Học chữ trước khi vào lớp 1: Lợi bất cập hại

00:28 | 28/07/2012

2,637 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời gian gần đây, một số phương tiện truyền thông đưa tin về việc nhiều trẻ vào học lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết thì bị giáo viên quy kết “oan” là có dấu hiệu “tâm thần”, “chậm phát triển trí tuệ” yêu cầu phụ huynh phải cho trẻ đi khám tâm lý và đem giấy chứng nhận của bệnh viện nộp cho trường để không ảnh hưởng đến thành tích của trường. Điều này làm không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Từng bị kết luận tâm thần “oan”

Trao đổi với phóng viên về thông tin trên, bác sĩ Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Việc một số trẻ học lớp 1 đến khám để lấy chứng nhận tâm lý ở bệnh viện là có và thông thường do trong quá trình học, thầy cô giáo phát hiện trẻ chậm hơn so với các bạn nên đề nghị phụ huynh đưa trẻ đi khám tâm lý. Tuy nhiên, tôi không nghĩ có tiêu cực gì trong việc này, vì nếu trẻ hoàn toàn bình thường thì chắc chắn cơ quan y tế cũng sẽ chứng nhận là trẻ bình thường. Giáo viên thì không thể can thiệp gì đến chứng nhận của bác sĩ”.

Mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận kiểm tra để chứng nhận tâm lý cho khoảng 20 trẻ ở độ tuổi lớp 1. Những trường hợp trẻ đến khám thường là do cha mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu bất ổn về tâm lý từ trước khi đi học hoặc khi trẻ đi học mà trong quá trình giảng dạy cô giáo quan sát thấy trẻ có “vấn đề” nên trao đổi với phụ huynh để đưa trẻ đi khám tâm lý. Thông thường những trường hợp trẻ đến khám do nhà trường đề nghị thì hầu hết đều đúng bệnh.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM

 

Để đưa ra chứng nhận tâm lý cho trẻ, các bác sĩ phải kiểm tra rất cẩn thận cho trẻ trong vòng khoảng 45 phút ở rất nhiều tiêu chí: tiếp xúc, nhận thức, vận động... nếu cần thiết đo cả điện não đồ. Do đó, chắc chắn không xảy ra trường hợp chứng nhận “oan” cho trẻ, không ai chứng nhận “bất thường” cho một trẻ “bình thường”.

Việc đưa trẻ đi khám tâm lý chủ yếu nhằm mục đích giúp trẻ tìm được môi trường học tập phù hợp với mình. Nếu trẻ hoàn toàn bình thường thì tiếp tục cho trẻ học ở các lớp hòa nhập, còn nếu trẻ có bất thường tâm lý thì các bậc phụ huynh cũng biết để đưa trẻ đến học ở các trường chuyên biệt, có cách giảng dạy riêng và môi trường học tập phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Theo ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM, trước thông tin trên, Sở đã tiến hành đi thanh tra nhưng hoàn toàn không phát hiện được trường hợp nào sai phạm. Thực tế, đây là thời gian trẻ đang nghỉ hè, các trường không dạy nên không có chuyện cô giáo yêu cầu trẻ đi khám để lấy giấy chứng nhận tâm lý với lý do trẻ không biết đọc, biết viết trước khi vào học lớp 1 như một số báo đã đưa tin. Nếu các bậc phụ huynh hoặc người dân phát hiện được bất kỳ trường hợp cụ thể nào thì báo về Sở GD&ĐT thành phố. Sở sẽ kiểm tra ngay và xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, việc đánh giá thi đua giáo viên từ lâu nay đã không còn dựa vào tỉ lệ học sinh khá, giỏi. Ở lớp 1 yêu cầu đối với giáo viên vẫn là chăm sóc không để trẻ bị tai nạn, trẻ khỏe mạnh, biết giữ gìn vệ sinh và trẻ được dạy học đúng cách. Do đó, sẽ không xảy ra tình trạng giáo viên đề nghị đưa trẻ đi khám tâm lý vì thành tích của mình.

Đừng làm khổ con trẻ

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến khi trẻ vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ nhưng hiện nay tình trạng cho trẻ đi học chữ ngay từ mầm non rất phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhiều bậc phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1 vì sợ con đi học sẽ không theo kịp bạn bè.

Tuy nhiên, ngành giáo dục khuyến cáo, không nên bắt trẻ ở lứa tuổi mầm non phải học chữ vì như vậy là bắt trẻ học không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Điều đó có hại nhiều hơn có lợi cho trẻ. Những trẻ khi bước vào lớp 1 mà đã được dạy trước chương trình thì vào học trẻ sẽ lặp lại những cái đã học rồi, tạo cho trẻ sự nhàm chán, không tập trung vào bài giảng. Đồng thời, để trẻ học theo kiểu lặp lại thì dễ hình thành tính thụ động, lười tư duy, không có sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách học. Những trẻ này cũng dễ lúng túng, mất tự tin khi học những chương trình mới mà trẻ không biết từ trước. Ngoài ra, nhiều em biết viết từ trước nhưng cầm bút, ngồi viết không đúng tư thế, viết sai chiều rộng, chiều cao của chữ… những trường hợp này giáo viên rất khó sửa vì đã hình thành như một thói quen ở các em. Về sức khỏe, trẻ dưới 6 tuổi cơ của trẻ còn yếu, bắt trẻ tập trung học, tập viết vào lúc này trẻ sẽ rất mệt mỏi, mất hứng thú trong học tập.

Ông Lê Ngọc Điệp cho biết: Bắt trẻ học sớm, tạo áp lực cho trẻ là vô tình làm mất đi tuổi thơ tươi đẹp của các em. Việc học là việc kéo dài trong một đời người. Hiện nay, ít nhất một trẻ cũng phải học 12 năm phổ thông, nếu học đại học là 16 năm, học lên tiến sĩ mất 20 năm… Do đó, chúng ta phải cho trẻ khởi động một cách chín chắn, chứ không phải khởi động nhanh mà không đúng cách.

Chương trình lớp 1 hiện nay được thiết kế cho bé chưa biết gì, là sự bắt đầu mới mẻ hoàn toàn. Nhiệm vụ của giáo viên là dạy cho các em cách phát âm, đánh vần những từ đơn giản, dạy các em cầm bút, ngồi viết đúng tư thế, đặt bút viết các nét cơ bản để tạo thành các con chữ. Vấn đề không chỉ là học mà quan trọng hơn là học đúng cách.

Để hạn chế tình trạng phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1, bên cạnh việc tuyên truyền cho các bậc phụ huynh việc cho trẻ học trước là điều không cần thiết, ngành giáo dục cũng yêu cầu những giáo viên dạy lớp 1 dạy theo đúng chương trình quy định, không được cắt xén, lướt qua các bài học, để giúp các bé chưa biết có thể dễ dàng tiếp thu được bài giảng.

Mai Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc