Hợp tác khoa học giữa trường Đại học và ngành Dầu khí

16:20 | 12/08/2016

805 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Những năm gần đây, trong lĩnh vực dầu khí nói chung và lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò & khai thác dầu khí nói riêng, Viện Dầu Khí Việt nam (VPI) và một số đơn vị như Cục Địa Chất Đan Mạch (GEUS), Đại học Tổng hợp Copenhagen (CU), Đại học Mỏ - Địa Chất Hà Nội (HUMG), Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội (HUS) có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả.

Về công tác đào tạo, HUMG và HUS, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo còn triển khai các thỏa thuận hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học một số Bộ/Nghành/Đơn vị, trong đó có Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Viện Dầu Khí nhằm đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo và khai thác Viện nghiên cứu/đơn vị sản xuất làm cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên ở những năm cuối khóa.

Hàng năm VPI tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia đề tài/nhiệm vụ của Viện và cũng sẵn sàng tiếp nhận sinh viên xuất sắc sau khi tốt nghiệp, có tinh thần cầu tiến vào làm việc. PVN và VPI hàng năm tài trợ một số suất học bổng cho sinh viên xuất sắc của một số trường kỹ thuật, trong đó có hai trường trên. Lãnh đạo và giảng viên của hai trường luôn tìm cách tạo điều kiện, liên hệ để sinh viên của mình được thực tập sản xuất và tốt nghiệp tại Viện. Hai trường cũng mời các chuyên gia của Viện thỉnh giảng cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của trường trong các bộ môn/lĩnh vực Tìm kiếm, Thăm dò, Khai thác & Công nghệ Thông tin. Thông qua quá trình giảng dạy của các chuyên gia PVN, VPI, PVEP và quá trình thực tập tại Viện, các sinh viên của trường được cập nhật những kiến thức thực tế của cơ sở nghiên cứu/sản xuất, kết hợp với lý thuyết được giảng dạy tại trường. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, các chuyên gia của VPI có thông tin và có thể định hướng, lựa chọn những sinh viên xuất sắc giới thiệu về làm việc tại Viện.

Về công tác nghiên cứu khoa học, HUMG, HUS, VPI đã ký kết, cùng cử chuyên gia tham gia thực hiện các nghiên cứu chung, các đề tài/nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ, Ngành trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Có thể kể đến một số nghiên cứu như “ Nghiên cứu công nghệ khoan vùng nước sâu thềm lục địa Việt Nam”, “Nghiên cứu đặc tính đá chứa bể Cửu Long”, “Nghiên cứu tiềm năng dầu khí Bể Phú Quốc”, vv. Sự hợp tác này này mang lại lợi ích cho cả 2 phía, giảng viên/nghiên cứu viên của trường Đại học có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tế, chuyên viên của Viện bổ sung được tính học thuật, hàn lâm trong công tác nghiên cứu khoa học, giá trị khoa học và thực tiễn của kết quả nghiên cứu đề tài/nhiệm vụ được gia tăng.

Về hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo kết hợp nghiên cứu, GEUS, CU, VPI, HUMG và HUS đã hợp tác thực hiện chương trình “Nâng cao năng lực nghiên cứu” (ENRECA) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ. Về phía Việt Nam, thành viên tham gia phía Việt Nam (qua các giai đoạn) gồm GS. TS Trần Nghi, Phó Hiệu trưởng HUS; PGS. TS Phan Huy Quýnh, HUS; GS. TS Bùi Học; PGS. TS. Trần Đình Kiên; TS. Lê Hải An, Hiệu trưởng HUMG; ông Vũ Văn Kính; TS. Phan Ngọc Trung, Viện Trưởng VPI và một số giảng viên, cán bộ nghiên cứu của hai trường Đại học và Viện Dầu khí.

Đây là dự án hợp tác nghiên cứu tiêu biểu giữa các cơ quan nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và Đan Mạch, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Dự án được triển khai trong 3 giai đoạn (pha) và đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Pha I - Nghiên cứu bể trầm tích Phú Khánh (2001 - 2004); Pha II - Nghiên cứu bể trầm tích Malay - Thổ Chu (2005 - 2009); Pha III - Nghiên cứu phía Bắc bể Sông Hồng và Miền võng Hà Nội (2010 - 2014). Đã triển khai khoan khảo sát 03 giếng thăm dò (chiều sâu mỗi giếng trên 500m) tại Trũng Sông Ba, đảo Phú Quốc và đảo Bạch Long Vĩ, cung cấp các thông tin rất có giá trị cho công tác nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Riêng về kết quả đào tạo, sau khi kết thức dự án, một số thành viên của dự án đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ: anh Nguyễn Anh Đức, chị Nguyễn Thu Huyền, chị Lê Chi Mai, chị Nguyễn Thị Dậu (VPI), Trần Thị Thanh Nhàn (HUS), chị Lương Thị Thanh Huyền (HUMG) và một số anh chị em bảo vệ thành công luận án thạc sỹ: chị Trần Châu Giang, anh Hoàng Anh Tuấn, anh Nguyễn Trung Hiếu, Đỗ Việt Hiếu (VPI). Các anh chị đều phát huy được năng lực, góp phần vào sự phát triển của Tập đoàn và Viện.

Dự án đã thiết lập được phương thức hợp tác nghiên cứu hiệu quả giữa Viện Dầu khí, các trường đại học của Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực nghiên cứu địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí. Là tiền đề thuận lợi cho các bên tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, từ đó có thể triển khai hiệu quả hơn các nghiên cứu/dịch vụ khoa học công nghệ mang tính tổng hợp, kết hợp kinh nghiệm của cán bộ khoa học kỹ thuật với việc ứng dụng công nghệ cao.

hop tac khoa hoc giua truong dai hoc va nganh dau khi
Ban điều hành dự án ENRECA nhóm họp tại Đan Mạch, năm 2008
hop tac khoa hoc giua truong dai hoc va nganh dau khi
Ban điều hành dự án thăm phòng thí nghiệm Cục Địa chất Đan Mạch
hop tac khoa hoc giua truong dai hoc va nganh dau khi
Chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam khảo sát điểm lộ địa chất

Kết quả dự án mở ra triển vọng và quy mô mới của sự hợp tác, đó là các bên sẽ tăng cường sự hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, giáo dục và đào tạo tiến sĩ, chuyên gia, trao đổi sinh viên, vv. Đây là hướng đi đúng đắn của các bên, đặc biệt là của Viện Dầu Khí, đơn vị khoa học đầu ngành của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam, của Đại học Mỏ Địa Chất Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

hop tac khoa hoc giua truong dai hoc va nganh dau khi
NCS Nguyễn Thị Dậu trình bày quá trình trưởng thành & di cư Hydrocarbon của các bể Sông Hồng, Cửu Long và Nam Côn Sơn

Có thể thấy rõ rằng hợp tác giữa trường đại học và đơn vị nghiên cứu/cơ sở sản xuất trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có vai trò và ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu, hội nhập, là xu thế phổ biến trên thế giới, mang lại những lợi ích thiết thực cho các phía. Thời gian tới, để góp phần đạt mục tiêu về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Chiến lược phát triển ngành Năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050, ngoài việc thực hiện những bước đi đã được hoạch định trong chiến lược, Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và Viện Dầu khí Việt Nam nói riêng cần có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Dương Hùng Sơn – Viện Dầu Khí

DMCA.com Protection Status