Học sinh lớp 5 không viết nổi tên mình: Một kiểu giáo dục “thích thành tích”

07:00 | 30/05/2015

1,632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện một học sinh lớp 5 ở thủ đô Hà Nội không thể làm toán, không viết nổi tên mình đang gây xôn xao dư luận. Trong khi phụ huynh và nhà trường đổ lỗi cho nhau thì nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, đây là hình ảnh phản chiếu của một nền giáo dục “chạy theo thành tích”…

Chia sẻ với phóng viên, anh L.Đ.Hạnh (57 tuổi) và chị N.T.Tuyết (42 tuổi) ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, do hoàn cảnh gặp nhiều trắc trở nên mãi tới năm 2003 chúng tôi mới kết hôn. Năm 2004 sinh được cháu L.Đ.T. Khi cháu sinh ra, cân nặng, sức khỏe đều bình thường, không có vấn đề gì cả. Khi tới tuổi đến lớp, cháu cũng nhập trường như các bạn cùng trang lứa.

Tuy nhiên, sau một thời gian học lớp 1, chị Tuyết được phía Trường tiểu học Phương Liệt cho biết, cháu T không thể học tập bình thường, có biểu hiện của trẻ tự kỷ, nhưng vẫn cho đến lớp học cùng các bạn để hòa nhập. Không đồng tình với ý kiến của nhà trường, chị Tuyết kiến nghị các cô giáo kèm cặp giúp cháu T tiến bộ trong học tập vì cho rằng, cháu không bị bệnh tật gì, chỉ tiếp thu chậm.

Xung quanh việc học sinh  lớp 5 không viết nổi tên mình

Em L.Đ.T học lên lớp 5 vẫn không viết được tên mình

Liền các năm lớp tiếp theo đó, học sinh L.Đ.T vẫn được theo học cùng các bạn và lên lớp bình thường và gia đình chị Tuyết vẫn đóng các khoản thu cho cháu T đi học. Tuy nhiên, khi về nhà, thử kiểm tra việc học, chị Tuyết phát hiện cháu T vẫn chưa biết đọc, biết viết dù đã học tới lớp 3. Do công việc bận rộn nên chị Tuyết chỉ tranh thủ được lúc rảnh kèm cặp cháu T viết chữ và các phép tính đơn giản.

Đến thời điểm hiện tại, khi L.Đ.T đã học lớp 5, nhưng T vẫn chưa biết đọc, biết viết chứ chưa nói đến việc thực hiện các phép tính toán. Qua kiểm tra vở học của em thì hầu hết các trang giấy là những dòng chữ nguệch ngoạc.

Về khả năng tính toán, T cũng chỉ nhận mặt được các chữ số và làm được một vài phép tính đơn giản. Còn với phép tính như “6+3” hay “3+2”, T làm ra sai kết quả. Cho rằng lỗi do giáo viên, chị Tuyết đã làm đơn phản ánh vấn đề này đến ban giám hiệu nhà trường.

Trả lời với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phương Liệt cho biết, phía nhà trường đã nhận thấy dấu hiệu “bất thường” của em L.Đ.T ngay từ khi nhập học. Ban giám hiệu và cô giáo chủ nhiệm đã vận động gia đình đưa cháu đi khám bệnh và phối hợp kèm cháu nhưng gia đình vẫn bảo là cháu T hoàn toàn bình thường.

“Sau khi đánh giá, ban giám hiệu đã xác định em T nằm trong diện “học sinh khuyết tật” nên chiếu theo quy định của ngành giáo dục chỉ lập phiếu theo dõi, đánh giá học sinh chứ không lập học bạ và xếp loại. Cháu chỉ ngồi với các bạn cùng trang lứa để tránh việc trẻ kỳ thị nhau thôi chứ không phải là cháu được lên lớp”, bà Tuyết Mai nói.

Cũng theo lời vị hiệu trưởng, hiện giáo viên vẫn tích cực kèm học cháu. Ngoài một buổi trên lớp học với các bạn bình thường, buổi chiều nhà trường vẫn “đặc cách” cho T xuống học cùng các bạn lớp 1 để cô giáo dạy lại kiến thức.

Ở diễn biến liên quan, ngày 25-5 vừa qua, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Phương Liệt đã cùng đại diện hội phụ huynh học sinh đưa em L.Đ.T đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi được chuyển vào phòng tư vấn, các bác sĩ đề nghị phía Trường tiểu học Phương Liệt và phụ huynh phối hợp lập hồ sơ y bạ cho em T, sau đó xác nhận tại chính quyền địa phương để tới đây, phía bệnh viện sẽ thành lập hội đồng giám định cho em T.

Xung quanh việc học sinh  lớp 5 không viết nổi tên mình

Đến các phép tính đơn giản, T cũng không làm được

Thử kiểm tra em L.Đ.T, bảo em viết các chữ cái đơn lẻ như “a, b, c, d…” em T có thể viết được dù phải nghĩ và tốc độ chậm. Còn khi yêu cầu em viết tên của mình, T không thể viết được và các từ khác em cũng không biết viết. Khi phóng viên bảo em đọc tựa đề một cuốn sách em T cũng lắc đầu bảo: “Cháu không biết”.

Đến thăm lớp 5A1 mà T theo học, các em nhỏ học sinh ở lớp đều quan tâm thắc mắc về việc tại sao T nghỉ học. Những em nhỏ này đều đồng thanh nói rằng, bạn T không bị tự kỷ mà chỉ lười học thôi.

Chị Tuyết, mẹ cháu bày tỏ: “Ở nhà cháu vẫn giúp mẹ rửa bát, quét nhà, chiều nào cũng đi đá bóng với các bạn, sinh hoạt bình thường. Nếu nhà trường bảo cháu bị tự kỷ thì phải có bằng chứng chứ không thể cứ quy cho cháu như vậy. Tôi mong sao các cô giáo giúp đỡ để cháu T có thể học được cái chữ, không cần cháu phải học giỏi, chỉ cần đọc thông viết thạo sau này còn đỡ khổ, gia đình tôi chỉ sinh hạ được duy nhất cháu nên rơi vào cảnh này rất khổ tâm”.

Thêm nữa, gia đình chị Tuyết kinh tế khó khăn nên không thể chuyển cháu T đi học trường khác được. Chị Tuyết hằng ngày bán trà đá, chồng chị chạy xe ôm nhưng chẳng mấy khi có khách, kinh tế chỉ trông chờ ở quán vỉa hè.

Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam:

Hình ảnh của nền giáo dục “chạy theo thành tích”

Trao đổi với Năng lượng Mới, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, việc học sinh lên đến lớp 5 nhưng vẫn chưa viết được tên mình chắc chắn có vấn đề. Vấn đề này tồn tại từ chính thầy cô và nhà trường là chủ yếu. Việc này có thể có phần trách nhiệm của cha mẹ nhưng trách nhiệm cần được nhìn nhận rõ nhất ở các thầy cô giáo và nhà trường.

“Việc trẻ tự kỷ hay hạn chế phát triển về nhận thức… không phải là vấn đề để tranh cãi. Trẻ gặp khó khăn trong học tập cụ thể khó khăn học Toán hay ngôn ngữ cần được kiểm tra và đánh giá cụ thể chứ không thể qua loa hay đại khái. Phải chăng do căn bệnh thành tích mà nhà trường biết tình trạng của em học sinh này nhưng vẫn cho cháu ngồi cùng lớp với bạn bè cùng tuổi?”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đặt vấn đề.

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

Không thể dồn hết gánh nặng lên vai cô giáo chủ nhiệm

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng chia sẻ: Giáo dục không nên chạy theo phổ cập, thấy trẻ chậm nhận thức xếp vào trẻ khuyết tật rồi yên tâm là không được. Nhà trường phải là người đồng hành, các thầy cô trực tiếp dạy các em cũng phải tìm tòi và được huấn luyện về phương pháp giảng dạy.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng chỉ ra một điểm yếu ở giáo dục đối với trẻ chậm nhận thức, đó là các thầy cô mới dừng lại ở mức “chịu đựng”.

Việc dạy học trẻ chậm nhận thức, trẻ tự kỷ cũng không thể để cho cô giáo chủ nhiệm phải gánh vác một mình, ban giám hiệu nhà trường cũng phải thường xuyên quan tâm, hằng năm phải có các hội đồng để đánh giá sự tiến bộ của em đó. Đặc biệt, phải để các bạn học trong lớp dùng tình yêu thương, quan tâm, giúp đỡ cho em học sinh chậm nhận thức hoặc tự kỷ.

“Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần xem xét mức độ của học sinh chậm nhận thức hoặc tự kỷ để có thời gian cho các em hòa nhập chứ không phải cứ xếp em vào học sinh khuyết tật và cho ngồi lớp cùng học cùng chơi. Có những em phải dạy học riêng và chỉ cho vui chơi cùng bạn bè”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Thảo Phượng

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.