây Phú Yên có một võ sư nổi danh tên là Cưu Vàng. Một hôm khi đang ngồi thiền định, võ sư Cưu Vàng nghe thấy một môn đồ của mình tên Ngô Bông lẩm nhẩm mấy lời: “Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung”... Võ sư Cưu Vàng bỗng giật mình, nói môn đồ rằng đọc đầy đủ cho nghe. Môn sinh Ngô Bông đọc tiếp đầy đủ: “Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung/ Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long/ Xuyên cung độc triểu tăng ư trác/ Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung/ Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ/ Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung” - (Nghĩa là: Hai con gà chọi nhau để tranh hùng; Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên; Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng; Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh; Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu như mỏ gà (mổ thóc); Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch; Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho; Mềm, cứng, mạnh, yếu tất cả đều trong bài quyền này).

Võ sư Cưu Vàng hỏi môn sinh Ngô Bông: “Con học bài thiệu này ở đâu”. Vị môn đồ trẻ tuổi mới đáp: “Thưa thầy, đây là bài thiệu mà những người cậu của con dạy cho con”. Võ sư Cưu Vàng nói tiếp rằng đây là bài thiệu của “Hùng kê quyền”, một bài danh võ thời Tây Sơn và khuyên Ngô Bông nên giữ gìn vì đây là bài thiệu rất quý báu. Căn nguyên của việc khôi phục “Hùng kê quyền” bắt nguồn từ đây. Sau này, thầy Cưu Vàng mới biết, cố ngoại của môn đồ Ngô Bông là một thầy dạy võ, sau này gia nhập nghĩa quân Tây Sơn và được truyền dạy “Hùng kê quyền”. Sau khi nghĩa quân Tây Sơn tan rã, ông về truyền dạy lại các động tác và bài thiệu cho con cháu mình. Đến thời các cậu của Ngô Bông, bài thiệu vẫn còn nhưng các động tác thì đứt đoạn.

Lão võ sư Ngô Bông sinh năm 1929 tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình ông vốn có truyền thống võ học, thuở ấu thơ, ông vừa phụ giúp việc nhà nông, vừa tập luyện võ với các cậu của mình. Đến năm 18 tuổi thì ông vào vùng núi Phú Yên, tìm theo thầy Cưu Vàng học võ. Sau 3 năm học võ ở đây, ông trở về quê hương. Suốt một thời gian dài sau đó, tuy chiến tranh ác liệt và áo cơm đè nặng nhưng võ sư Ngô Bông vẫn chắp nối các động tác và bài thiệu để phục dựng lại “Hùng kê quyền”. Mãi đến năm 1989, tại giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc được tổ chức tại Bình Định, “Hùng kê quyền” mới bước ra ánh sáng. Khi nhìn võ sư Ngô Bông đi bài quyền này trên chiếu giữa sàn đấu, các võ sư đều thấy quen quen về một thế võ mình có biết chút ít, đã từng tập qua nhưng không có hệ thống và linh hoạt, mạnh mẽ như thế này. 4 năm sau, khi biểu diễn “Hùng kê quyền” kèm lời thiệu đọc theo, giới võ học Việt Nam mới chính thức công nhận lão võ sư Ngô Bông là truyền nhân của bài quyền này.

Lão võ sư Ngô Bông mất năm 2011, thọ 82 tuổi. Sau 64 năm luyện võ, những đóng góp của ông cho võ học nước nhà là vô cùng lớn, khó có thể đo đếm. Đám tang của ông vào tháng 10-2011 có hàng ngàn môn đệ từ khắp nơi trong cả nước về đưa tiễn người thầy tài hoa và nhất mực đạo đức của mình. Đến tận bây giờ, người dân thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi vẫn chưa thể quên được hình ảnh một lão võ sư cứ 4 giờ sáng ngồi thiền ở cánh đồng của thôn cùng một cây thương sáng quắc. Ông ngồi đó, luyện nhãn pháp bằng cách nhìn thẳng vào mặt trời buổi sớm cho đến khi mặt trời chạm đỉnh thương.

Sinh thời, ông có nói về “Hùng kê quyền” như sau: “Các đòn đánh của bài quyền Hùng kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy (nước) để đánh đối phương. Mà... nước mà chảy là mạnh lắm và không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng kê cũng vậy. Nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp”. Hiện nay, “Hùng kê quyền” đã được chọn làm 1 trong 10 bài quyền cơ bản của võ thuật Việt Nam.

Thanh Hiếu

Năng lượng Mới số Xuân 2017

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps