Homestay: Nơi giao lưu và giữ gìn bản sắc dân tộc

21:05 | 05/05/2017

1,485 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình thức du lịch văn hóa cộng đồng hay còn gọi là Homestay đang ngày càng phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, vừa quảng bá và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Homestay - Nơi tiếp cận văn hóa dân tộc

Kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 vừa qua, tôi có dịp về thăm mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Trong chuyến đi ấy, tôi tình cờ gặp và quen với chị Bùi Tý (ở thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, TP Hà Giang, chủ Homestay Bùi Tý) khi chị đang đón khách du lịch đến với gia đình mình tại Bến xe Hà Giang.

Chị Tý hào hứng kể cho tôi nghe về dự án Homestay của chị: “Những năm 2010-2011, rất nhiều du khách ghé qua khu nhà sàn của mình, họ thích thú chụp ảnh và xin nghỉ lại. Từ đó, mình quyết định mở cửa đón tiếp khách du lịch khắp nơi. Đến nay, gia đình đã đầu tư thêm 1 khu nhà sàn rộng 120m2 toàn bộ bằng gỗ cho khách đến nghỉ dưỡng”.

homestay noi giao luu va giu gin ban sac dan toc
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang phát triển hình thức du lịch Homestay.

Theo chị Tý, khách đến Homestay chủ yếu là người nước ngoài yêu thích du lịch trải nghiệm. Với du lịch trải nghiệm, điểm nổi bật là được hòa mình vào đời sống văn hóa, phong tục tập quán, con người nơi đó, được đi dạo xung quanh những bản làng và ngắm nhìn cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương. Thú vị hơn, du khách được trò chuyện và thưởng thức ẩm thực, học cách làm hay tự tay vào bếp chế biến các món ăn đặc sản vùng miền. Không chỉ thu hút khách du lịch nước ngoài, hình thức du lịch này ngày càng thu hút cả những bạn trẻ trong nước ưa thích khám phá.

Đến với nơi đây, du khách thường đắm chìm vào không gian văn hóa dân tộc độc đáo. Tại các khu du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Giang, hằng đêm có các đội văn nghệ tổ chức các buổi văn nghệ bản làng, biểu diễn các làn điệu dân ca dân tộc cổ truyền của dân tộc Tày như: hát then, hát cọi, hát yếu... Đặc biệt, tối thứ 7 hằng tuần, các khu Homestay đều luân phiên tổ chức đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ hội Lẩu then Boóc Mạ với những làn điệu then khiến bao người say mê.

Từ khi mở Homestay, gia đình chị Tý đã tiếp đón hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước. “Không chỉ khách du lịch cảm thấy thú vị mà chúng tôi cũng cảm thấy cuộc sống thêm màu sắc, người ta tìm hiểu cuộc sống của bản làng mình, mình lại tìm hiểu phong cách sống của nước họ. Qua đó học hỏi, giao lưu và hiểu biết thêm nhiều nền văn hóa trên thế giới qua lời kể của du khách” - chị Tý chia sẻ.

Theo chị Tý, trước khi biết đến Homestay, người dân bản Tiến Thắng chỉ làm ruộng, trồng rau và chăn nuôi theo hình thức tự sản, tự tiêu. Để có thêm thu nhập, nhiều gia đình người dân tộc Tày phải lên rừng hái những loại rau rừng hoặc đào củ măng đem ra chợ bán, nhưng chỉ kiếm được vài đồng ít ỏi. Từ khi chính quyền thành phố Hà Giang khuyến khích phát triển Homestay, mọi thành viên trong gia đình chị đều có việc làm ổn định: người phiên dịch, người ra bến xe đón khách, người đảm nhiệm việc nấu ăn, người hướng dẫn khách du lịch, người tham gia đội văn nghệ thôn, xã... Tất cả như một quy trình khép kín, việc ai người đó làm. Thu nhập từ đó cũng tăng lên, dao động từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Động lực phát triển Homestay

Khách đến với dịch vụ Homestay rất đa dạng, đủ mọi tầng lớp, đến từ nhiều quốc gia, nên vấn đề an ninh trật tự, an toàn luôn được chính quyền sở tại chú trọng. Trong đó, khách lưu trú qua đêm phải trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu để chủ Homestay có thể khai báo với chính quyền xã theo đúng mẫu đơn được công an triển khai đến từng hộ kinh doanh.

Ông Hoàng Thế Ngọc - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hà Giang cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 42 hộ gia đình đủ điều kiện để kinh doanh du lịch văn hóa cộng đồng, cơ sở lưu trú Homestay. Tuy nhiên, mức đầu tư của mỗi hộ là khác nhau. Để đẩy mạnh dịch vụ này, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thông tin Du lịch TP. Hà Giang tổ chức tập huấn cho đội văn nghệ các thôn bản, trong đó, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa phi vật thể như hát then, hát cọi, múa bát và một số hoạt động lao động sản xuất bằng công cụ của dân tộc”.

Thực hiện đề án nâng cao hiệu quả các làng văn hóa du lịch cộng đồng, thành phố Hà Giang cũng rất chú trọng công tác vệ sinh môi trường - khâu yếu nhất của các Homestay. Nói về khó khăn khi thực hiện công tác này, ông Ngọc cho hay: "Việc giữ gìn vệ sinh môi trường đang là một hạn chế tại các Homestay. Hiện tỉnh Hà Giang đang có chủ trương hỗ trợ một lần cho các hộ 60 triệu đồng để mua sắm và làm vệ sinh sạch sẽ các khu Homestay. Thêm vào đó, thành phố còn chú trọng đến tạo cảnh quan du lịch, xây dựng các tuyến đi bộ du lịch trong các thôn bản".

Sau khi phát triển hình thức Homestay, 3 xã trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập từ kinh doanh dịch vụ, đời sống người dân đã có nhiều cải thiện. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã giúp các bản xây dựng hương ước, trong đó quy định các tiêu chí du lịch cộng đồng để nhân dân thực hiện theo, nhờ đó các hủ tục lạc hậu cũng như các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các cơ sở vật chất, cảnh quan thiên nhiên… đã được chính quyền địa phương hỗ trợ một cách thiết thực. Như bản Lâm Đồng đã được chính quyền sở tại xây dựng bảo tàng mini trưng bày các công cụ sản xuất của người Tày, hỗ trợ may đầy đủ trang phục của dân tộc Tày để du khách có thể tham quan và tìm hiểu.

Với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cùng với sự năng động của người dân, hy vọng rằng trong thời gian tới loại hình du lịch cộng đồng Homestay tại Hà Giang sẽ tiếp tục có bước phát triển mới. Qua đó, vừa đem lại nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần gìn giữ những tinh hoa bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Mỹ Hạnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc