Hồng nhan đa truân (Kỳ 54)

07:00 | 10/03/2014

4,351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Diệu Linh về nhà và nghĩ đến bữa cơm lúc tối mà trong lòng cũng bâng khuâng. Cô cũng không lý giải được tình cảm của mình, nhưng trong lòng cũng nhận thấy có nhiều tình cảm đan xen, lẫn lộn nhau về ông Cường.

>> Hồng nhan đa truân (Kỳ 53)

Nguyễn Như Phong

Ông Cường vừa đưa ly rượu lên nhấp môi thì Diệu Linh vội vàng kéo tay ông xuống và nói:

- Ly này chú để cháu uống hộ. Cháu biết sức khỏe chú không cho phép uống nhiều rượu.

Diệu Linh cầm ly của ông rót sang ly của mình, chỉ để lại một chút gọi là. Cô ngửa cổ uống hết ly rượu. Mọi người nhìn cảnh ấy thì vỗ tay. Bình cũng cảm thấy sung sướng.

Cu Tý đang ngồi bên cạnh bé Hương, bỗng nói:

- Chị Hương ơi, chị về đây ở với Tý nhé!

Mọi người phá lên cười.

Thiệu nhìn con trai, lắc đầu:

- Trời ạ, cái thằng này. Sao mà nó đặt vấn đề sớm thế?

Sau bữa cơm, mọi người đang ngồi chơi nói chuyện thì ông Cường nói:

- Giá mà có cái đàn bầu ở đây, Linh đánh cho mọi người nghe thì hay quá nhỉ?

Diệu Linh lắc đầu:

- Lâu lắm cháu không chơi, bây giờ cũng quên hết rồi. Tiếng đàn khô cứng lắm.

Nhìn đồng hồ đã thấy hơn 9 giờ tối, mọi người xin phép ra về.

Còn lại mấy bố con, Thiệu hỏi Bình:

- Sao? Người ta điện về nói tình hình bà ở bên Đức thế nào?

Bình nói:

- Cô Hồng cùng làm ăn với mẹ ở bên kia điện về kể mẹ ở bên đấy suy sụp lắm. Cơ nghiệp mất sạch, ông chồng kia cũng bỏ đi rồi. Nghe nói ông ấy đã lấy vợ khác. Bây giờ mẹ sống bằng tiền trợ cấp của Chính phủ Đức hằng tháng. Nhưng mà cũng còn nhiều thứ phức tạp lắm. Cô ấy bảo nhà mình tính thế nào, nên đón mẹ về.

Thiệu nói:

- Vấn đề về hay không là ở mẹ, mình nói thế nào được.

Bình thẫn thờ:

- Hôm nọ em cũng nói với bố rồi. Em định sang bên ấy xem công việc, cuộc sống của mẹ thế nào. Nhưng đến nước này thì em nghĩ phải bảo bố nói thì mẹ mới về.

Thiệu bĩu môi:

- Em hay nhỉ. Lúc khó khăn nhất thì mẹ bỏ đi, mặc mấy bố con sống vất vưởng như vậy. Lúc bà ấy ở bên kia giàu có như thế, bà ấy có đoái hoài gì đến mấy bố con ở bên này đâu. Bây giờ lại bảo bố vận động mẹ về đây, không hợp về tình mà cũng chẳng hợp về lý.

Vừa lúc ấy, ông Cường ở trong nhà đi ra.

Ông hỏi:

- Lúc nãy đang ăn cơm cái Bình ra nghe điện thoại, chắc là có tin gì của mẹ mày đúng không?

Bình trả lời:

- Vâng ạ.

Ông Cường lạnh lùng:

- Sao? Thế lại có chuyện gì mới à?

Bình nói:

- Cũng chẳng có gì mới ạ. Chỉ là cô Hồng, bố nhớ cô Hồng chứ?

Ông Cường gật đầu:

- Cô Hồng thì bố nhớ.

Bình nói tiếp:

- Cô ấy gọi về cho con, nói tình cảnh của mẹ ở bên ấy bây giờ bi đát lắm. Không có nhà cửa, cứ phải đi ở nhờ, lang thang nhà mấy người bạn, mỗi người mấy ngày, rồi Chính phủ Đức cho đồng nào thì hay đồng ấy. Bây giờ, mẹ đang đi rửa bát thuê cho một nhà hàng của người Việt ở bên đấy. Họ trả cho mỗi tháng mấy trăm euro.

Ông Cường thở dài:

- Đúng là cuộc đời chẳng biết thế nào. Mấy năm trước, nghe những người ở Đức về nói mẹ mày giàu có lắm, dùng hàng hiệu, ăn uống nhà hàng sang trọng, đi máy bay cũng phải hạng C, ôtô thì 3, 4 chiếc... Vậy mà chẳng hiểu làm ăn thế nào mà bây giờ mất sạch cả cơ nghiệp, tiền cũng không có mà tiêu. Kể cũng lạ.

Bình nói:

- Cũng như các đại gia ở Việt Nam ấy. Nhiều đại gia cứ khoe có cả nghìn tỉ, chục nghìn tỉ. Đấy, con thấy như thằng Đặng ấy. Cách đây ba năm, có tờ báo đăng là đồ trang sức ở trên người vợ anh ta - cũng là một á hậu, có trị giá cả triệu đôla. Thế mà bây giờ trốn chui trốn lủi ở nước ngoài, không dám về nước vì nợ nần. Nhà máy, xí nghiệp hơn một nghìn công nhân mà tan nát hết. Bây giờ ước mơ của anh ta là về quê nuôi lợn như ngày xưa. Làm ăn kinh tế chỉ cần sơ sẩy một cái là sạt nghiệp ngay.

Ông Cường nói lạnh lùng:

- Bà ấy gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Hôm nọ bố cũng đã nói với chúng mày rồi. Chuyện của bố với mẹ như thế nào thì đó là chuyện người lớn. Các con là phận làm con, vẫn phải có trách nhiệm lo cho mẹ. Thôi, bố đi nghỉ đây.

Bình kéo bố lại:

- Bố ngồi đây, chúng con nói chuyện này đã.

Ông Cường nói:

- Sao, có chuyện gì?

Bình:

- Bây giờ chúng con lấy vợ cho bố nhé!

Ông Cường phát cáu.

Ông trừng mắt với con gái:

- Mày hay nhỉ? Sao lại bàn chuyện lấy vợ cho tao?

Bình:

- Việc này con với cô Thanh và chú Tùng cũng đã bàn rồi. Và hôm nay thì con càng khẳng định điều ấy. Chuyện đi tìm vợ cho bố, bố cứ để chúng con lo.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Chúng mày tìm ai, chọn ai cho bố?

Bình kéo bố ngồi xuống, rồi ôm lấy ông và thủ thỉ:

- Bố ơi, con tìm được rồi. Con và nhà con, cô Thanh, chú Tùng cũng bàn mãi rồi. Bây giờ bố chỉ cần trả lời chúng con một câu thôi, thật ngắn gọn, có hay không?

Ông Cường nói:

- Thì mày cứ nói đi xem nào? Là ai mới được chứ?

Bình nói:

- Bố có để ý thấy chị Diệu Linh có tình cảm với bố không? Mà con nói luôn nhé, bố cũng phải lòng chị ấy rồi, đúng không nào?

Ông Cường lúng túng, nét mặt dại đi, ông đỏ mặt.

Ông nói:

- Sao chúng mày suy diễn như thế? Một đứa như Diệu Linh làm sao để ý đến bố. Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, được mỗi cái danh đạo diễn là to. Đừng nghĩ vớ nghĩ vẩn. Đúng là bố cũng thấy nó có tình cảm với bố, nhưng chỉ là thương bố một mình thôi. Thấy bố có tuổi nên nó chăm lo cho miếng cơm, hớp nước. Thế thôi. Làm sao mà có thể bảo là cái Diệu Linh có thể sống với bố được.

Bình nói:

- Đấy là việc của chúng con với chị Diệu Linh. Con đang hỏi bố là nếu như chị Diệu Linh đồng ý lấy bố, ý của bố thế nào?

Ông Cường lúng túng, rồi nói vẻ ngượng ngùng:

- Làm gì có chuyện ấy. Chúng mày cứ tưởng tượng ra. Thôi, đừng nói vớ vẩn…

Bình vẫn không buông tha:

- Ơ hay, thế nếu chị ấy đồng ý thì bố có lấy không?

Ông Cường vẫn chống chế:

- Tao không tin có chuyện ấy.

Bình nói:

- Con chỉ hỏi bố, bố có đồng ý lấy chị ấy không, thế thôi? Mà cái chuyện bố có tình cảm với cô hoa hậu ấy thì cả đoàn phim ai chẳng biết. Còn cô ấy có tình cảm với bố thế nào thì cả đoàn phim cũng biết. Thôi, con cũng không bắt bố trả lời rành mạch nữa, việc đó bố cứ để cho chúng con lo.

Ông Cường quay đi, cố giấu sự ngượng ngùng:

- Thôi mặc xác chúng mày. Thời buổi bây giờ lại có lối con cái cứ bắt ép bố mẹ phải theo ý mình. Ngày xưa thì bảo con cái phải có hiếu với bố mẹ, bây giờ bố mẹ lại phải có hiếu, phải biết vâng lời con cái.

Ông Cường bỏ lên gác.

Bình và Thiệu nhìn nhau cười sung sướng.

Nhưng bỗng nụ cười trên môi Bình vụt tắt:

- Này, nếu bây giờ buộc phải đón mẹ về đây ở thì như thế nào?

Thiệu nói:

- Không có chuyện ấy đâu. Bây giờ mẹ có về thì cũng không thể ở nhà này được. Mẹ làm sao ở chung nhà với bố được. Mẹ có về đây thì tìm mua cho mẹ một căn hộ chung cư nhỏ cỡ 24m2 để mẹ ở, chứ mẹ làm sao ở đây được. Mình còn chẳng nghe được nữa là bố.

Bình nghe ra:

- Như vậy về phần bố là xong nhé.

Bình chỉ tay lên ngọn đèn trên trần nhà:

- Đấy, cứ tưởng trái tim ông già khô héo. Gớm, bây giờ có ánh mắt của cô hoa hậu rỏ mấy giọt nước vào là cứ như… thuốc nhỏ mắt Rohto ấy. Sáng hết cả lên.

***

Diệu Linh về nhà và nghĩ đến bữa cơm lúc tối mà trong lòng cũng bâng khuâng. Cô cũng không lý giải được tình cảm của mình, nhưng trong lòng cũng nhận thấy có nhiều tình cảm đan xen, lẫn lộn nhau về ông Cường. Ngoài sự nể phục, trân trọng nhân cách và tài năng của ông thì Diệu Linh cũng nhận thấy có điều cô không thể điều khiển được. Đó là cô cũng thấy nhớ ông những lúc không đến trường quay. Diệu Linh nằm trằn trọc và nghĩ về ông Cường. Cô tự nói với mình: “Đúng là anh ấy cũng có tình cảm với mình. Nhưng thôi, hãy quên chuyện ấy đi. Đã có ba người đàn ông bạc phận vì mày rồi, Diệu Linh ạ”.

Còn ông Cường, cả đêm hôm ấy ông cũng trằn trọc không ngủ được. Hễ cứ nhắm mắt lại ông lại thấy hiện lên hình ảnh của Diệu Linh đan xen với hình ảnh người vợ cũ. Từ trong sâu thẳm suy nghĩ, đúng là ông có giận vợ, nhưng ông không hận thù và ông cũng cảm thấy thương bà. Ngày ấy cuộc sống khốn khó, ai chẳng phải tìm đường để cứu mình. Biết bao nhiêu nhà khoa học, nhà báo, nhà văn… phải tìm đường ra nước ngoài để kiếm miếng cơm, manh áo. Bà ấy cũng vậy thôi. Rồi ông lại nhớ hình ảnh khi bà tiễn ông ra chiến trường, rồi những ngày gian khổ khi hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch trên đường phố Hà Nội. Bỗng ông bàng hoàng nhận ra rằng ông có tình cảm, ông mê say Diệu Linh nhưng vẫn không quên được người vợ đã bỏ ông đi, mưu sinh nơi đất khách quê người. Nghĩ đến bà, lòng ông vẫn cảm thấy xót xa. Rồi ông lại tự cảm thấy mình có lỗi: “Giá như ngày ấy mình kiếm được tiền, không để cô ấy đi thì đâu đến nỗi như thế này”.

***

Ngày hôm sau, đoàn làm phim tiếp tục quay.

Bà Thanh và Hữu Tùng nhận thấy có một sự ưu tư nào đó xuất hiện trên khuôn mặt ông Cường.

Bà Thanh rỉ tai Hữu Tùng:

- Này, chú có thấy gương mặt ông anh hôm nay lạ không?

Hữu Tùng:

- Có. Hình như có điều gì suy nghĩ chị ạ.

Bà Thanh:

- Được, để chị hỏi con Bình xem.

Bà Thanh rút điện thoại ra gọi cho Bình:

- Bình đấy à, cô Thanh đây.

Tiếng Bình vui vẻ:

- Có chuyện gì mà cô gọi cho cháu sớm thế.

Bà Thanh:

- Giờ này còn sớm à? Hơn 8 giờ rồi. Chuẩn bị quay cảnh thứ 2 rồi.

Bình cười:

- Vâng. Cháu hôm nay không có giờ dạy nên ngủ muộn.

Bà Thanh hỏi:

- Này, cô hỏi cái này nhé. Sáng nay cô thấy bố mày thế nào ấy. Có điều gì đó mà cô thấy gương mặt bố mày không được thanh thoát như hôm qua. Thế lúc bọn cô về rồi có chuyện gì không?

Bình nói:

- Không ạ. Vui lắm. Mà cháu nói cô biết nhé, hôm qua chúng cháu nói thẳng với bố cháu rồi đấy. Chúng cháu cũng nói là mọi người biết tình cảm của bố với chị Diệu Linh và chị Diệu Linh cũng có tình cảm với bố. Chúng cháu sẽ hỏi chị Diệu Linh, nếu chị ấy đồng ý thì chúng cháu cùng với cô và chú Tùng sẽ tổ chức cưới cho bố luôn.

Bà Thanh sáng mắt lên, hỏi:

- Thế bố mày bảo sao?

Bình nói:

- Bố cháu chỉ cười ngường ngượng.

Bà Thanh khoái chí:

- Ngượng là phải chứ còn gì nữa. Đến ngần này tuổi rồi, bây giờ con cái lại phải đi hỏi vợ cho bố. Mà lại bắt đúng thóp ông ấy đang phải lòng cô hoa hậu. Nhưng mà như thế là ông ý đồng ý rồi chứ gì?

Bình nói:

- Thì không nói gì, mà cười, rồi bỏ đi tức là đồng ý rồi.

Bà Thanh thích thú:

- Nhưng mà tại sao hôm nay ông ấy lại có điều gì đó ưu tư.

Im lặng một lúc, Bình bảo:

- Hay là vì hôm qua chúng cháu nói chuyện mẹ cháu ở bên Đức nhỉ?

Bà Thanh hỏi:

- Mẹ bên Đức làm sao?

Bình:

- Mẹ cháu ở bên đấy bây giờ mất sạch cơ nghiệp, không còn gì. Bây giờ mẹ cháu sống nhờ mấy người bạn ở bên đấy. Cứ ở nhà này ít ngày rồi lại đi nhà khác. Mà khổ lắm, hôm qua lúc ăn cơm có người gọi cho cháu, bảo tìm cách đưa mẹ về. Chứ cứ ở bên ấy như thế này thì không sống nổi đâu. Sống ở trời Tây mà không có đồng xu nào, sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp thì làm sao sống được. Nhưng mà nghe nói mẹ cháu còn có vấn đề gì ấy về giấy tờ, nên cũng chẳng được hưởng như người ta. Mà cô thấy đấy, mẹ cháu năm nay cũng 54, 55 tuổi rồi. Sống không nhà, không cửa như thế thì chịu sao nổi.

Bà Thanh hỏi:

- Thế mày nói chuyện thì ý bố thế nào?

Bình nói:

- Bố cháu cũng buồn lắm. Bố cháu bảo chuyện bố mẹ bỏ nhau là chuyện người lớn. Còn chúng cháu là phận làm con, phải có trách nhiệm với mẹ. Cháu đã bàn với nhà cháu là có lẽ phải đón mẹ cháu về. Tất nhiên là mẹ cháu về cũng chẳng ở được với bố cháu. Nên vợ chồng chúng cháu sẽ mua cho mẹ cháu một căn hộ chung cư tầm hai, ba chục mét vuông để ở.

Bà Thanh nói:

- Chúng mày nghĩ thế là phải. Bố làm xong phim này, cả tiền kịch bản và đạo diễn cũng được một món kha khá đấy. Mà đấy là chưa kể nếu phim hay, kiếm được quảng cáo nhiều thì sẽ được thêm. Chắc cũng đủ tiền mua một căn hộ nho nhỏ. Hay là vì chuyện của mẹ mày mà hôm nay ông ấy bị phân tâm nhỉ?

Vốn là người tinh ý, bà Thanh thoáng nghĩ rồi đoán ngay:

- Thôi chết rồi. Bây giờ cô mới hiểu. Bố mày từ sáng đến giờ cứ thẫn thờ. Chắc đang bị giằng xé giữa hai tình cảm. Một là cái nghĩa với mẹ cháu ngày xưa. Vợ chồng sống với nhau một ngày cũng nên nghĩa, huống hồ là có với nhau hai mặt con như thế. Cuộc đời xô đẩy, mỗi người dạt đi một nơi là việc khác. Còn trong sâu thẳm, cô cam đoan với mày là bố cháu vẫn còn có tình cảm với mẹ. Có thể không còn yêu đương gì nữa, nhưng là cái nghĩa, cái tình với nhau. Một bên là tình cảm với Diệu Linh.

Bình thở dài:

- Trời ạ. Nếu thế thì phức tạp quá nhỉ? Thôi cô chú ở đấy, xem có giúp được bố cháu thế nào thì giúp.

Bà Thanh nói:

- Chuyện đấy thì mày yên tâm. Cô mà không lo được cho ông anh thì còn ra cái gì nữa.

Đoàn làm phim lại tiếp tục quay.

***

Quả thật, Diệu Linh không hiểu rằng thân phận người phụ nữ xưa như thế nào mà lại có câu “Hồng nhan đa truân”. Giờ ngẫm lại cuộc đời mình, cô thấy sao lại đúng như vậy.

Nhật Chiêu có máu ghen khủng khiếp và tìm mọi cách để kiềm chế Diệu Linh. Anh ta làm mọi cách để cắt đứt sợi dây liên lạc của Diệu Linh với bạn bè bên ngoài. Có một điều Diệu Linh thấy rất lạ là từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ Nhật Chiêu đưa Diệu Linh về giới thiệu với bố mẹ, họ hàng nhà anh ta. Cũng có lần Diệu Linh hỏi thì Nhật Chiêu bao giờ cũng có lý do, khi thì quá bận, khi thì để tuần sau, tháng sau. Đến lúc hẹn được thì lại bận công, bận việc. Tuyệt nhiên, Diệu Linh không thấy có người họ hàng nào của Nhật Chiêu đến chơi với vợ chồng cô. Biết điều này là không bình thường nhưng Diệu Linh không biết làm thế nào để tìm hiểu ngọn nguồn.

Một hôm, Diệu Linh nói với Nhật Chiêu:

- Chủ nhật này anh cho em đi lễ chùa Mía ở Sơn Tây nhé!

Nhật Chiêu đồng ý ngay:

- Ừ, em cứ đi đi. Chủ nhật này anh bận công việc, phải bàn tiếp về mấy dự án nên không đi được. Nhưng mà lễ bái ở chùa Mía là phải cẩn thận đấy nhé!

Diệu Linh tươi cười:

- Anh cứ yên tâm. Từ ngày ở với anh, xem ra em cũng thạo hơn nhiều về khâu lễ bái.

Nhật Chiêu nhìn Diệu Linh:

- “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Ông thầy đã nói rồi đấy, em phải chăm chỉ lễ bái vào.

Rồi bỗng Nhật Chiêu bảo Diệu Linh:

- À này, còn việc này nữa. Em phải giúp anh.

Diệu Linh hỏi:

- Giúp anh việc gì?

Nhật Chiêu lúng túng:

- Việc là như thế này. Anh biết ông Quốc và con gái ông ấy cũng có tình cảm với em.

Diệu Linh bực mình:

- Anh nói ông Quốc có tình cảm với em là thế nào?

Chiêu gạt đi:

- Không, em hiểu sai ý anh rồi. Ý anh là con gái ông Quốc muốn em dạy đàn. Người ta bảo “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Thôi thì em vì anh, chịu khó đến dạy đàn cho con bé, có cơ hội gần ông Quốc. Có lúc này, lúc khác có cơ hội thì em có giải thích giúp anh, để cho ông Quốc hiểu anh. Thực ra mà nói, quan hệ của anh với ông Quốc vốn từ xưa là không tốt. Ông Quốc thì em biết đấy, ông ấy là người sống chặt chẽ, sống liêm khiết lắm. Mà anh thì làm Phó chủ tịch phụ trách xây dựng cơ bản thế này, cũng nhiều chuyện phức tạp. Người ta đồn đại cũng nhiều. Xã hội bây giờ thì nhiều người chết vì tin đồn ấy chứ. Ông Quốc nghi ngờ anh là đi đêm với doanh nghiệp, ăn uống này khác. Em chịu khó đến dạy đàn cho con bé, thỉnh thoảng nếu như có điều kiện thì giải thích giúp anh. Tới đây chuẩn bị bỏ phiếu chức Chủ tịch quận, tiếng nói của ông ấy quan trọng lắm đấy. Ông ấy là Bí thư quận ủy, lại nắm toàn bộ công tác cán bộ. Bây giờ Bí thư chỉ cần nói ngãng ra một câu thôi là người ta gạt mình ra ngay.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P