Bán đảo Triều Tiên

Hòa bình trong tầm với

09:00 | 14/03/2018

1,762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hàng chục năm căng thẳng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc thông báo lãnh đạo Bình Nhưỡng đề nghị đàm phán với Seoul và Washington. Các nỗ lực trước đây thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nhiều lần thất bại nhưng lần này là một ngoại lệ.

Triều Tiên chủ động muốn đàm phán

Trong 13 năm qua, Triều Tiên không chấp nhận đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân của nước này. Washington và Bình Nhưỡng đã từng ký hai thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào năm 1994 và 2005. Cả hai đều thất bại và mỗi bên đổ trách nhiệm cho nhau. Nhưng vào giữa tuần này, thông qua đặc phái viên của Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Mỹ để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước này và hứa sẽ tạm ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong thời gian tiến hành đàm phán. Mặc dù chưa biết cụ thể việc đàm phán sẽ ra sao nhưng việc Triều Tiên thỏa thuận đàm phán với Mỹ đã là một bước đột phá ngoại giao.

hoa binh trong tam voi
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp phái đoàn Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 6-3

Thiện chí tốt của Bình Nhưỡng được cả thế giới chào đón, mặc dù vẫn còn chút dè dặt. Ngày 6-3, tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đáp ứng một cách dè dặt: “Điều này tốt cho thế giới, cho Triều Tiên, cho bán đảo Triều Tiên, nhưng sẽ phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra”. Phó tổng thống Mike Pence nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ duy trì áp lực của các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng áp dụng những biện pháp có ý nghĩa để đình chỉ chương trình hạt nhân của họ.

Trước khi thể hiện thiện chí tốt với Mỹ, Triều Tiên đã có một bước đi rất thân thiện với Hàn Quốc. Trong hai ngày 5 và 6-3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gửi một phái đoàn sang Bình Nhưỡng với hai đại diện cao cấp là cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong và lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Suh Hoon. Mục đích chính của phái đoàn Hàn Quốc tại Triều Tiên lần này là nhằm cải thiện quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng và nhất là thuyết phục lãnh đạo Kim Jong Un đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Về kết quả cuộc gặp trên, hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết: “Sau khi nghe đặc sứ Hàn Quốc trình bày ý định của Tổng thống Moon Jae In về họp thượng đỉnh, lãnh đạo Kim Jong Un đã trao đổi ý kiến với họ và đã đồng ý với đề nghị đó”. Cụ thể, cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều sẽ diễn ra vào cuối tháng 4-2018 tại Bàn Môn Điếm, nằm trong khu phi quân sự giữa hai miền. Trước khi họp thượng đỉnh, lãnh đạo hai nước sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Theo lời ông Chung, Bình Nhưỡng đã hứa sẽ tạm ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian đối thoại Liên Triều. Ông nói thêm là Triều Tiên đã bày tỏ quyết tâm sẽ phi hạt nhân hóa, đàm phán với Mỹ với điều kiện là an ninh của Triều Tiên được bảo đảm. Hãng tin Yonhap, cho biết hôm 8-3, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong, lên đường sang Washington gặp các quan chức cao cấp Mỹ, trong đó có cố vấn an ninh Mỹ H.R.McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson, để thông báo về đề nghị đàm phán của Triều Tiên.

Trở ngại nào?

Theo tờ Le Monde (Pháp), sự sáp lại Hàn Quốc của Triều Tiên là do lo ngại trước những lời tuyên bố bốc lửa của Tổng thống Mỹ. Tin Lầu Năm Góc chuẩn bị kế hoạch tấn công có thể là chiến tranh cân não, nhưng Tổng thống Trump dường như chấp nhận rủi ro.

Lại có ý kiến cho rằng, Bình Nhưỡng muốn làm hòa với Seoul để chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ. Cho dù Washington và Seoul luôn tuyên bố “đoàn kết và hợp tác chiến lược”, nhưng quan hệ giữa Donald Trump và Moon Jae In khá lạnh nhạt. Hàn Quốc biết rõ Bình Nhưỡng mời gọi đối thoại không có nghĩa là sẽ chấp nhận nhượng bộ trên hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, đối với Seoul, nếu đối thoại diễn ra thì Triều Tiên có cơ hội dẹp bỏ những vụ thử vũ khí và Mỹ sẽ hạ nhiệt. Cả hai miền Nam Bắc đều muốn “đẩy ra xa” mối đe dọa tấn công của Washington nhưng vì an ninh quốc gia, Hàn Quốc lại không thể hy sinh quan hệ đồng minh với Mỹ.

Hàn Quốc đón nhận các đề nghị của Triều Tiên một cách thận trọng. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố: “Chúng ta mới chỉ ở điểm xuất phát”. Về khả năng Mỹ có chấp nhận đàm phán với Triều Tiên hay không thì theo phân tích của AFP, đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng có thể làm cho sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ thêm sâu sắc, giữa một bên là cố vấn an ninh quốc gia, H. R. McMaster, chủ trương đường lối cứng rắn và bên kia là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, James Mattis, ủng hộ chính sách ôn hòa hơn.

Mặt khác, nếu cứ cho là đề nghị của Triều Tiên là nghiêm túc, thì vào lúc này, Mỹ cũng khó có thể tiến hành các cuộc thương lượng trực tiếp, bởi vì hiện nay, Mỹ không có đặc sứ chuyên trách về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, rồi sự thiếu vắng chuyên gia tại Bộ Ngoại giao. Theo các quan chức Mỹ, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, thì gần như không thể lựa chọn giải pháp quân sự. Mọi cuộc tấn công nhắm vào Triều Tiên đòi hỏi một sức mạnh quân sự có quy mô lớn và chắc chắn ngay lập tức, đe dọa sinh mệnh của khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và hàng triệu thường dân Hàn Quốc trước sự trả đũa của Bình Nhưỡng. Do vậy, ngoại giao dường như là cách chọn lựa tốt nhất. Giờ đây, các quyết định của ông Donald Trump, đã được đặt trên bàn của Nhà Trắng, buộc Mỹ phải hành động để thoát ra khỏi những năm tháng bế tắc kéo dài trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đầy gai góc này.

Juliette Morillot, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, phân tích: “Triều Tiên tìm kiếm trước hết là sự ổn định của đất nước và hai miền nam bắc đều muốn nắm vận mệnh đất nước trong tay. Bình Nhưỡng luôn yêu cầu đối thoại trực tiếp với Seoul cũng như với Washington. Dĩ nhiên là phải có điều kiện. Đó là những bảo đảm về an ninh quốc phòng. Rất có thể Triều Tiên sẽ đòi hỏi như đã nhiều lần đề nghị trong quá khứ. Trước hết là một hiệp định bất tương xâm. Thứ hai là một hiệp ước hòa bình. Với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là tấm bùa hộ mệnh. Do vậy, chỉ khi nào Bình Nhưỡng thực sự yên tâm thì họ sẽ từ bỏ hạt nhân”.

S.Phương