Điện mặt trời ở Chernobyl

Hồi sinh vùng đất chết

15:51 | 17/01/2018

627 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày này có rất đông công nhân trong bộ đồ lao động màu cam đang bận rộn xung quanh các tấm pin mặt trời ở gần Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl.   

Ukraine đang chuẩn bị khởi động trung tâm năng lượng mặt trời đầu tiên trong khu vực bị nhiễm phóng xạ gây ra bởi thảm họa hạt nhân cách nay 32 năm, để khôi phục vùng đất bị bỏ hoang này.

Với công suất tượng trưng 1MW, nhà máy điện này nằm cách chừng trăm mét khối thép kín khổng lổ bao bọc phần còn lại của lò phản ứng hạt nhân của Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại vào năm 1986.

Nhà máy điện năng lượng này có thể cung cấp cho khoảng 2.000 hộ gia đình sống trong các căn hộ chung cư, theo giải thích của Evguen Variaguine, Giám đốc Công ty Solar Chernobyl của Ukraine - Đức, đơn vị thực hiện dự án này. Solar Chernobyl đã chi ra 1 triệu euro để lắp đặt khoảng 3.800 tấm pin thu năng lượng mặt trời trên diện tích 1,6ha, gấp đôi diện tích của một sân vận động bóng đá. Công ty hy vọng sẽ bắt đầu thu lời từ dự án này sau năm thứ 7.

hoi sinh vung dat chet
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại Chernobyl, Ukraine

Trung tâm năng lượng mặt trời này sẽ được khánh thành trong vài tuần tới. Solar Chernobyl dự kiến sau đó sẽ xây dựng thêm các trung tâm khác cũng ở khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl trước đây để đạt được tổng cộng công suất 100MW. Theo ông Variagine, đây là nơi cường độ ánh sáng mặt trời giống như ở phía nam nước Đức.

Ukraine đang tìm cách phát triển năng lượng cho riêng mình sau khi ngừng mua khí đốt của Nga do những căng thẳng giữa Moskva và Kiev. Ukraine cũng muốn làm sống lại khu vực cách ly trong bán kính 30km xung quanh Nhà máy Chernobyl, nằm cách Kiev 100km về phía bắc và gần biên giới với Belarus.

Lò phản ứng số 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl đã phát nổ vào ngày 26-4-1986, phát thải phóng xạ gây ô nhiễm, theo một số ước tính, đến 3/4 lãnh thổ châu Âu. Sau thảm họa này, Liên Xô (cũ) đã phải sơ tán hàng trăm nghìn người và một lãnh thổ rộng lớn hơn 2.000km2 xung quanh nhà máy cho đến nay vẫn bị bỏ hoang không người sinh sống.

3 lò phản ứng khác của nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động sau thảm họa, nhưng cuối cùng toàn bộ nhà máy đã được đóng cửa vào năm 2000, đánh dấu sự chấm dứt của tất cả các hoạt động công nghiệp ở Chernobyl.

Con người sẽ không thể trở lại sống trong khu vực nhiễm xạ của nhà máy này trong 24.000 năm nữa, nhưng hoạt động khai thác công nghiệp thận trọng là hoàn toàn có thể, các nhà chức trách Ukraine cho biết. "Vùng đất này rõ ràng không thể được sử dụng cho nông nghiệp, nhưng nó khá thích hợp cho các dự án công nghiệp và khoa học", Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ostap Semerak, khẳng định với AFP vào năm 2016.

Việc “úp một chiếc chuông thép khổng lồ” lên các tàn tích của lò phản ứng hạt nhân bị hư hỏng vào cuối năm 2016 đã khuyến khích các nhà đầu tư dám mạo hiểm đầu tư vào vùng đất nhiễm xạ này. Ngay sau khi xảy ra thảm họa, lò phản ứng hạt nhân đã được đổ bê tông bao kín. Tuy nhiên, phóng xạ vẫn tiếp tục thoát ra ngoài do vỏ bê tông bị nứt và không ổn định. Năm 2016, được hỗ trợ bởi cộng đồng quốc tế, lớp bọc mới bằng thép cho phép cô lập phóng xạ cao trong lò phản ứng. Kết quả, tỷ lệ phóng xạ ở khu vực lân cận của nhà máy đã được giảm xuống 10 lần trong 1 năm.

Tuy nhiên, các tấm thu năng lượng mặt trời ở Chernobyl không cắm trực tiếp xuống đất bị nhiễm xạ, mà được cố định trên kệ bê tông đặt trên mặt đất. Ông Variaguine nói: "Chúng tôi không thể khoan hoặc đào ở đây vì những quy tắc an toàn”.

Từ năm 2016, các nhà chức trách Ukraine nói rằng, họ có gần 2.500ha cho các dự án phát triển năng lượng mặt trời quanh khu vực Nhà máy Chernobyl. Theo Olena Kovalchuk, phát ngôn viên của chính quyền địa phương, họ đã nhận được 60 đề xuất từ các tập đoàn nước ngoài - Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc, Pháp.

Để khuyến khích các nhà đầu tư, Kiev hứa mua năng lượng mặt trời với giá cao hơn mức trung bình áp dụng ở châu Âu 50%, Oleksandr Khartchenko, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Kiev cho biết. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phương Tây đã không vội vã tới Chernobyl vì họ biết tình trạng quan liêu và tham nhũng đặc hữu ở Ukraine, Khartchenko nói.

Ông Anton Oussov, cố vấn của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (Berd) cảnh báo: "Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng, các hoạt động công nghiệp trong khu vực Chernobyl phải diễn ra an toàn". Hiện tại, ngân hàng này chưa có dự định đầu tư nào trong khu vực này ở Ukraine.

S.Phương

  • el-2024