Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra lại các "lớp học tương tác"

17:55 | 03/10/2012

1,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vừa qua, Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội) đã làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội về tình hình thu, chi học phí và các khoản thu khác ngoài học phí năm học 2012-2013 tại nhiều trường học.

Trong buổi làm việc, đại diện đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội – HĐND TP Hà Nội thông báo, từ ngày 20 - 28/9, đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình thu chi học phí và một số khoản thu khác năm học 2012 – 2013 ở 33 cơ sở giáo dục thuộc một số quận/ huyện.

“Loạn” lớp học tương tác và chương trình dạy tiếng Anh tiểu học

Vừa qua, thông tin về mô hình lớp học tương tác tại một trường tiểu học ở Hà Nội trong một lớp học huy động đóng góp từ phụ huynh lên tới 300 triệu đồng liệu có được sự cho phép của các cấp quản lý? Theo đó, để tham gia vào lớp học này, phụ huynh phải đóng từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Liên quan đến mô hình lớp học tương tác, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là mô hình lớp học có phương pháp giảng dạy hiện đại nhất, sinh động, hiệu quả, giúp cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Vấn đề là tiền mua bảng tương tác, các trang thiết bị và việc xây dựng bài giảng điện tử tương thích với mô hình này đòi hỏi có sự xã hội hóa từ phía phụ huynh vì ngân sách nhà nước không thể đảm bảo được.

“Từ năm 2006 trường đầu tiên là trường Thành Công B tiên phong thực hiện. Hiện gần 100% các lớp được trang bị theo mô hình này hoàn toàn bằng xã hội hóa. Phụ huynh tham dự các tiết học và thấy là hiệu quả học tập, học sinh năng động nên đã tự nguyện đóng góp” - ông Phạm Xuân Tiến khẳng định.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho rằng Sở GD-ĐT Hà Nội cần kiểm tra thông tin nơi đưa ra mức thu này.

“Vì sao lại thu đến mức đấy, dự toán chi thế nào? Lớp học tương tác là mô hình tốt nhưng không phải là bằng mọi giá” - bà Nguyễn Thị Thùy nhấn mạnh.

 

Gần đây, mô hình lớp học tương tác "nở rộ" trong các trường tiểu học.

 

Cũng trong buổi làm việc giữa đoàn công tác HĐND TP Hà Nội với Sở GD-ĐT, hai bên mất khá nhiều thời gian trao đổi về việc các trường tiểu học, THCS nhập nhằng trong việc tổ chức dạy 2 buổi/ ngày với các mô hình dạy tiếng Anh thí điểm lớp 1 và lớp 2, tiếng Anh liên kết với trung tâm bên ngoài… 

Mức thu khác nhau và cao ở một số cơ sở về môn tiếng Anh được đoàn công tác cho rằng cần phải xem xét. Việc nhập nhằng giữa thời gian học buổi thứ hai với học thêm môn tiếng Anh là thực trạng cần chấn chỉnh. “Nhiều trường tiểu học xếp 3 tiết học tiếng Anh vào buổi chiều mà vẫn thu tiền học 2 buổi/ngày, vừa thu tiền tiếng Anh. Các anh nói với những trường học 2 buổi/ ngày thì thời gian học được quy định là 7 tiết/ngày (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết) nhưng anh lại thu tiền cả hai loại”, bà Thùy nêu.

Về tổ chức và thu tiền dạy học 2 buổi/ ngày, theo bà Thùy, khoản thu học 2 buổi/ngày được Sở GD-ĐT hướng dẫn là khoản thu thỏa thuận, việc thu phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện. Việc các trường xếp thời khóa biểu môn chính khóa vào buổi thứ hai khiến nhiều phụ huynh không muốn vẫn phải cho con học.

Về các Quỹ cha mẹ học sinh đang “trăm hoa đua nở”, đoàn kiểm tra chỉ ra nơi nào cũng thu, với nhiều mức khác nhau và có nơi thu đến 1,2 triệu đồng/ học sinh. Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đúng với quy định tại điều lệ mà Bộ GD-ĐT ban hành. Hầu hết các trường không xây dựng hoạt động cụ thể cho từng học kỳ và kế hoạch thu chi. 

Nhiều ban đại diện huy động tiền của cha mẹ học sinh để mua sắm thiết bị dạy học, chi bồi dưỡng cho giáo viên dạy giỏi, có nơi chi tới 45% cho giáo viên. Công tác xã hội hóa giao cho ban đại diện cha mẹ học sinh trong khi theo quy định họ không có quyền thu các khoản tiền này. 

Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều thu quỹ khuyến học mặc dù về nguyên tắc, trường không đủ tư cách pháp nhân để lập quỹ khuyến học.

Xuất hiện nhiều khoản thu “lạ”

Đây là năm học đầu tiên Hà Nội ban hành danh mục và mức trần cụ thể cho các khoản thu thỏa thuận, nhằm tránh tình trạng lạm thu. Qua 2 tuần khảo sát 33 trường từ mầm non đến THPT  trên địa bàn Hà Nội, đoàn khảo sát đã phát hiện việc chưa công khai minh bạch trong việc thu tiền của ban đại diện cha mẹ học sinh gây bức xúc dư luận...

Cụ thể trong danh mục khoản thu thỏa thuận của Trường THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) có cả tiền học phẩm, tiền chụp ảnh dán thẻ bảo hiểm, làm bằng tốt nghiệp... Nhiều trường còn thu cả tiền những môn học tự chọn (tin học), bảo trì máy tính, tiền đề cương kiểm tra, giấy đề kiểm tra, tiền trông xe đạp, làm vệ sinh...

Nhiều trường còn thu cả tiền đề cương kiểm tra, giấy đề kiểm tra, tiền trông xe đạp, làm vệ sinh...trong khi đây là các khoản thu không được phép.

Ở nhiều trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ công khai là thu bao nhiêu tiền còn cụ thể chi vào việc gì, chi như thế nào thì cuối năm mới rõ. 

Trong khi đó, Thông tư 55 hướng dẫn rất cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh muốn thu tiền quỹ phải có kế hoạch thu, chi vào khoản gì, thống nhất với cha mẹ học sinh rồi mới thu.

Nhiều khoản thu vô lý khiến phụ huynh bức xúc

Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho rằng, những năm trước rất lo lắng với khối mầm non, nhưng năm nay lại khá yên tâm về khối học này. Tuy nhiên, khoản thu chi chưa đúng quy định lại rơi vào bậc tiểu học và THCS.

“Những tồn tại cần phản ánh hiện nay là tình trạng thu không đúng quy định trong nhà trường như thu ghế ngồi, tiền học tin học tự chọn, bảo trì máy, thuê giáo viên, thu quỹ khuyến học, tiền phô tô... Bảo trì máy vi tính có trường thu 25.000 đồng/học sinh. Với gần 600 học sinh toàn trường mức thu lên trên 100 triệu đồng để bảo trì có 20-30 máy tính là quá nhiều”.

Lý giải về việc thu chi đầu năm học còn sai quy định, các trường cho rằng một trong những lý do là văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành chậm (Văn bản số 8568/SGD&ĐT-KHTC ngày 11/9/2012) trong khi các trường đã hoạt động từ tháng 8.

Trong khi chưa có kết quả thanh tra của Sở chủ quản, đoàn khảo sát HĐND thành phố đặt vấn đề, 5 đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT ngoài chấn chỉnh thì có khen thưởng kỷ luật hay không, vì qua kiểm tra với 10 cơ sở giáo dục ban đầu có báo trước thì không phát hiện sai phạm gì trong thu chi nhưng khi kiểm tra đột xuất thì phát hiện hàng loạt khoản thu không đúng quy trình, quy định.

“Năm nào cũng kiểm tra nhưng năm nào cũng có dư luận lạm thu thì việc chấn chỉnh không hiệu quả” - ông Phạm Xuân Tài, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố nhận định.

 

P.V (tổng hợp)