Hồng nhan đa truân (Kỳ 57)

13:47 | 21/03/2014

5,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ nhật ấy, nể lời chồng, Diệu Linh cầm túi quà trong đó có một phong bì dày cộp, bên trong có năm tập tiền, mỗi tập mười ngàn đôla được gói trong một gói quà rất đẹp, giống như một phong chocolate lớn.

>> Hồng nhan đa truân (Kỳ 56)

Nguyễn Như Phong

Diệu Linh nói:

- Bây giờ mang tiền đến mà anh ấy không nhận thì ôi lắm.

Chiêu nói:

- Anh không tin là có chuyện không nhận. Còn việc gì không làm được bằng một số tiền thì sẽ làm được bằng rất nhiều tiền. Thời buổi này thì đó chính là chân lý đấy em ạ. Ngày xửa ngày xưa cha ông ta đã nói rồi “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Bây giờ cũng thế chứ có khác gì đâu. Thôi, việc này anh đã quyết rồi. Em cứ làm thế cho anh. Em thấy không, lần nào về ăn cơm, bố cũng nói là em phải có trách nhiệm vun vén và chăm lo cho gia đình, lo cho sự phát triển của anh. Đây chính là một cách lo đấy.

***

Chủ nhật ấy, nể lời chồng, Diệu Linh cầm túi quà trong đó có một phong bì dày cộp, bên trong có năm tập tiền, mỗi tập mười ngàn đôla được gói trong một gói quà rất đẹp, giống như một phong chocolate lớn.

Diệu Linh nói chuyện với ông Quốc:

- Anh ạ, em cũng có nói với anh và cháu Liên rồi, cháu Liên sắp vào học kỳ II, cần tập trung học nên em xin phép anh sẽ không đến dạy đàn cho cháu nữa. Em thấy bây giờ nhạc cảm của cháu đã khá lên rất nhiều. Cháu chơi cũng có nét rồi. Thế nên anh để cho cháu học đàn ít thôi, ra hè khi cháu rỗi rãi, nếu cần thì em sẽ kèm thêm. Về kỹ thuật thì cháu đã ổn định lắm rồi. Còn nếu như cháu nó cần hỏi gì em, thì cô cháu em sẽ trao đổi với nhau.

Ông Quốc cười:

- Trời ạ, có thế thôi mà cô phải rào đón quá. Tôi cũng đang định nói với cô là cháu nghỉ học vì cũng vào giai đoạn thi rồi.

Nói rồi ông gọi con xuống:

- Liên! Xuống đây bố bảo.

Từ trên gác, Liên chạy xuống nhà và khoanh tay lễ phép:

- Cháu chào cô ạ.

Diệu Linh kéo Liên ngồi lại gần:

- Cô vừa nói với bố rồi. Tiếng đàn của cháu bây giờ đã có nét, có duyên. Cô cảm giác rằng cháu đã gửi tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng đàn. Nhưng tới đây cháu cứ tập trung vào học. Đến hè, có thời gian thì cô và cháu sẽ tập thêm.

Liên khép nép:

- Vâng, cháu cảm ơn cô. Đúng là nhờ cô mà bạn bè cháu cũng bảo là cháu đánh đàn hay hơn hẳn.

Diệu Linh nói:

- Cháu đã có sẵn nền tảng rồi. Các thầy cô giáo trước đã dạy cháu rất giỏi. Cô chỉ khơi thêm cho cháu một chút cảm xúc thôi.

Liên cảm ơn Diệu Linh, rồi lại đi lên gác.

Đi được mấy bước, Liên quay lại nói:

- Thế nếu lúc nào cháu cần hỏi thêm thì cô bảo cho cháu nhé.

Diệu Linh nói:

- Tất nhiên rồi. Có gì cháu cứ gọi cho cô. Không phải ngại cả gì cả.

Liên đi lên nhà.

Ông Quốc liếc mắt nhìn gói quà.

Linh cũng nhìn thấy điều đó.

Cô nói:

- Thưa anh, lẽ ra việc này thì nhà em phải đến thưa chuyện với anh. Nhưng em phải nói thật rằng, anh ấy rất sợ anh ạ. Anh ấy bảo là anh có uy lắm, nói chuyện với anh cứ như học trò nói với thầy giáo ấy.

Ông Quốc mỉm cười:

- Cậu ấy nói quá rồi. Có gì đâu.

Diệu Linh nói:

- Thôi thì tới đây sắp đến kỳ Đại hội lựa chọn cán bộ, vợ chồng em cũng mong anh quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ nhà em.

Ông Quốc nói:

- Tất nhiên, điều này tôi có thể hứa được. Tôi sẽ giúp đỡ cậu ấy. Nhưng mà tôi cũng nói rõ là một mình tôi chỉ là một phiếu thôi. Tôi cũng có quan điểm, ý kiến của tôi. Như hôm nọ tôi cũng nói với cô rồi đấy. Cái chính là tự cậu ấy. Tôi ủng hộ như tôi đã từng ủng hộ. Nhưng bảo vệ cậu ấy thì tôi chỉ bảo vệ những cái đúng thôi. Còn những gì cậu ấy làm chưa đúng thì cậu ấy phải chịu.

Diệu Linh nói:

- Dạ vâng, điều này em hiểu ạ. Thôi thì trăm sự nhờ anh. Em xin phép anh, em về ạ.

Ông Quốc nhìn gói quà, rồi nói:

- Ấy chết, cô cho tôi cái gì thế này.

Diệu Linh nói:

- À, vợ chồng em có chai rượu biếu anh.

Ông Quốc:

- Thôi được rồi. Cô cho tôi gửi lời cảm ơn cậu ấy. Tôi xin nhận chai rượu này.

Diệu Linh về nhà và thấy trong lòng nhẹ nhõm.

Chiêu đón vợ từ ngoài cửa:

- Thế nào rồi em? Ông ấy có nhận không?

Diệu Linh nói:

- Em cũng để đấy và nói là biếu anh ấy chai rượu. Anh ấy cũng chỉ nói cảm ơn thôi.

Chiêu cười đắc ý:

- Em thấy chưa? Nếu là người liêm khiết, trong sạch thì ông ấy sẽ mở túi ra, bóc ra từng món. Nếu không muốn nhận tiền thì ông ấy sẽ trả lại ngay.

Diệu Linh gật đầu:

- Vâng, em cũng cứ tưởng khó khăn. Hóa ra cũng đơn giản.

Hai vợ chồng vừa vào nhà được 10 phút thì có tiếng chuông.

Hai người ra mở cửa thì thấy ông Quốc ngoài cửa, tay cầm túi quà, nói với giọng có vẻ không bình tĩnh:

- Cô chú vào nhà, tôi nói chuyện.

Vừa vào đến nhà, ông Quốc đặt gói quà lên bàn, rút ra cái phong bì và nói:

- Cô chú làm thế này là khinh tôi quá. Ngày xưa, khi chú còn ở phường, tôi giúp chú bao nhiêu năm. Tôi chưa nhận của chú một xu, một hào nào. Hằng năm, lễ tết chú có biếu tôi chai rượu, cây hoa, cây quất thì tôi nhận. Còn lần này, chú lại bảo vợ mang mấy chục ngàn đôla đến biếu tôi, chú định dùng tiền để mua quan, mua chức hay sao?

Diệu Linh nhìn ở túi áo ông có một đốm sáng lập lòe. Cô biết là ông dùng máy ghi âm.

Chiêu cuống quýt:

- Chết, anh nói thế oan cho em quá. Chẳng qua là chúng em biết hoàn cảnh nhà anh cũng không dư giả gì, cũng còn khó khăn. Em làm được một chút thì biếu anh. Xin anh nhận cho em vui lòng.

Ông Quốc nói dằn từng tiếng:

- Chú làm thế không được. Tôi đề nghị thế này, việc hôm nay chỉ có tôi với cô và chú biết. Tôi sẽ giữ danh dự cho chú. Nhưng chú phải hứa với tôi là không được làm như thế này với bất cứ ai.

Chiêu im lặng một lát, rồi nói:

- Dạ, vâng ạ.

Nói xong ông Quốc đứng dậy về luôn.

Hai vợ chồng nhìn nhau sững sờ.

Chiêu cười khẩy:

- Từng ấy tiền, chẳng lẽ ông ấy còn chê ít à? Thôi được rồi. “Cá không ăn muối cá ươn”. Không ăn tiền thì sẽ ăn những thứ khác.

Diệu Linh bực mình. Nhưng rồi cô lại cảm thấy nhẹ nhõm, bởi lúc nãy khi không thấy ông trả lại tiền, trong cô đã thoáng có ý nghĩ khinh bỉ ông. Bây giờ cô lại cảm thấy nhẹ nhõm vì ông đã không như cô nghĩ.

Diệu Linh nói với chồng:

- Thôi anh ạ, anh đừng có nghĩ quẩn nữa. Mà anh định làm gì anh ấy?

Chiêu cười nhạt:

- Ông ấy tưởng cái chức Bí thư Quận ủy mà đã là to à. Thôi được rồi. Để xem có người khác bảo ông ấy thì ông ấy có biết nghe không?

***

Một tuần sau.

Trong phiên họp của Thường vụ Quận ủy giới thiệu các cán bộ chủ chốt để đưa ra bầu cử, khi danh sách nêu đến tên của Vũ Nhật Chiêu thì Trưởng Công an quận đồng thời là Thường vụ Quận ủy nói:

- Báo cáo các đồng chí. Về trường hợp của đồng chí Vũ Nhật Chiêu thì tôi có ý kiến thế này. Các đồng chí nên lưu ý là tại sao ở khóa trước, đồng chí Chiêu chỉ trúng Ủy viên Ban Chấp hành mà không trúng Thường vụ Quận ủy, trong khi ai cũng nói rằng đồng chí là người làm được việc. Thật ra có những điều mọi người cũng biết hoặc lờ mờ cảm thấy nhưng không tiện nói ra. Còn hôm nay tôi phải nói thật là hiện nay lãnh đạo công an thành phố đã chỉ đạo cho công an quận phải điều tra về một số việc làm của anh Chiêu. Đã có nhiều doanh nghiệp gửi đơn thư tố cáo anh Chiêu “bóp nặn” họ. Thậm chí cùng một dự án mà anh Chiêu nhận tiền của doanh nghiệp này, rồi lại nhận tiền của doanh nghiệp khác nữa, rồi chuyện gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu họ biếu xén thì mới được nhận dự án tốt, còn không có thì gây khó dễ đủ đường.

Một điều nữa là tôi đề nghị các đồng chí phải kiểm điểm tư cách đạo đức Đảng viên của anh Chiêu. Tôi xin hỏi các anh rằng, mẹ của anh Chiêu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, anh Chiêu đâu phải người không có tiền mà tại sao phải để một doanh nghiệp của tỉnh quyên góp để xây một căn nhà tình nghĩa cho các cụ? Thế là như thế nào? Nếu như gia đình neo đơn, quá khó khăn, không xây được nhà nên phải nhờ tấm lòng hảo tâm của các nhà từ thiện để xây nhà tình nghĩa thì lại khác. Đây anh Chiêu ở quận mình đây, anh ấy có một căn nhà có kém gì biệt thự đâu. Căn nhà ấy hiện nay gần như bỏ không. Khi anh ấy lấy cô hoa hậu thì anh ấy mua ngay một căn nhà khác. Thử hỏi các anh rằng tiền ở đâu ra mà lắm thế? Riêng căn hộ cũ trên khoảnh đất 500m2 của anh ấy phải trị giá 30, 40 tỉ đồng. Bây giờ lại thêm một căn biệt thự mới mua nữa. Nói thật là nếu không “bóp nặn” doanh nghiệp thì lấy đâu ra tiền mà mua như thế?

Ông Quốc nói:

- Vấn đề là phải có chứng cứ. Nếu cứ chẻ ra như thế thì tôi hỏi tất cả các Ủy viên Thường vụ ở đây, có nhiều đồng chí có con đi học nước ngoài thì tiền ở đâu ra mà đi?

Ông chỉ vào Chủ tịch quận và nói:

- Như anh Cương - Chủ tịch quận đây, tôi rất vui khi cháu nhà anh đi học nước ngoài. Nó thi học sinh giỏi toàn thành phố, rồi đỗ thủ khoa đại học, được trường đại học ở Thụy Sĩ gửi thư mời, được cấp học bổng để sang đó học. Gia đình coi đó là niềm tự hào. Nhưng anh Phương - Phó chủ tịch quận có con đi học ở Mỹ. Tiền học, tiền thuê nhà, tiền ăn tiêu phải trả mỗi năm là bao? Anh lấy ở đâu ra tiền? Hôm trước, trong danh sách Ban Chấp hành Quận ủy của chúng ta báo cáo lên có 21 đồng chí thì 17 đồng chí có con đi học nước ngoài. Nhưng chỉ có 2 đồng chí có con đi học có học bổng, còn lại tất cả đều là tiền túi bỏ ra. Về lý thuyết thì các đồng chí lấy đâu ra tiền chu cấp cho các con mỗi tháng hàng ngàn đôla như thế? Đây là điều rất nhức nhối. Các đồng chí ạ, chúng ta cứ nói rằng cán bộ là phải liêm khiết, trong sạch. Người dân thì có phải mù hết đâu. Người ta biết hết đấy. Nhưng mà không có chứng cứ để mà nói. Tôi biết có những đồng chí có điều kiện kinh tế, vợ làm doanh nghiệp, lương tháng rất cao. Như đồng chí Trưởng Công an quận đây, vợ anh ấy làm Phó tổng giám đốc một công ty liên doanh nước ngoài, lương tháng gần 4.500 đôla. Cô ấy khai báo đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ. Với số tiền ấy, cô ấy hoàn toàn có thể chu cấp cho con đi học nước ngoài. Thế còn những người khác thì sao? Vậy nên đối với trường hợp của anh Chiêu, mặc dù nhà cửa của anh ấy như thế, chúng ta cũng đều hiểu anh ấy làm Phó chủ tịch quận phụ trách về xây dựng cơ bản trong những năm qua thì không thể không nói rằng anh ấy có thể được các doanh nghiệp cảm ơn như thế nào. Cái chuyện người ta cảm ơn, biếu xén sau khi anh giúp người ta thì là chuyện khác. Cũng giống như chuyện bác sĩ, giáo viên, luật sư. Người bác sĩ chữa bệnh, cứu người xong được người ta biếu xén, trả ơn thì có sao đâu. Tôi cho rằng lúc ấy người ta biếu tiền thì bao nhiêu cũng nên nhận. Chẳng có việc gì phải từ chối cả. Bởi vì mình cứu mạng người ta cơ mà. Hoặc phụ huynh biếu thầy cô sau khi con người ta đã thành tài thì có làm sao đâu? Người ta dạy dỗ con mình thành tài mà. Hay như luật sư bào chữa giỏi, làm giảm bớt tội thì biếu người ta, không có vấn đề gì. Tôi cho rằng đó là những khoản tiền hợp pháp. Nhưng, lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu, đó là điều phải lên án. Bắt học sinh học thêm để thầy, cô giáo kiếm thêm tiền, có thêm nguồn thu nhập phụ là đáng lên án. Luật sư chưa bào chữa mà đã ngã giá để chạy án là chuyện phải lên án. Còn trường hợp như anh Chiêu, sau khi doanh nghiệp được anh ấy giúp đỡ ăn nên làm ra thì họ biếu anh ấy, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đặt vấn đề quan trọng. Nhưng nếu như anh ấy lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bóp nặn doanh nghiệp, gây khó dễ như theo đơn tư tố cáo mà Trưởng Công an quận vừa nói thì chúng ta phải làm.

Vì Nhật Chiêu không nằm trong Thường vụ Quận ủy cho nên trong buổi họp ấy, mọi người phát biểu rất thoải mái.

Lại một đông chí khác đứng dậy phát biểu:

- Thưa đồng chí Bí thư, thưa đồng chí Chủ tịch quận, tôi đề nghị các đồng chí ghi câu này của tôi vào biên bản. Tôi là Phó chủ tịch quận phụ trách văn xã. Tôi xin phát biểu rằng nếu quận mình hết người rồi, không còn ai làm Chủ tịch được nữa thì mới đề bạt anh Chiêu. Còn nếu còn người thì không thể đề bạt được con người đấy. Tôi nói các đồng chí biết, đây là một con người ăn tiền một cách tàn bạo. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng anh ta ăn dã man lắm. Tôi tin rằng tới đây khi cơ quan công an điều tra thì sẽ phát hiện ra chứng cứ. Nhưng còn chuyện anh ấy đối xử tệ bạc với bố mẹ, với gia đình thì ai cũng biết. Tôi hỏi các anh, các anh nghĩ gì khi anh ta cưới cô hoa hậu vừa rồi mà cả nhà nội không một ai đến? Đồng chí Trưởng Công an quận đây là người cùng huyện với anh Chiêu, chỉ cách một con sông. Đồng chí ấy từng kể cho tôi nghe rằng họ nhà anh Chiêu đã tuyên bố từ bỏ anh Chiêu vì anh ấy đối xử với bố mẹ không ra gì.

Bí thư Quốc hỏi:

- Có đúng không đồng chí Trưởng Công an quận?

Anh Trưởng Công an quận nói:

- Đúng, anh ạ.

Bí thư Quốc:

- Đến thế này thì lạ thật.  

Cuộc họp dừng lại ở đấy. Nhật Chiêu không được đưa vào danh sách giới thiệu vào vị trí Chủ tịch quận khóa tới.

***

Tối hôm ấy, trong bữa cơm Chiêu rót một chén rượu ra và uống một hơi.

Diệu Linh giật mình hỏi:

- Sao hôm nay anh uống ghê thế?

Chiêu hậm hực:

- Anh biết ngay mà. Mình mà không lo lót chúng nó không tốt là y như rằng họp hành là nó lôi mình ra, nó nói mình không ra gì. Hôm nay, anh còn nghe nói thằng Trưởng Công an quận còn bảo rằng họ nhà anh từ anh. Được. Để mai anh lên gặp nó để hỏi xem ai nói với nó, thông tin ở đâu mà nó dám bảo họ hàng nhà anh, bố mẹ anh từ anh. Mà đấy, ông Quốc cứ nói thơn thớt thế thôi. Chính ông ấy bây giờ lại bảo phải điều tra đến nơi đến chốn và phải xem lại tư cách Đảng viên của anh.

Nói đến thế, Nhật Chiêu lại rót rượu uống.

Diệu Linh giằng chén rượu lại:

- Thôi thôi. Em xin anh. Kệ đi. Chẳng lên Chủ tịch quận thì thôi. Anh cứ làm Phó chủ tịch quận thế này cũng tốt chứ sao. Làm Chủ tịch quận - cả thuyền lớn sóng, làm chức to thì lo lắm. Có cái gì đâu.

Chiêu nhìn vợ bằng ánh mắt nảy lửa:

-Thôi, em im đi. Em biết gì mà nói. Em có biết anh tốn bao nhiêu tiền để chuẩn bị cho vụ này không? Đủ các cấp rồi đấy. Thế là mất toi cả mấy trăm ngàn đôla của mình. Bao nhiêu ông, ông nào cũng xoen xoét là anh ủng hộ chú, anh sẽ có ý kiến, chú không làm được thì ai làm. Bây giờ lại như thế này đây.

***

Diệu Linh dậy sớm, nấu ăn cho con, cho mình và cho ông Cường. Bữa cơm hôm nay cô chỉ chuẩn bị cho ông Cường ít cơm và một chút cà chua nhồi thịt, một chút mắm tép chưng thịt.  Đây là món ăn mà ông Cường rất thích. Nhìn ra ngoài trời, thấy trời sầm xì và có vẻ sắp có gió mùa Đông Bắc, cô nghĩ: “Thế này thì đến trưa cơm nguội lạnh mất”. Nghĩ vậy, cô liền tháo lò vi sóng ra.

Sau khi cho con ăn xong, Diệu Linh và bé Hương đi taxi đến nhà trẻ.

Bé Hương hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ mang máy này đi đâu thế ạ?

Diệu Linh nói:

- Mẹ mang đến đoàn làm phim để buổi trưa hâm nóng lại cơm cho ông Cường.

Bé Hương nói:

- Đúng rồi, ông Cường già rồi phải ăn cơm nóng mẹ nhỉ? Nhưng mẹ ơi, nhìn ông Cường con thấy sợ lắm. Nhưng mà nói chuyện với ông ấy thì cũng thích.

Diệu Linh ngạc nhiên hỏi:

- Thế con nói chuyện với ông thì điều gì làm con thích?

Bé Hương nói:

- Ông cứ rủ rỉ rù rì, mà ông kể chuyện cổ tích hay lắm. Hay hôm nào mẹ cho con đến đoàn làm phim nhé, để con xem ông Cường làm phim.

Diệu Linh nói:

- Tất nhiên, hôm nào mẹ sẽ cho con đi. Nhưng bây giờ thì con phải tập kỹ để chuẩn bị đi thi quận đấy.

Hương nói:

- Vâng, mẹ yên tâm. Mấy hôm vừa rồi mẹ đi với đoàn làm phim, ở nhà cô Nhân và các cô khác dạy con nhiều lắm.

Diệu Linh và Hương đến nhà trẻ thì thấy Nhân và mấy người đang đứng ở ngoài cửa.

Thấy Diệu Linh khệ nệ bê lò vi sóng xuống, Nhân chạy ra đỡ, rồi hỏi:

- Chị mang cái này đi đâu thế này?

Diệu Linh nói:

- Chị mang đến đoàn làm phim, trời rét nên phải mang đến để hâm nóng thức ăn cho chú Cường ấy mà.

Nhân cười:

- Ái chà, dạo này lại quan tâm chăm lo sức khỏe cho đạo diễn quá.

Diệu Linh bật cười:

- Nghĩ cũng tội cho ông ấy. Đoàn làm phim toàn ăn cơm hộp. Họ tiết kiệm thời gian, tranh thủ từng giờ, từng phút.

Nhân nói:

- Chết! Không khéo thì sau phim này, ông đạo diễn lại phải lòng cô hoa hậu của em thì gay đây.

Diệu Linh đùa:

- Thế sao em không nói là chị phải lòng ông ấy?

Nhân sững người nhìn Diệu Linh:

- Chị cứ nói đùa. Mà nếu chị phải lòng ông ấy thì cũng hay chứ sao? Em thấy chẳng có cái gì phải lo về chuyện này cả. Duyên số tự nhiên nó đến. Các cụ có câu gì ấy nhỉ? À, “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Vừa rồi, nghe nói có một anh lãnh đạo lấy vợ kém mình hơn 30 tuổi. Có sao đâu. Vợ chồng vẫn hạnh phúc. Ba năm đẻ hai đứa liền. Sau khi lấy vợ, ông chồng lại trẻ ra cả chục tuổi ấy. Bây giờ mà chị Diệu Linh có bầu thì hay đấy nhỉ?

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps