Hoa lan - thú chơi kiếm bạc triệu

22:02 | 28/05/2017

5,300 lượt xem
|
Cuối tuần, anh bạn rủ tôi cà phê và rót những lời “mật ngọt” về lan với tôi. Thế rồi tôi bắt đầu thích trồng lan và chơi lan.

Không chỉ vì nghe anh “thuyết trình” về lan quá hay và cũng bởi vì tôi cũng thấy loài hoa này thật đặc biệt. Nó như cô gái đẹp cả tâm hồn lẫn hình thể, vừa thùy mị đoan trang nhưng cũng lả lơi, đỏng đảnh khiến chàng trai nào đã trót “vướng” vào cũng mê say đắm đuối.

Nhiều hôm tôi rong ruổi theo anh đến tham gia các buổi giới thiệu lan, đến các buổi offline của những người mê lan rồi đến các buổi chợ phiên về lan ở Hà Đông. Từ 5 giờ, những chiếc xe máy, ôtô tải chở hoa, cây cảnh đã xuất hiện trên những nẻo đường hướng về khu vực Hà Đông, rồi đổ về chợ cây cảnh Hà Đông ở cuối làng lụa Vạn Phúc. Chợ cây Hà Đông họp vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25, 30 (âm lịch) và các ngày cuối tuần. Chợ được phân làm 3 khu khá rõ ràng. Khu vực bán hoa lan lúc nào khách tham quan và mua sắm cũng đông nườm nượp. Những loài lan rừng được những người thu mua lan ở khắp cả nước bày bán tràn ngập cả lối đi. Người tham quan như đi lạc trong cả một rừng lan với đủ sắc màu và mùi hương hòa quyện.

hoa lan thu choi kiem bac trieu
Nhiều người mua lan về ươm trồng sau một thời gian ngắn đã có nguồn thu lớn

Ông Nguyễn Hoài Sơn, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông có một mảnh đất rộng khoảng 100m2 chỉ dành trồng lan. Ông chia sẻ: “Trồng lan coi vậy chứ cũng bận rộn suốt ngày, hết chăm bón phân lại tưới tắm, xịt thuốc. Nhưng bù lại được nhìn những bông hoa khoe sắc là tôi thấy khỏe lại liền. Ngày nào không ra vườn là trong người lại bứt rứt không yên. Tôi gần như không bỏ phiên chợ hoa lan nào ở chợ cây Hà Đông. Gặp loài hoa nào quý mà vườn chưa có thì tôi mua, còn không thì đi ngắm hoa. Bao nhiêu năm nay nó trở thành thói quen không thể bỏ”.

Ông Sơn thổ lộ: “Tôi quê ở Nam Định, đã chuyển đến định cư ở Hà Đông được 5 năm. Trước ở quê tôi cũng có một vườn lan. Hàng chục năm kiên trì chăm bón và sưu tầm, đến lúc rời đi vườn lan của tôi đã bán được gần 300 triệu. Đến nơi ở mới tôi lại tiếp tục theo đuổi sở thích, đam mê tuổi già. Phải chứng kiến từng ngày những nhành lan bám rễ, lớn lên rồi bung nở những bông hoa muôn hình vạn sắc cùng hương thơm dịu nhẹ mà vô cùng quyến rũ thì mới thực sự cảm nhận được hết sự tuyệt vời của loài hoa này”.

Anh Nguyễn Hữu Long, chủ một cửa hàng lan ở chợ cây Hà Đông vui vẻ cho biết: “Vườn lan của tôi có khoảng 700 loại lan với những lan quý như mokara, denzo, ngọc điểm… Ngoài những loại lan rừng thì còn có các loại lan được nhập từ Thái Lan về, mỗi chậu có giá từ 7.000-9.000 đồng. Nếu được chăm sóc tốt khoảng 10 tháng sau cây trưởng thành và có giá từ 30-45.000 đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí mỗi năm tôi có lãi hàng trăm triệu đồng”.

hoa lan thu choi kiem bac trieu

Ngoài chợ lan ở Hà Đông thì bao nhiêu năm nay, người chơi lan ở Hà Nội cũng quá quen thuộc với chợ lan ở Hoàng Hoa Thám. Những ngày cuối tuần ở đây thường xuyên tắc đường. Anh bạn tôi đi từ sáng sớm, đến gửi xe xong thì rảo chân tản bộ để ngắm lan cho được kỹ. “Ở các chợ này, hoa lan chủ yếu bán cho người mới chơi và chơi ở mức trung bình. Còn những người sành lan họ không ra chợ nữa mà trực tiếp trèo đèo lội suối, cơm đùm cơm vắt đi “săn” lan quý” - anh bạn vừa đi vừa nói chuyện.

Rồi bạn tôi chỉ vào một người đàn ông đang ôm một bó lan trên tay và bảo: “Anh này chắc là nhà có vườn lan. Mua những loại lan dễ trồng như nghinh xuân, long tu, hồ điệp… về chịu khó chăm bón một thời gian, khi cây bám rễ là có thể mang đi bán. Mỗi giò lan lúc đấy có thể bán giá gấp 4-5 lần”.

“Lan mỗi mùa mỗi khác. Địa lan thường nở vào mùa xuân với các loài bạch cập, mạc lan, tố tâm, hoàng vũ, ánh kim, hạc đỉnh, loan điểm… màu sắc rực rỡ, hương thơm thanh thoát. Còn phong lan lại khác. Mùa hè có bạch ngọc, đại kiều, tiểu kiều. Còn hoàng vũ, trần mộng, mặc lan lại nở vào mùa xuân. Nhưng người chơi lan ngại nhất là những cơn gió nồm cuối năm âm lịch, hơi gió ấm có thể làm nở bung những giò lan quý mà người chơi đã cất công chăm sóc bấy lâu” - bạn tôi lại say mê giảng giải.

Cả buổi sáng đi cùng anh bạn tôi ngộ ra rằng, anh nói về lan như thể tình yêu bấy lâu nay bị kìm nén mà chưa biết thổ lộ cùng ai. Tôi lại nhớ đến lời trách cứ dỗi hờn nhưng cũng đầy yêu thương, đồng cảm của vợ anh hôm tôi đến chơi nhà: “Anh ấy dậy lúc vợ con chưa dậy và đi ngủ khi vợ con đã say giấc từ lâu. Đi làm về đến nhà là lao ngay ra ban công tưới lan, ngắm nghía, vuốt ve từng chiếc lá, bông hoa. Ăn cơm xong cũng ra ngay với lan, hết bón phân, phun thuốc đến tạo dáng, tạo thế. Nhiều lúc mình tỉnh dậy, nửa đêm vẫn thấy chồng loay hoay ở ban công vừa ngồi ngắm lan vừa nghe những clip thuyết trình về lan… Anh ấy càng ngày càng yêu em lan say đắm, quên luôn cả vợ con”.

Người “say” lan như anh bây giờ không hiếm. Chỉ cần vào các trang mạng xã hội thì có thể thấy vô số những hội nhóm của những người chơi lan. Xưa kia, để khai thác và trồng được một giò phong lan đẹp không phải ai muốn là được. Vận chuyển, lưu thông khó khăn do đường sá chưa phát triển, vì thế, giá phong lan rất đắt, chỉ người có nhiều tiền mới dám chơi. Đúng với câu “vua chơi lan, quan chơi trà”. Nhưng ngày nay mọi thứ dễ dàng hơn vì thế mà người chơi lan cũng đông lên rất nhiều. Và chính vì nhu cầu ngày càng đông mà lượng lan rừng tiêu thụ ngày càng nhiều.

Đứng nhìn những dãy hàng bán những cây lan rừng mới được bóc từ những thân cây mà tự nhiên thấy chạnh lòng nghĩ: “Nếu cứ khai thác theo kiểu tận diệt thế này thì liệu những loài lan rừng - quà tặng của thiên nhiên sẽ còn bao nhiêu nữa. Rồi những loại cây vốn được mệnh danh là “đệ nhất hoa” sẽ dần biến mất và với cách khai thác chặt cây để hái lan một cách vô ý thức của con người thì những cánh rừng tự nhiên trong thời gian không xa cũng sẽ dần bị thu hẹp. Đã đến lúc các cơ quan chức năng ở các địa phương cần có những giải pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ những loài lan quý hiếm. Và những người chơi lan, “mê” lan cũng cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn gốc, bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của loài “đệ nhất hoa” này.

Minh Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc