Hướng tới thị trường năng lượng cacbon thấp

07:24 | 15/05/2017

1,059 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước mắt và tương lai gần cần một lúc giải quyết nhiều vấn đề một cách đồng bộ, đặc biệt là các yếu tố về môi trường, công nghệ, cơ chế, chính sách phù hợp với quy hoạch là quan điểm chung của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương tổ chức ngày 4-5 mới đây tại Hà Nội.  

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải: Hướng tới thị trường năng lượng minh bạch đầy đủ

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 là: “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; Cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; Khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; Đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh; Đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường”.

Cần phải nhìn bài toán năng lượng từ hai phía, nghĩa là hướng tới thị trường năng lượng minh bạch, đầy đủ. Đi cùng với đó cũng phải tính đến yếu tố giá tiêu thụ năng lượng như thế nào. Đây là bài toán còn gây nhiều trăn trở. “Cần phân định nhiệm vụ công ích với chiến lược phát triển để có chiến lược phù hợp hơn”. Trong chiến lược phát triển năng lượng song song với việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khai thác tiềm năng của đất, nước, gió, mặt trời thì chiến lược phát triển năng lượng truyền thống cũng rất quan trọng.

Quá trình phát triển năng lượng được nhận định còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư. Hệ thống lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng còn lớn. Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp, sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả. Phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

huong toi thi truong nang luong cacbon thap
Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu điện năng

Bên cạnh hệ thống giải pháp đồng bộ, cần quan tâm đến một số vấn đề: Thứ nhất, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phải gắn chặt với những chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; Thứ hai, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; Thứ ba, quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Cụ thể, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu sẽ có tác động mạnh đến chính sách giá năng lượng, xóa bỏ độc quyền…; Thứ tư, phát triển ngành năng lượng phải gắn với thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Phát triển ngành năng lượng gắn với bảo vệ môi trường

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.

Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu năng lượng, điện sang Campuchia, Lào; xuất khẩu than lớn với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm thì từ năm 2016 đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và mua điện từ Trung Quốc với thời điểm cao nhất lên đến 5 tỉ kWh.

Hiện nay, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc có giảm hơn, nhưng cũng đạt trên dưới 1 tỉ kWh/năm. Hiện 98% người dân đã được sử dụng năng lượng. Nhưng với kịch bản mỗi năm tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7%, thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 250 tỉ kWh điện. 10 năm tiếp theo, con số này sẽ là 500 tỉ kWh điện. Để đáp ứng được nhu cầu điện trong năm 2020, chúng ta sẽ cần khoảng 25 nhà máy như Thủy điện Sơn La nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng. Như vậy, Việt Nam buộc phải đầu tư, sản xuất hoặc nhập khẩu năng lượng với số tiền khoảng 10 tỉ USD để đáp ứng nhu cầu này.

Dự kiến, nước ta cũng sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó. Nhiệt điện than mặc dù có quan ngại môi trường, nhưng đây là nguồn điện cần thiết phải có để đáp ứng nhu cầu phát triển. Vấn đề là ta không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế, nên phát triển nhiệt điện than thời gian tới có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, với nhà máy sử dụng công nghệ siêu giới hạn, nâng cao hiệu suất và chủ đầu tư đáp ứng giải pháp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, giải pháp sử dụng tro xỉ của nhà máy.

Có thể 50 năm tới, bức tranh năng lượng sẽ khác, nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng. Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế chính sách theo hai cách tiếp cận, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng cho nhu cầu sử dụng. Cụ thể, đang chuyển đổi từ giai đoạn sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hướng tới một nền kinh tế cacbon thấp, thân thiện với môi trường.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Thay đổi tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng. Xin lấy ví dụ như ngành nông nghiệp được xem là ngành tiêu tốn ít năng lượng nhưng thực tế không phải vậy. Việt Nam đang duy trì, phát triển nền nông nghiệp chạy theo sản lượng. Mỗi tấn gạo chất lượng cao có thể bán với giá bằng 10 tấn gạo chất lượng thấp.

Nhưng để sản xuất ra 10 tấn lúa gạo chất lượng thấp đó, Việt Nam phải tiêu tốn nhiều hơn các loại nguyên liệu đầu vào như diện tích đất trồng, nước, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bơm nước, xay xát, chuyên chở… Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn tài nguyên, tiêu tốn năng lượng ô nhiễm môi trường. Hiện lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%... Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng.

Nhu cầu năng lượng nước ta hiện tại đang phát triển nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, tăng trưởng năng lượng khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây; dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%. Do vậy, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”. Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí… Điểm mấu chốt để giải quyết chiến lược, cần đặt chiến lược phát triển nhiệt điện than trong tổng thể chiến lược cơ cấu ngành để giải quyết. Nếu còn tách rời khả năng giải quyết một cách thuyết phục sẽ khó khăn.

Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương Trần Văn Lượng: Tăng cường quản lý, giám sát môi trường tại các nhà máy nhiệt điện đốt than

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Phát triển các nhà máy nhiệt điện than là nhu cầu thực tiễn, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện ổn định và an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, kèm theo đó luôn là những thách thức về bảo vệ môi trường trước các nguy cơ gây ô nhiễm mà chủ yếu là do khói thải và tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than gây ra. Bởi vậy cần sử dụng các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát môi trường như: xử lý, tái chế tro xỉ làm vật liệu xây dựng; cải tiến, nâng cao hiệu suất các hệ thống lọc bụi tĩnh điện; cải tiến công nghệ đốt và tuyên truyền cho người dân hiểu về các biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy điện.

Đây là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm, ngày 12-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động phải lập đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ trình Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 31-12-2018.

Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam - Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Nhiệt điện than đóng vai trò rất lớn

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Ngày nay, công nghệ xử lý môi trường nhiệt điện than đã đạt đến trình độ rất cao. Trong tương lai, công nghệ xử lý môi trường của nhiệt điện than chắc chắn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều. Than được xử lý ngay từ khi mới nhập vào kho của nhà máy. Bụi than, lưu huỳnh… được xử lý trước khi lên băng chuyền vào lò đốt. Các hệ thống lọc bụi, lọc khí đều đạt ở trình công nghệ rất cao (gần 100%). Loại lò thông số siêu tới hạn, lò tầng sôi kéo dài thời gian đốt, đốt kiệt than, tro xỉ cũng có rất nhiều công nghệ cao, không gây tác hại ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện tại, mọi người có thể đến thăm các nhà máy nhiệt điện than, sẽ thấy những nhà máy rất đảm bảo về môi trường, những nhà máy xanh - sạch - đẹp đang hiện hữu trên đất nước chúng ta. Chúng ta không có cảm giác là nhà máy gây ảnh hưởng đến môi trường. Ai đã đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Duyên Hải, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân… sẽ thấy rõ điều này.

Nhiệt điện than chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng ở Việt Nam và trong tương lai vai trò của nhiệt điện than sẽ lớn hơn. Gần đây, việc dừng dự án điện hạt nhân buộc chúng ta phải có phương án để thay thế nguồn thiếu hụt đó. Nhiệt điện than là nguồn năng lượng quan trọng để thay thế vì nguồn năng lượng tái tạo chưa phát triển. Tuy nhiên, cần có giải pháp giảm tác động môi trường của nhiệt điện than, trong đó phải tăng vốn đầu tư ở mức 50-60%, nhưng làm sao tăng vốn phù hợp, tránh ảnh hưởng tới giá điện.

Chính vì vậy, việc phát triển nhiệt điện than vẫn rất cần trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nhiệt điện than phát triển, chúng ta cần quan tâm đến việc xử lý môi trường tốt hơn nữa. Mặc dù, đầu tư cho môi trường trong xây dựng, vận hành nhiệt điện than là cao, là tốn kém, có thể ảnh hưởng đến giá điện. Nhưng nhiệt điện than chủ động được trong việc đảm bảo nguồn cho hệ thống. Do đó chúng ta nên chấp nhận việc phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần.

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Trong bối cảnh nguồn năng lượng thủy điện đã dần cạn, điện hạt nhân đã dừng, năng lượng tái tạo chiếm rất ít (3,3,%), giá thành lại tương đối cao, việc triển khai dự án nhiệt điện than rất cần thiết cho hiện tại cũng như tương lai. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm như nào để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống xã hội… Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn ở đây là trách nhiệm của nhà quản lý, địa phương, doanh nghiệp trong lựa chọn công nghệ, áp dụng thực tế. Nếu làm được điều này, chúng ta hoàn toàn yên tâm về môi trường. (Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được)

huong toi thi truong nang luong cacbon thap

Quảng Trị hiện cũng đang đầu tư một nhà máy nhiệt điện than. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi một mặt đẩy mạnh phát triển nhưng vẫn phải bảo đảm công nghệ tiên tiến để không ảnh hưởng đến môi trường. Nhà đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị đang chuẩn bị đàm phán với Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về giá điện, BOT, các khoản còn lại để có thể khởi công được vào cuối năm 2018. Trước đây, dự án này chỉ có công suất 1.200MW nhưng khi áp dụng công nghệ trên “siêu tới hạn”, buộc dự án phải thay đổi lại công suất thiết kế từ 1.200MW lên 1.320MW. (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính)

Mạnh Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps