Họa sĩ Lê Huy Hòa: Người muôn năm cũ

17:10 | 27/07/2012

2,481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cái tên họa sĩ Lê Huy Hòa dường như đang bị phủ mờ trong lớp bụi của thời gian. Nhưng ở đâu đó, trong các gallery hay trong câu chuyện của những người bạn cùng thời vẫn nhắc đến ông với một niềm ngưỡng vọng sâu sắc.
Họa sĩ Lê Huy Hòa

Ông là học trò xuất sắc của lớp Mỹ thuật kháng chiến được mở ở Việt Bắc do chính họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Dấn thân trong mưa bom bão đạn, ông đã để lại những tác phẩm đẹp, thể hiện những khúc bi tráng về chiến tranh. Tranh của Lê Huy Hòa đã kết hợp nhuần nhuyễn vẻ đẹp truyền thống của phương Đông với tư duy hiện đại của phương Tây, mang đến một sắc màu mới cho hội họa Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, họa sĩ Lê Huy Hòa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 3 vì những đóng góp của ông cho hội họa Việt Nam. 

1. Họa sĩ Lê Huy Hòa sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Mảnh đất cách mạng đã hun đúc lên chí khí và tài năng của ông. Lê Huy Hòa tham gia thiếu sinh quân từ những ngày Toàn quốc Kháng chiến. Lúc đó ông chỉ mới 13 tuổi. Ông có 2 người em ruột cùng nghề, họa sĩ - nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang và họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh.

Ông thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo dưới chính quyền cách mạng, được chính họa sĩ Tô Ngọc Vân, cùng với các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Trang Chước, Trần Văn Cẩn… giảng dạy.  Đó là một thế hệ vàng của hội họa Việt Nam, những Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân, Lê Lam, Lưu Công Nhân, Mai Long... Một thế hệ dấn thân trong mưa bom bão đạn. Một thế hệ của những họa sĩ vừa là chiến sĩ đã không tiếc máu xương dấn thân vào cuộc chiến. Họ, bằng hội họa đã phản ảnh cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, thể hiện khát vọng về một đất nước hòa bình, yên ấm. Họ đã sống và vẽ về một thời như thế. Thế nhưng, cái tên họa sĩ Lê Huy Hòa gần như bị lãng quên một thời gian rất dài. Vì ngay từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã thể hiện một lối đi riêng, một tư tưởng phá cách, không lẫn vào ai. Từ những thời đó, Lê Huy Hòa đã vẽ tranh nude. Và sự nghiệp của ông gần như bị đóng khung lại cùng với cái án nặng nề.

Nhưng tranh của ông vẫn được giới nghiên cứu đánh giá cao, các nhà sưu tập tìm đến. Và những giá trị đích thực sẽ được sàng lọc qua thời gian. Những gì chân giá trị sẽ còn lại. Tranh của Lê Huy Hòa đã ghi một dấu mốc trong lịch sử hội họa Việt Nam. Và cuối cùng, danh dự người nghệ sĩ của ông đã được trả lại…

2. Trở về từ cuộc chiến, Lê Huy Hòa mang trong mình những vết thương. Không phải những vết thương thể chất do mưa bom bão đạn mà những vết thương tinh thần buồn đau. Vợ chồng ông chia tay. Lê Huy Hòa chọn cách sống một mình. Có phải vì ông chọn, cuộc đời mình sẽ phụng sự cho cái đẹp và sự sáng tạo chăng. Ông sống trên tầng 2 của khu nhà tập thể trên đường Hoàng Hoa Thám.  Căn gác có thể nhìn ra con đường toàn cây cổ thụ dài hun hút và buồn. Lê Huy Hòa ở đó, gần như chỉ một mình. Cô độc. Một căn buồng chiều rộng không quá 5m, cao không quá 4m, trừ hai cửa lớn ra vào và một cửa sổ rộng, cả bốn bức tường đều treo tranh. Những bức tranh khổ lớn, thật đẹp làm cho căn phòng sang trọng hẳn lên. Xóa đi cái không khí oi bức và ngột ngạt của căn nhà này.

Bức tranh Bài ca Ngã ba Đồng Lộc II

“Hồi đó, tôi thấy ông sống khổ lắm, thiếu thốn đủ bề. Nhà không có gì ngoài đồ vẽ. Tôi thường xuyên đến căn gác nhỏ vẫn thấy ông sống một mình… Tôi nhớ nhà ông có trồng một chậu cây chữa ho. Có lần tôi bị ho, ông đã hái mang xuống tận nhà cho tôi dùng. Với bạn bè, Lê Huy Hòa sống chân tình và ấm áp như vậy đấy. Nhưng ở ông, có gì đó cô độc, một nỗi buồn không ai chạm tới được”. Giáo sư Hà Văn Cầu, một người bạn thân thiết của họa sĩ Lê Huy Hòa kể lại.

Trong những giây phút buồn bã, cô độc của cuộc đời, họa sĩ Lê Huy Hòa vẽ. Và chỉ vẽ. Ông ẩn mình trong những gam màu, trong sự quẫy đạp của màu sắc để làm nên một Lê Huy Hòa đầy cá tính, thể hiện một cuộc hôn phối rất nhuần nhuyễn giữa phương Đông và phương Tây, giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Giáo sư Hà Văn Cầu là người mê tranh và ngưỡng vọng tài năng của Lê Huy Hòa, ông nói: “Nghệ thuật của Lê Huy Hòa là nghệ thuật của tư tưởng, vượt ra ngoài cuộc sống đời thường”.

“Chất dân tộc trong tranh của ông thật đậm đà. Bút pháp và chất liệu đối với ông không quan trọng. Trong tranh của ông không có thời gian, nhiều lúc cũng không có cả không gian, mặc dầu hình khối, màu sắc trong tranh của ông luôn cựa quậy rất nhiều. Ông đã nhào nặn lại tài liệu cuộc sống làm nên tiếng nói.

Rõ ràng, ý nghĩa khái quát trong từng bức tranh của ông mới là điều đáng nói. Những yêu cầu về không gian và chiều sâu, những độ đậm nhạt của các mảng màu thật xa lạ với truyền thống Việt Nam, cái đó ông vẫn tiếp nối. Nghệ thuật của Lê Huy Hòa không kể lại những câu chuyện có trong cuộc đời, mà làm cho người xem phải suy tưởng”.

Sinh thời, ông là một người chân tình và gần gũi, yêu quý bạn bè. Tuy nhiên, ông cũng không có nhiều bạn. Có một thời đoạn, Lê Huy Hòa ít giao du. Bạn bè, nhiều người cũng ngại bước chân vào nhà ông. Cuộc sống vốn dĩ lặng lẽ của ông càng thêm cô độc.

"Tính vật"

 Suốt cuộc đời, Lê Huy Hòa luôn băn khoăn một câu hỏi về lẽ tồn tại của mình giữa đất trời, vũ trụ: “Làm gì để tồn tại”, một câu hỏi mà cách đây 400 năm, nhà văn Shakespeare đã đặt vào miệng nhân vật của mình, “to be or not to be”- “tồn tại hay không tồn tại”. Lê Huy Hòa quan niệm: “Đừng sống như người say rượu, đừng chết như người ngủ mê”. Ông đã dấn thân đến tận cùng cho nghệ thuật, dẫu cuộc đời không ít những gập ghềnh, gian khó. Bởi Lê Huy Hòa đã tìm được lẽ sống của đời mình. Và ông tìm được lý do tồn tại của mình. Kể cả cái chết, cũng không thể chết một cách lãng xẹt. Con người, phải có trách nhiệm về cái chết của mình. Đó là Lê Huy Hòa.

Thế nên dẫu cuộc đời của ông có những khoảng lặng thật buồn, khi cái tên Lê Huy Hòa gần như bị lãng quên. Thì ông vẫn đắm chìm trong thế giới của mình, vẽ và chỉ vẽ. Vẽ để tồn tại và vẽ tranh như là một lẽ sống của đời mình. Bởi Lê Huy Hòa sinh ra chỉ để làm họa sĩ mà thôi. Những danh xưng, hay những bon chen của cuộc đời dường như không chạm tới được ông.

3. Ông là một nghệ sĩ sân khấu tuồng truyền thống, được thừa hưởng cách suy nghĩ ước lệ và tượng trưng. Và ông lại được học Mỹ thuật, tiếp thu những kiến thức và thủ pháp hiện đại. Và thế là, từ một chú bé mê vẽ, bằng gạch non và than củi, hoa, lá, cá theo truyền thống và những tàu bay, ôtô trong tưởng tượng, ông đã cầm cây bút vẽ bằng những chất liệu khác nhau.  Ở Lê Huy Hòa, chất dân gian và dân tộc không chỉ dừng lại ở việc mô phỏng lại người xưa. Mà ở ông, có sự kết hợp nhuần nhuyễn của truyền thống và hiện đại.

Chỉ có thể trưởng thành trên đất nước Việt Nam đau thương và anh dũng, ở những giai đoạn khốc liệt của lịch sử, của chiến tranh, của chuyển đổi từ xã hội phong kiến thấm đượm tư tưởng Khổng – Mạnh, sang một đất nước độc lập, tự do, vươn lên từ bùn đen của nô lệ, thì họa sĩ Lê Huy Hòa mới thực sự là ông.

Trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông (1996-2006), một triển lãm tranh Lê Huy Hòa đã trang trọng được tổ chức với bộ sưu tập của Phan Ngọc Mỹ. Bộ sưu tập khá dày dặn, nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong gia tài sáng tác của ông giờ đang nằm rải rác ở các bảo tàng, các nhà sưu tập. Nhưng ở đó, đã có gần như những tác phẩm lớn trong cuộc đời sáng tác của ông.

“Bài ca Ngã ba Đồng Lộc” một trong những bức tranh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước

Họa sĩ Lê Huy Hòa đi từ hiện thực đến phi hiện thực. Nếu như trong các tác phẩm “Thư Bác Hồ gửi Miền Nam”, “Kiều - Kim Trọng”, “Tố Nữ”, “Thiếu nữ Hà Nội”, “Phong cảnh miền núi” thiên về hiện thực thì các tác phẩm “Khát vọng”, “Tắm tất niên”, “Hồ Xuân Hương”, “Đánh đàn” lại khai thác yếu tố tạo hình của chủ nghĩa hiện đại như lập thể, siêu thực, trừu tượng, thể hiện được hiện thực tâm trạng, hiện thực của tâm tưởng. Đó là những giá trị làm nên Lê Huy Hòa. Đó là những bức tranh thể hiện tư tưởng siêu thoát, vượt ra ngoài hiện thực đời sống, thấm đẫm tinh thần, tư tưởng của người nghệ sĩ.

Với cụm tác phẩm mà họa sĩ Lê Huy Hòa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cũng được vẽ bằng thủ pháp đó. Bức tranh sơn dầu “Bài ca Ngã ba Đồng Lộc” đã kết tinh được những gì tài hoa nhất của họa sĩ này. Tác phẩm từng đoạt giải Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1990. “Bài ca về Ngã ba Đồng Lộc” không có sự hoành tráng của một bức tranh về đề tài chiến tranh cách mạng. Người xem không thể tìm được ở đó hiện thực khốc liệt bằng xương bằng thịt của một Ngã ba đã đi vào lịch sử. Mà bằng một hình thức tạo hình hiện đại, siêu thực, lập thể, đã định hình, định vị một phong cách Lê Huy Hòa trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

“Chất dân tộc trong tranh của Lê Huy Hòa đậm chất Thiền. Trong những bức tranh của ông tôi bắt gặp cái khoảng lặng, cái ưu tư, niềm mơ ước của sự siêu thoát, cũng là sự hài hòa không đạt tới được”.

Ở “Bài ca Ngã ba Đồng Lộc”, ông đã vẽ nên một vùng đất lửa trong chiến tranh chống Mỹ, cả một vùng đất, vùng người trước kia xanh tươi, vui ấm nay trở nên lạnh lẽo như một vùng đất chết. Chiến tranh thật khốc liệt và tàn bạo”. Giáo sư Hà Văn Cầu đã nhận xét về “Bài ca Ngã ba Đồng Lộc” như vậy.

Lê Huy Hòa của một mảng tranh rất ấn tượng, đó là những tác phẩm nude. Những bức tranh chuẩn mực về cái đẹp. “Chỉ qua mấy tác phẩm nude, cũng thấy được bản lĩnh hình họa của tác giả, bởi như nhiều người đã khẳng định - Hình là 3/4 tác phẩm. Cái đúng trong nghệ thuật, cụ thể đúng về hình, tức là đã mở đường cho cái đẹp trong tác phẩm. Cụ thể, 4 tác phẩm “Xiếc Việt Nam”, hình tượng nhân vật diễn viên được cách điệu tưởng như phi lý trên cơ sở cái đúng, đã tạo nên cái đẹp về hình… Đó chính là vẻ đẹp đích thực trong nghệ thuật”.

Giờ họa sĩ Lê Huy Hòa đang phiêu lãng trong thế giới của mình. Ông mất năm 1997. Nhưng ông vẫn hiện diện trong đời sống Mỹ thuật nước nhà bằng những tác phẩm. Bởi những bức tranh của ông đã gợi cho người xem phải suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại và về cả tương lai. Những bức tranh đều hàm chứa niềm hy vọng và thất vọng, những tin yêu và cả những buồn đau trước cuộc đời, thế sự.

Có lẽ  giờ này ông đã có thể ngậm cười nơi chín suối, bởi những gì ông đã đánh đổi cả cuộc đời mình cho nghệ thuật đã được ghi nhận. Dẫu với người nghệ sĩ thực thụ như ông thì giải thưởng hay những sự vinh danh chỉ là phù du mà thôi. Điều duy nhất còn lại là tác phẩm. Và họa sĩ Lê Huy Hòa đã có được điều đó.

Người phụ nữ lặng lẽ phía sau họa sĩ Lê Huy Hòa

Họa sĩ Lê Huy Hòa có những nỗi buồn riêng trong cuộc sống,  những năm tháng cuối đời, căn bệnh tim khiến ông ngã quỵ. Nhưng trong những khoảng thời gian cô đơn và bệnh tật của ông, luôn có một người phụ nữ, lặng lẽ, tự nguyện đến chăm sóc ông. Bà cảm thương cho thân phận ông cô độc, cảm tài của một con người tài hoa nhưng chịu nhiều thiệt thòi. Và cứ thế, không danh phận, không tiền bạc, người phụ nữ ấy đã làm bổn phận của một người vợ, mang đến cho cuộc đời của họa sĩ Lê Huy Hòa những tháng ngày ấm áp, bình yên. Bà là Trần Bạch Liên, một người phụ nữ bình thường, giản dị. Bà đến với ông, không phải vì ông là người nổi tiếng, mà vì tình yêu và sự thương cảm. Sau khi họa sĩ Lê Huy Hòa mất, bà trở lại căn nhà nhỏ của mình, sống cùng với con gái và vẫn không nguôi thương nhớ về ông.


Thái Linh

(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 27/7/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 sẽ có nhiều điểm mới hấp dẫn

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 sẽ có nhiều điểm mới hấp dẫn

(PetroTimes) - Ngày 16/4, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) đã tổ chức buổi thông tin về Chương trình Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps