“Hôi của” không còn là chuyện lạ

12:31 | 08/12/2013

5,216 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Hôi của” giờ đây không còn là chuyện lạ. Nó vẫn diễn ra thường xuyên ở xứ ta bên cạnh chuyện vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi hay không xếp hàng nơi công cộng… Vì sao xã hội ngày càng phát triển nhưng văn hóa ứng xử nơi công cộng, tình tương thân tương ái trong cộng đồng ngày một cạn?

Mới đây nhất là chuyện hàng trăm người dân tràn ra đường hôi của ở tỉnh Đồng Nai. Sự việc xảy ra lúc 14g ngày 4/12 ở khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa trước sự bất lực, van xin, khóc đến khản cổ của tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê tỉnh Bình Định) - người điều khiển chiếc xe bị lật chở khoảng 1.500 thùng bia. Nhiều người dân chứng kiến cảnh tượng này bức xúc nói đây là một vụ cướp giật giữa ban ngày.

Cảnh hôi của chiều ngày 4/12 tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai

Cách đây không lâu, vào ngày 15/3, cũng vào lúc 14h tại đoạn qua ngã tư Vũng Tàu, P. An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai, một xe tải chở dầu nhờn bị lật, rất may là không có thương vong nhưng hàng trăm thùng dầu nhờn trên xe bị tràn ra đường. Sau đó, một cảnh tượng vô cùng không hay xảy ra là rất nhiều người đi đường và cư dân địa phương hôi của. Họ tranh nhau từng thùng dầu nhờn còn nguyên vẹn, nhiều người đem can và cả thùng phuy để đựng dầu trước sự cầu xin, phản đối bất lực của tài xế xe tải.

Vào tháng 5/2012, chuyện hôi của cũng xảy ra sau một vụ tai nạn khi chiếc xe bồn chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh và Quảng Bình bị lật nghiêng trên quốc lộ 1A khiến xăng chảy lênh láng trên đường. Thay vì hỗ trợ nạn nhân thì nhiều người dân địa phương cầm xô, chậu, thau nhưng ban đầu chỉ đứng chờ vì sợ xe nổ. Đến khi thấy cảnh sát dùng can nhựa rút bớt xăng từ bồn ra để đề phòng cháy nổ thì người dân mang xô, thau, chậu xông tới để hứng xăng, bất chấp sự ngăn cản của tài xế và lực lượng cảnh sát.

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây gần 2 năm, trên đoạn đường giao nhau giữa An Dương Vương – Trần Phú – Sư Vạn Hạnh thuộc P.8 và P.9, Q.5, TP HCM có một người đàn ông bị cướp, may mà ông giật lại được túi xách từ tay bọn cướp nhưng vì giật mạnh quá nên túi tiền bị rơi vãi ra đường. Lợi dụng tình trạng này, nhiều người đi đường cùng người dân quanh khu vực ào ra hôi tiền. Chỉ sau 5 phút, số tiền biến mất trước sự bất lực của người bị nạn.

“Hôi của” giờ đây không còn là chuyện xa lạ ở xứ ta và nhiều người xem đó là một chuyện quá ư bình thường. Hễ có một vụ tai nạn mà có tài sản rơi ra đường thì y như là sẽ có cảnh hôi của. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, tâm lý này của số đông hay của một thiểu số? Nếu chỉ vài người hôi của là thiểu số nhưng đây có hàng trăm người cùng hôi của thì đã thuộc về số đông rồi. Vì sao thấy người bị nạn không cứu giúp, không hỗ trợ họ giải quyết hậu quả mà còn xúm nhau tranh giành tài sản trước sự bất lực của nạn nhân?

Chúng ta hay kêu ca tại sao cướp bóc ngày càng lộng hành, bất chấp pháp luật nhưng chính cách hành xử của số đông; chính sự tham lam một cách vô cảm của số đông đã đồng hành cùng bọn cướp. Vậy “hôi của” có phải là một hành động ăn cướp không?

Dù rằng, tháng 7/2013 Bộ Giao thông vận tải đề xuất dự thảo mới. Theo dự thảo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Từ ngày 1/7, hành vi xâm phạm tài sản của người bị nạn sẽ bị xử phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Cùng với đó, mức phạt này còn được áp dụng với người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

Tuy nhiên mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe người hôi của. Để khắc phục nạn hôi của không chỉ nằm ở vấn đề xử phạt hành chính mà quan trọng hơn là việc nâng cao văn hóa ứng xử, tình tương thân tương trong cộng đồng. Để khi gặp người hoạn nạn trên đường thì cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người bị nạn thay cho cảnh tranh giành, hôi của một cách vô cảm như lâu nay.

Dân ta có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái đã thành bản sắc trong hàng nghìn năm qua. Điều đó được minh chứng mỗi mùa bão lụt đi qua, người dân vùng bị nạn luôn nhận được sự cứu trợ kịp thời của người dân cả nước… Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp đấy sao không tiếp tục phát huy trong những trường hợp gặp người bị nạn trên đường thì cứu giúp, gặp người đang rơi tài sản mọi người cùng nhặt trả lại thì giá trị văn hóa ứng xử của người Việt sẽ cao đẹp biết bao.

Thanh Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.