Hướng đi mới về năng lượng của Bắc Kinh

07:08 | 09/03/2017

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Diễn đàn Đông Á” số mới đây có bài viết của tác giả Olivia Boyd, nhà nghiên cứu thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia và là một nhà tư vấn độc lập hoạt động trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Cuối năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (FYP13) để phát triển năng lượng điện. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2001, Trung Quốc ban hành một FYP đặc biệt về ngành điện và thể hiện sự ưu tiên của chính phủ trong việc điều chỉnh những thay đổi sâu rộng đối với ngành năng lượng điện.

Mục đích của Trung Quốc là bảo đảm các cam kết quốc tế giảm carbon trong ngành điện, thay đổi cấu trúc thị trường than và thúc đẩy một chương trình đầy tham vọng thực hiện cải cách sâu rộng đối với thị trường điện lực. FYP trước đó (giai đoạn 2011-2015) đã chứng kiến một sự thay đổi lớn, bắt đầu từ việc thiếu hụt điện và mất điện thường xuyên chuyển sang dư thừa điện năng đáng kể.

FYP 13 đánh giá công suất điện tiếp tục dư thừa, trong khi nhu cầu không mấy gia tăng trong vòng 5 năm tới. Đây là một cơ hội vàng để định hình ngành điện theo kế hoạch tập trung của Chính phủ Trung Quốc mà không lo tăng giá điện. Trước đó, tháng 3-2015, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch để giới thiệu khả năng vận hành và cạnh tranh bán lẻ trong lĩnh vực năng lượng điện. Kể từ khi đó, các hướng dẫn về “mua bán điện trực tiếp” đã được triển khai ở hầu hết các tỉnh thành nước này. FYP 13 còn có thêm tham vọng về những kế hoạch cải cách thị trường, cam kết thực hiện các dịch vụ thí điểm ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Điều này là rất cần thiết để cân đối khả năng cung cấp điện trong ngắn hạn trước khi năng lượng tái tạo hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

huong di moi ve nang luong cua bac kinh
Một nhà máy điện than của Trung Quốc ở khu vực Nội Mông

FYP 13 hứa hẹn là sẽ thiết lập một hệ thống đồng nhất về thuế truyền tải và phân phối một cách minh bạch cho các nhà máy phát điện và đến năm 2020 có thể giúp xây dựng tính thanh khoản và đáp ứng ngắn hạn trong thị trường điện, đồng thời thực hiện lựa chọn bán lẻ. Kế hoạch này có những hàm ý mạnh mẽ về hiệu quả sử dụng năng lượng và hiệu quả của các biện pháp giảm lượng khí thải carbon, chẳng hạn như kinh doanh carbon ở Trung Quốc.

Tham vọng này không áp dụng đối với điện than. Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu đạt 1.100 Gigawatt (GW) trên tổng công suất vận hành điện than vào năm 2020, tăng từ mức 942 GW hồi cuối năm 2016. Mục tiêu này bao gồm tăng trưởng hằng năm 4,1% trên tổng sản lượng điện than mà chính phủ đề ra đến năm 2020. Con số này cao hơn so với dự báo nhu cầu tăng trưởng điện là 3,6% của bản kế hoạch. Tiêu thụ than hằng năm của Trung Quốc đã giảm từ 61% trong khoảng thời gian năm 2001-2011 xuống còn 47,5% trong năm 2016, mức thấp nhất kể từ năm 1964. Ủy ban Quốc gia về năng lượng của Trung Quốc mới đây đã quyết định dừng 85 dự án điện than tại 13 tỉnh. Đó là chưa tính đến 18 nhà máy được quyết định ngừng xây dựng hồi cuối năm ngoái. Việc ngừng xây dựng các nhà máy trên cho thấy, tình trạng mất cân bằng nền kinh tế ở Trung Quốc. Rõ ràng, nước này đã đầu tư quá nhiều vào nhiệt điện đốt than, là nguồn lớn nhất gây khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng.

Với nỗ lực để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang dùng những nguồn năng lượng sạch trong thời gian sớm nhất, Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào năng lượng Mặt trời, gió và các nhà máy điện hạt nhân. Đầu tháng 1-2017, Trung Quốc thông báo nước này sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo hơn 360 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, các mục tiêu năng lượng tái tạo trong kế hoạch này cũng nảy sinh những quan ngại. FYP trước đó đã chứng kiến một sự gia tăng lịch sử công suất năng lượng tái tạo ở Trung Quốc. Sản lượng điện từ gió hằng năm tăng trung bình 34,3% và năng lượng Mặt trời là 168,7%.

Tuy nhiên, mặt trái của sự tăng trưởng phi thường này là điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo không thể hòa vào mạng lưới điện do điện than vẫn được ưu tiên hơn các năng lượng tái tạo. Tham vọng quốc gia bổ sung công suất các năng lượng tái tạo mới trong FYP 13 đã giảm đáng kể, với mục tiêu tăng trưởng trung bình hằng năm đối với năng lượng gió chỉ 9,9%, năng lượng mặt trời: 21,2% và thủy điện: 2,8%. Những mục tiêu này có khả năng sẽ vượt quá giới hạn do giá các module gió và mặt trời giảm mạnh, trong khi vốn đầu tư của chính phủ tăng lên. Tuy nhiên, rõ ràng nhu cầu cấp bách hiện nay là cải thiện khả năng tích hợp của năng lượng gió và năng lượng mặt trời hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Trung Quốc đã có những cam kết quốc tế giảm lượng khí thải tối đa vào năm 2030 và có được ít nhất 20% tổng số nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ các nguồn phi carbon. Tuy nhiên, FYP 13 về phát triển điện lực cũng chỉ ra một tham vọng đầy lo ngại, đặc biệt là trong việc kiểm soát công suất điện than quá tải và thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Linh Phương

  • el-2024