Học sinh, sinh viên oằn lưng 'cõng' bảo hiểm y tế

11:25 | 12/09/2015

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi thực hiện mức thu bảo hiểm y tế (BHYT) mới đối với học sinh và sinh viên những ngày qua, rất nhiều phụ huynh đã bức xúc vì cho rằng, mức tăng BHYT quá nhiều, gấp đôi so với những năm trước. 
oan lung cong bao hiem y te Tăng mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên

 

Nếu như những năm trước là hơn 260 nghìn đồng/học sinh, sinh viên thì năm học này số tiền ấy tăng gấp đôi, tức 543.700 nghìn đồng. Như vậy là quá cao trong khi đầu năm học còn phải đóng góp nhiều khoản khác.

Mức đóng BHYT tăng… vù vù

Chị Nguyễn Phương Thảo có con đang học tại một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình, Hà Nội cho hay, mặc dù chưa vào năm học, lễ khai giảng chưa diễn ra và cuộc họp phụ huynh chưa được tổ chức, thế nhưng chị đã phải đóng khoản tiền BHYT cho con là gần 544 nghìn đồng.

Mặc dù đây là khoản tiền không bắt buộc, tuy nhiên, vì chủ trương chung của Nhà nước và quan trọng là vì quyền lợi của con mình, chị đã tự nguyện tham gia BHYT. Theo chị, đây là khoản tiền không phải là không đáng lo ngại.

Bởi nó chỉ là một phần trong số chi phí phải đóng đầu năm học. Hơn nữa, với một người làm công ăn lương, mức thu nhập chưa đến 5 triệu đồng như chị thì số tiền đó hẳn là một “vấn đề”. Chưa kể đến, chị còn một đứa con nữa đang học trung học cơ sở tại một trường khác và chắc chắn cũng phải đóng khoản tiền như vậy.

Chị bảo, đầu năm học nào cũng vậy, cũng “méo mặt” lo tiền đóng các khoản phí cho con. Năm nay, còn “méo hơn” vì tiền BHYT phải đóng gấp đôi!

oan lung cong bao hiem y te
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại một cơ sở y tế

Vợ chồng chị Mai Thanh Ngọc, ở Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc có con đang học tại Trường tiểu học Gia Trung cũng vậy. Tuy chưa phải đóng tiền BHYT, vì theo thông lệ của nhà trường, phải vào đầu năm học và sau buổi họp phụ huynh, các khoản thu mới được thực hiện.

Thế nhưng, xem trên báo và nghe dư luận xôn xao mấy ngày nay về việc BHYT tăng mức đóng lên gấp đôi so với các năm trước, chị lo lắng bởi như vậy, khoản tiền đóng đầu năm cho con vốn đã hàng triệu đồng thì nay phải thêm khoảng 260 nghìn đồng nữa.

Nếu nói riêng số tiền thoạt nghe tưởng không nhiều nhưng gộp tất cả các khoản đóng thì với thu nhập như nhà chị, cả hai vợ chồng đều làm công nhân tại Khu Công nghiệp Mê Linh, Vĩnh Phúc thì là một khoản đáng kể.

Điều quan trọng, tăng mức đóng BHYT lên như vậy, đổi lại quyền lợi của học sinh (sinh viên) được hơn những gì so với mức đóng cũ? Hay vẫn là cảnh xếp hàng dài dằng dặc chờ đợi được khám bệnh, vẫn là những viên thuốc rẻ tiền hiệu quả điều trị không cao bằng những loại thuốc phải bỏ tiền mua… Chưa kể đến, thẻ BHYT đó, thực ra như con chị rất ít sử dụng đến.

Tất nhiên, không ai mong con mình ốm đau để sử dụng thẻ BHYT, nhưng trong  trường hợp phải đi bệnh viện thì theo chị chất lượng điều trị chưa xứng với “đồng tiền bát gạo” mà phụ huynh bỏ ra.

Chị khảng khái: “Mức đóng BHYT tăng thì quyền lợi cũng phải tăng. Chứ không thể “dậm chân tại chỗ như cũ”, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, lương không tăng, giá cả đắt đỏ mà những khoản đáng ra phải được hỗ trợ nhiều  hơn để giảm số tiền đóng của xã hội như BHYT của trẻ em thì lại tăng vù vù”.

Thiếu thực tế

Trước những vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, sở dĩ tiền BHYT tăng gấp đôi so với năm ngoái là do mức đóng tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.

Mà sự điều chỉnh này đã có sự thảo luận và bàn bạc kỹ lưỡng giữa các ngành có trách nhiệm như Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế, đồng thời còn được tổ chức hội thảo nhiều lần tại nhiều khu vực trước khi đi đến thay đổi chính thức. Lý do thứ hai là năm học này, BHYT đóng cho khoảng thời gian là 15 tháng chứ không phải 12 tháng như mọi năm.

Vì hằng năm, bắt đầu vào năm học mới là tháng 9 mới thu BHYT và thời hạn sử dụng đến tháng 9 sang năm. Nhưng từ nay thu theo năm tài chính tức là từ 1-1 đến hết 31-12 là đến hạn nộp tiếp theo. Tuy nhiên, do năm 2015 còn 3 tháng (từ tháng 9-12) học sinh chưa nộp BHYT nên mới gộp vào năm 2016 thành 15 tháng.

Tuy nhiên, trước sự phản ứng của dư luận về việc số tiền nộp BHYT tăng cao thì giờ Bộ Y tế đưa ra giải pháp các trường có thể thực hiện bằng cách thu làm nhiều đợt thay vì gộp lại thành một đợt, nghĩa là BHYT của năm 2016 có thể đóng thành 2 đợt, mỗi đợt 6 tháng và 3 tháng năm 2015 có thể thu riêng thành đợt khác.

Từ sự việc trên đây mới thấy, khi thực hiện một chính sách, chủ trương mới, nếu các cơ quan chức năng không bao quát được sự việc, không lường trước những tình huống có thể xảy ra, thiếu thực tế thì không những chủ trương, chính sách đó không đạt hiệu quả như mong muốn mà còn gây hoang mang, phản ứng trong nhân dân, để rồi phải chạy theo giải quyết một cách rất vất vả.

Cụ thể ở đây, như chủ trương tăng mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên, nếu cơ quan bảo hiểm xã hội và cả Bộ Y tế hình dung ra nỗi nhọc nhằn, lo lắng của người dân về khoản tiền phải đóng vào đầu mỗi năm học thì hình thức thu BHYT, đặc biệt là trong trường hợp mức đóng tăng đã linh hoạt để có thể phù hợp với mọi điều kiện hoàn cảnh đối tượng phải nộp, không những vậy còn hoàn thành mục tiêu độ phủ BHYT đạt 100% trong học sinh, sinh viên. Chứ hiện nay mới chỉ 76% sinh viên tham gia BHYT và học sinh là 94%.

Thế nhưng, vì không đạt hiệu quả như ban đầu đề ra, thậm chí còn bị phản ứng nên Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phải chạy theo đề ra kế hoạch “ứng phó”. Tiếp nữa là trước khi thực hiện thu BHYT theo mức mới, thậm chí là muốn người nộp đóng cả thành một đợt, cơ quan bảo hiểm xã hội đã không truyền thông đến đối tượng liên quan trực tiếp để họ có thể hiểu chi tiết về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT.

Chỉ đến khi dư luận xôn xao, bất bình, cơ quan chức năng mới “vào cuộc”. Mà đến lúc đó thay vì sự “tâm phục khẩu phục” thì là sự ức chế, khiên cưỡng, thiếu niềm tin của đối tượng tham gia BHYT. 

Về điểm này, cơ quan bảo hiểm xã hội cần rút kinh nghiệm sâu sắc để có thể làm tốt phần việc của mình hơn và cũng để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Trả lời cho vấn đề mức BHYT của học sinh, sinh viên tăng từ 3-4,5% mức lương cơ sở, đổi lại quyền lợi của họ có gì tăng so với mức cũ thì ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế đã trả lời báo giới: “Mức thu cao phạm vi quyền lợi chắc chắn lớn hơn, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn.

Điều này đã thể hiện rõ trong văn bản luật, nhiều nội dung dịch vụ khám chữa bệnh trước bảo hiểm không chi trả được vì điều kiện tài chính của quỹ thì giờ đã mở rộng ra. Học sinh, sinh viên sẽ có quỹ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây là một điểm mới khi mức đóng BHYT tăng”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã nói: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, để phát huy được hiệu quả, tại những cơ sở đào tạo có y tế học đường thì nên chuyển BHYT của học sinh, sinh viên về đó, để họ có thể chăm sóc các em dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi đề nghị nên làm theo hướng này, ít nhất cũng phải chuyển 50% số BHYT hiện nay về các cơ sở y tế học đường.

Về nguồn thu từ BHYT, dứt khoát cần công khai minh bạch từng khoản một. Công khai tổng thu là đúng rồi, nhưng như thế chưa đủ, phải minh bạch: Năm nay BHYT thu được bao nhiêu? Chi cái gì? Tiến độ chi ra sao?... Mặt khác cần phải có quyết toán, một năm BHYT đã phải chi bao nhiêu cho trường này, trường kia, từ đó sẽ tính ra được con số cụ thể ngay”.

 

Xuân Bách

Năng lượng Mới 456

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc