Hồi sinh nghề gốm cổ

11:01 | 27/07/2017

1,973 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gia phả thuộc 5 dòng họ (Lê, Vương, Trần, Phạm, Nguyễn) ghi nhận cái nôi nghề gốm Việt cổ Bồ Bát là làng Bạch Liên, Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình. Tự hào về truyền thống quê hương ấy, Phạm Văn Vang đã khôi phục nghề gốm cổ vốn đã nguội tắt cách đây hơn 3.000 năm.

Lập nghiệp xa xứ

Vốn là con cháu của dòng họ Phạm - một dòng họ sinh sống và làm gốm tại Bát Tràng, Vang đã nhiều lần được nghe cha ông kể lại rằng, Ninh Bình đã từng có thời kỳ hưng thịnh với nghề làm gốm cổ xưa trước cả Bát Tràng. Ý tưởng khôi phục nghề truyền thống bắt đầu xuất hiện trong hoài bão của chàng trai trẻ tuổi.

Năm 2001, Phạm Văn Vang vừa tròn 20 tuổi, anh khăn gói rời nhà lên Bát Tràng, nơi các bác trong dòng họ đang lập nghiệp để học nghề. Tại đây anh được nghệ nhân Phạm Trúc Quỳnh (xóm 3, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) tận tình hướng dẫn. Sau hơn 3 năm miệt mài học và làm anh đã thuê được lò gốm riêng ngay tại Bát Tràng để tự làm và bán các sản phẩm của mình.

hoi sinh nghe gom co
Nụ cười lạc quan của nghệ nhân Phạm Văn Vang - người khôi phục nghề gốm cổ xưa

Anh Vang nhớ lại: “Hồi mới vào nghề, tôi làm ra những sản phẩm nhỏ nhiều tính mỹ thuật như chuông gió, đồ trang sức, móc chìa khóa… và tự tay mang sản phẩm đi tiếp thị. Tôi còn nhớ, có lần khi đến Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), rất nhiều người đã cười khi nhìn thấy hàng gốm và còn nói cái này có ai mua đâu mà bán”. Nhưng không nản lòng, anh vẫn xin được ký gửi ở nhà sách, nếu không bán được thì trả hàng về. Và ngày ngày anh luôn tìm cho mình những mẫu vẽ mới có đường nét tinh xảo hơn để đưa vào gốm sứ. Có nhiều sản phẩm anh tiếp thị ở các cổng trường đại học được rất nhiều bạn sinh viên yêu thích.

Sau đó, nhờ một cán bộ của Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), anh Vang được giới thiệu đến địa chỉ của hệ thống trung tâm Nhà sách Nguyễn Văn Cừ trong Sài Gòn để tiếp thị. Cơ hội đến, anh quyết định vào Nam lập nghiệp.

“Kinh tế khó khăn, khi đi tôi chỉ cầm theo vỏn vẹn có 1,8 triệu đồng, tiền tàu xe và ăn uống tiết kiệm cũng chẳng còn được mấy đồng, không đủ tiền thuê phòng trọ, tôi phải ở nhờ nhà mấy người bạn đang làm ăn trong đó, nay người này, mai người kia…” - Vang nhớ lại.

Không có xe, anh thường xuyên đi tiếp thị bằng xe buýt, có lần phải đi qua ba, bốn trạm xe buýt nhưng trong người không còn tiền, tới gần khu du lịch Suối Tiên (TP HCM), lúc đó đã gần 11 giờ đêm. Anh định ngủ ở ghế đá, thì có bà bán bánh mì lại gần bảo: “Này cậu, nhìn cậu ăn mặc quần đen áo sơ vin thế kia bọn nghiện nó nghĩ cậu có tiền nó lại đánh chết đó”. Anh đành gọi xe ôm rồi về vay bạn trả tiền xe. Bất kể ngày đêm, anh đi giao hàng miệt mài, không quản đường sá xa xôi. Sau một thời gian dài, sản phẩm của anh đã có mặt tại hơn 40 nhà sách.

Gian nan tại quê nhà

Năm 2006 anh trở về làng quê Bồ Bát (Bạch Liên) định mở lò sản xuất gốm. Nhưng Bạch Liên là một làng quê miền núi, nên anh khó cả về mặt bằng, tài chính, lẫn nhân lực cho xưởng. Anh cùng người vợ trẻ vay vốn mở lò gốm ngay trên mảnh đất của gia đình với thương hiệu “gốm Bồ Bát”.

hoi sinh nghe gom co
Để cho ra những sản phẩm đẹp và ưng ý nhất anh Vang luôn hướng dẫn công nhân rất tận tình

“Vất vả lắm, chúng tôi nhờ cả vào anh em, rồi tích cóp được ít vốn, mở lò nhỏ chỉ 50m2, thuê được vài người thợ. Có hôm phải làm cho kịp hàng khách đặt, hai vợ chồng làm đến 12 giờ đêm, 4 giờ sáng lại dậy nhào đất làm lô hàng mới” - vợ anh Vang kể lại.

Nói về những bất trắc của nghề, anh Vang chia sẻ: “Ngày đi giao hàng, tối về “vào lò” mà không để ý, gặp gió Tây Nam là sản phẩm nứt, hỏng ngay. Khó khăn không chỉ thế, vào mùa mưa bão, lúc nông nhàn lao động ở xưởng gốm làm ra nhiều sản phẩm, nhưng những bất lợi về thời tiết sẽ gây ra những rủi ro đáng tiếc”.

Các sản phẩm đồ trang sức của anh Vang chủ yếu là vòng cổ, vòng tay, chuông gió, bộ ấm chén, bát đĩa và tranh gốm mỹ nghệ… Hiện nay, mỗi tháng anh xuất xưởng khoảng 5 vạn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 50 thợ lành nghề.

Tiếp lửa nghề cổ xưa

Sau nhiều năm học hỏi và với lòng say nghề, sản phẩm gốm của nghệ nhân trẻ - gốm Bồ Bát đã góp mặt trong nhiều hội trợ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong nước và được bày bán ở các khu danh lam, thắng cảnh, du lịch…

Năm 2008, anh Vang là người đầu tiên mang sản phẩm gốm Bồ Bát đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Đặc biệt là trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm Bồ Bát có mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền.

Năm 2014, anh được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cấp bằng công nhận nghề gốm cổ Bồ Bát là nghề truyền thống của Ninh Bình. Ghi nhận sự cố gắng ấy, anh Vang cũng được tặng danh hiệu “Nghệ nhân gốm cổ truyền”.

Để nghề làm gốm phát triển xứng đáng với bề dày lịch sử gốm sứ, anh Vang dự định sẽ mở rộng quy mô xưởng sản xuất trong thời gian tới, nhằm tiếp lửa nghề gốm sứ, tạo việc làm cho nhân dân nơi đây. Làm sống lại thời kỳ hưng thịnh của làng gốm cổ Bồ Bát xưa.

Gốm Bồ Bát hiện rất được ưa chuộng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ… Khách du lịch nước ngoài tới Ninh Bình cũng rất hứng thú với các sản phẩm tinh xảo và giàu tính thẩm mỹ của gốm cổ Bồ Bát. Với anh Vang, sự đón nhận của thị trường trong và ngoài nước chính là phần thưởng, là sự ghi nhận xứng đáng nhất đối với thương hiệu gốm Bồ Bát. Thành công của Phạm Văn Vang sẽ là động lực cho những ước mơ làm giàu bằng nghề truyền thống của thanh niên nông thôn Việt Nam.

Gốm Bồ Bát hiện rất được ưa chuộng trong nước và xuất khẩu tới Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ… Khách du lịch nước ngoài tới Ninh Bình cũng rất hứng thú với các sản phẩm tinh xảo và giàu tính thẩm mỹ của gốm cổ Bồ Bát.

Linh Lan