Hướng tới thị trường than minh bạch

09:45 | 02/01/2015

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với nền kinh tế quốc dân, ngành than đang từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Để thị trường than nhanh chóng hình thành và phát triển đúng với quy luật, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các đơn vị khai thác, xuất nhập khẩu trong nước đang nỗ lực thúc đẩy, xử lý nhiều bất cập.

Năng lượng Mới số 387

Đã bắt đầu sôi động

Vấn đề tạo lập thị trường than và hướng ngành than hoạt động theo cơ chế thị trường đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện thị trường than chủ yếu mới chỉ được đề ra trong chiến lược và quy hoạch phát triển ngành than trong từng giai đoạn.

Hiện nay, ngành than chủ yếu vẫn do Nhà nước nắm độc quyền đầu tư từ A đến Z thông qua TKV, một trong ba trụ cột an ninh năng lượng đất nước. Ở quy mô thị trường, sản lượng than tiêu thụ trong nước đã có sự tăng lên đáng kể từ mức 10 triệu tấn năm 2002 lên khoảng 28 triệu tấn năm 2013. Nguyên nhân của sự tăng trưởng nóng này là do nguồn cung than trong nước khá dồi dào và có giá cạnh tranh hơn than nhập khẩu. Trong đó, chủ yếu là than sản xuất trong nước 27,5 triệu tấn (chiếm 98,2%), còn than nhập khẩu chỉ khoảng 0,5 triệu tấn (chiếm 1,8%).

Sàng tuyển than sạch chất lượng cao tại Nhà máy Tuyển than Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh)

Tuy nhiên, mối tương quan này đang ngày càng mất dần bởi nhiều nguyên nhân. Theo một chuyên gia trong ngành, trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn TKV thì Tổng Công ty Đông Bắc một công ty con của TKV được tách ra khỏi TKV và trở thành tổng công ty độc lập do Bộ Quốc phòng quản lý toàn diện. Từ năm 2014 ngoài Tập đoàn TKV sẽ có các đơn vị khai thác, cung cấp than cho thị trường trong nước gồm Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty 319 (đều là của Bộ Quốc phòng), Vietmindo (doanh nghiệp FDI) và một số đơn vị khác đã và sẽ được cấp phép khai thác than cùng hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh. Về kinh doanh nhập khẩu than, ngoài TKV, các tập đoàn như PVN, EVN…  đã và đang thành lập các công ty nhập khẩu than từ nước ngoài. Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng sẽ chủ động xuất khẩu than vào Việt Nam khi nhu cầu than trong nước vượt quá khả năng khai thác trong nước và có giá cạnh tranh hơn.

Có thể thấy rằng, trong năm 2015 thị trường than trong nước sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh cả trong và ngoài nước, đồng thời có sự cạnh tranh giữa than trong nước và than nhập khẩu từ nước ngoài.

Tăng tốc xây dựng thị trường

Thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”, TKV đã xác lập một loạt các nhóm giải pháp để đẩy mạnh việc tạo lập thị trường than cạnh tranh, đảm bảo sản lượng khai thác trong nước, nâng cao chất lượng, kiểm soát lượng than nhập khẩu hướng tới đầu tư khai thác than ở nước ngoài.

Từ năm 2015, Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện, xây dựng đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường theo hướng tạo dựng một thị trường than hoàn chỉnh, thể chế quản lý, vận hành minh bạch, công khai và tính cạnh tranh theo đúng thông lệ thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh sẽ tăng cường năng lực và chất lượng quản lý Nhà nước về thị trường cũng như về công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh than, nhất là về các mặt đảm bảo khai thác hợp lý, giảm tổn thất tài nguyên, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm xã hội.

Quản lý Nhà nước sẽ là nền tảng để đẩy mạnh công tác thăm dò với mức độ tin cậy cao để đảm bảo đủ trữ lượng than đưa vào khai thác. Trong đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để cấp phép thăm dò cho TKV, đơn vị chủ lực triển khai thăm dò các mỏ than theo đúng tiến độ. Đồng thời chỉ cấp phép khai thác than cho các đơn vị khác có đủ năng lực thực sự theo quy định. Mặt khác, các đơn vị khai thác than Việt Nam sẽ phải phát huy lợi thế khai thác lộ thiên trên cơ sở nâng cao hệ số bóc tối đa bằng cách áp dụng các thiết bị công nghệ đồng bộ công suất lớn và hình thức vận tải liên tục.

Đối với khai thác than hầm lò cũng áp dụng đồng bộ các biện pháp như tích cực nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác thích hợp đi đôi với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đến mức cao nhất trên cơ sở hợp tác bằng các hình thức thích hợp với các đối tác nước ngoài có năng lực về công nghệ, chế tạo thiết bị và tài chính theo hướng tăng cường nội địa hóa khâu chế tạo thiết bị, phụ tùng phục vụ cơ giới hóa. Đồng thời cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn lao động và có chính sách thích đáng thu hút công nhân hầm lò. Riêng đối với bể than Đồng bằng sông Hồng cần hợp tác với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác hợp lý và khai thác thử nghiệm để làm cơ sở cho việc triển khai trên quy mô lớn công tác thăm dò và khai thác.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Cảnh Nam - TKV, để ngành than thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập với khu vực và quốc tế có sự điều tiết của nhà nước, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hợp lý để tạo vốn đầu tư phát triển nâng cao sản lượng than và khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên. Bao gồm điều chỉnh giảm mức vốn đối ứng của chủ đầu tư xuống mức hợp lý tùy theo quy mô vốn của từng dự án. Cần có chính sách thích hợp hỗ trợ ngành than vay vốn phù hợp với từng dự án, nhất là các dự án khai thác than ĐBSH và tạo điều kiện tăng cường xã hội hóa đầu tư khai thác than theo nguyên tắc“cái gì xã hội làm được và làm có hiệu quả hơn thì để xã hội làm”.

Để thị trường than Việt Nam vận hành minh bạch, phát triển nhanh chóng, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, vẫn cần các doanh nghiệp sử dụng than hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu chế biến than nhằm tạo ra sản phẩm than sạch và than cho luyện kim để giảm nhập khẩu và sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tùng Dương

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps