'Hội nghị Diên Hồng' bàn cách hỗ trợ và tái sản xuất hậu Formosa

18:21 | 27/08/2016

368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 27/8, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị về công tác thống kê thiệt hại cũng nhu hỡ trợ tái sản xuất cho ngư dân sau thảm họa môi trường Formosa. Trong hội nghị, đại biểu các tỉnh cho rằng, việc thống kê thiệt hại theo như lộ trình của Chính phủ là “khó khả thi” và Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra nhóm 4 giải pháp để tái sản xuất cho ngư dân.

Chưa thể thống kê cụ thể thiệt hại

Tại hội nghị, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất đó là đền bù, hỗ trợ cho ngư dân và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa.

Theo đại diện lãnh đạo các tỉnh, việc tiến hành đền bù, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng vấp phải những khó khăn nhất định. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương phải nhanh chóng tổng hợp thiệt hại và báo cáo chậm nhất là ngày 10/9 tới. Nhưng hầu hết lãnh đạo các địa phương đều khẳng định không thể thực hiện việc thống kê, kê khai thiệt hại theo đúng lộ trình mà Chính phủ đặt ra.

Khó khăn thứ nhất trong việc thống kê là việc xác định đối tượng bị ảnh hưởng. Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Việc xác định đối tượng bị thiệt hại gồm những ai, ngư dân, chủ tàu, diêm dân hay còn có cả những người liên quan khác như chủ cơ sở đông lạnh, lái buôn, người làm công. . . rất nhiều và rất khó khăn”.

hoi nghi dien hong ban cach ho tro va tai san xuat hau formosa
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng khó có thể thống kê, kê khai thiệt hại đúng như thời hạn Chính phủ đặt ra.

Việc xác định người thiệt hại mang tính “liên đới”, nên rất gian nan, cho nên cần thêm thời gian: “ Bây giờ sản xuất đều mang tính dây chuyền, ví dụ người sản xuất muối thì còn có người cung cấp dịch vụ bơm nước vào ruộng muối, như vậy người làm dịch vụ bơm nước đó có được đền bù, hỗ trợ hay không và cơ chế thì như thế nào?”, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh việc xác định đối tượng được hưởng chính sách đền bù, hỗ trợ thì việc xác định mức đền bù, hỗ trợ của từng nhóm, từng đối tượng cụ thể trong mỗi nhóm cũng là vấn đề nan giải.

Trước những khó khăn đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ghi nhận ý kiến của các tỉnh và cho biết sẽ trình lên Chính phủ xem xét giãn thời hạn kê khai thiệt hại. Đồng thời Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các tỉnh và các đơn vị liên quan, trong đó đặc biệt là Bộ Tài chính nên ngồi lại cùng nhau để đưa ra một định mức cụ thể chung cho cả bốn tỉnh. Như vậy Bộ Tài chính sẽ dễ dàng hơn trong việc quyết định mức đền bù, hỗ trợ, rút ngắn thời gian giải quyết cho dân.

Tranh cãi về 4 nhóm giải pháp

Cũng tại hội nghị, bên cạnh việc bàn về vấn đề đền bù, hỗ trợ cho ngư dân và các đối tượng liên quan, việc tái sản xuất cho ngư dân như thế nào trong thời gian tới cũng đã được đưa ra bàn bạc và nhận được nhiều ý kiến.

Bộ NN&PTNT đã đưa ra 4 giải pháp để lấy ý kiến các tỉnh gồm: Cấm ngư dân khai thác tại các vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến hết hòn Sơn Chà (Huế)

Cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm các vùng biển mà Bộ TN&MT đã khuyến cáo

Cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ, cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đối với các nghề lưới kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy.

hoi nghi dien hong ban cach ho tro va tai san xuat hau formosa
Thứ trưởng Vũ Văn Tám (bên phải) điều hành hội nghị.

Cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Cả 4 giải pháp nêu trên đều có cả đồng tình lẫn phản đối, chưa có giải pháp nào được sự nhất trí tuyệt đối. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì giải pháp kết hợp giữa phương án hai và ba là hợp lý. Ngược lại đại diện sở Y tế tỉnh Quảng Trị lại cho rằng phương án thứ tư là khả thi hơn cả. Không những thiếu sự thống nhất trong việc lựa chọn phương án, ngay cả trong phương án được đại biểu đồng ý thì vẫn tồn tại những bất cập.

Sau nhiều tranh luận với những ý kiến, quan điểm đóng góp hết sức thẳng thắn, mang tính xây dựng, thế nhưng cuối cùng hội nghị vẫn không thể đạt được sự thống nhất hoàn toàn.

Tuy nhiên, một phương án đưa ra và được sự đồng tình khá cao đó là phương án cấm ngư dân khai thác trên các vùng biển mà Bộ TN&MT đã khuyến cáo, cho đến khi Bộ TN&MT công bố kết quả mới cho phép khai thác trở lại, đồng thời tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Sau gần 5 giờ tranh luận với nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã tổng kết hội nghị. Theo đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, xem đây là cơ sở để trình Chính phủ xét duyệt, điều chỉnh và đưa ra phương án tối ưu nhất nhằm sớm đưa sản xuất thủy hải sản trở lại bình thường. Đồng thời nhanh chóng đưa tiền, các gói hỗ trợ đến tay người dân bị thiệt hại một cách sớm nhất có thể.

Văn Nguyện

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc