Hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên nghiêm trọng

10:44 | 08/08/2017

1,548 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tình trạng nóng và ẩm cực độ vào mùa hè gây ra bởi sự nóng dần lên của khí hậu Trái đất đang có nguy cơ biến khu vực Nam Á trở thành vùng đất mà con người không thể sinh sống vào cuối thế kỷ 21 - một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances kết luận.  
khu vuc nam a se tro thanh vung dat chet vao nam 2100
Người dân Ấn Độ tránh cái nắng oi bức

Trong năm 2015, Ấn Độ và Pakistan đã phải chịu tổng cộng 5 đợt nắng nóng kỷ lục, làm khoảng 3.500 người chết.

Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng khí hậu bị hâm nóng cùng với độ ẩm cao là một mối đe dọa thực sự với con người. Cái nóng ẩm của Nam Á còn nguy hại hơn cái nắng khô ở những vùng sa mạc châu Phi vì thời tiết nóng ẩm ức chế cơ chế điều hòa nhiệt độ trong cơ thể con người thông qua tuyến mồ hôi.

"Những đợt nắng nóng chết người thậm chí có thể xảy ra trong một vài thập kỷ tới ở một số vùng của Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, kể cả trong các lưu vực màu mỡ của sông Indus và Ganges, khu vực sản xuất nông nghiệp lớn”, các nhà khoa học cảnh báo.

Tình trạng này chỉ được giải quyết khi chúng ta giảm được lượng khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng dần lên, nghiên cứu kết luận.

"Chúng tôi hy vọng sẽ có thể ngăn chặn được những dự báo về các đợt nắng nóng chết người trở thành hiện thực ở Nam Á bằng cách giảm đủ lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây không phải là một kịch bản không thể tránh được", Elfatih Eltahir, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Massachusetts Institute of Technology (MIT), một trong những tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Khu vực Nam Á có khoảng 1/5 dân số của thế giới sinh sống. Nếu tình trạng nóng ẩm cực độ ngày càng phổ biến sẽ khiến người dân ở đây di cư sang nơi khác. Khả năng di cư ồ ạt sẽ là một thảm họa nhân đạo với loài người.

Trong khi đó, báo cáo công bố ngày 14/7/2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện nghiên cứu Potsdam PIK, cảnh báo biến đổi khí hậu đang đe dọa ổn định và thịnh vượng kinh tế trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tượng Trái đất bị hâm nóng dẫn tới thiên tai, từ bão lụt đến hạn hán và nhất là đe dọa cả các rạn san hô trong khu vực. Vẫn theo báo cáo nói trên, châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực có mức độ "rủi ro cao". Báo cáo kêu gọi các quốc gia trong vùng, đẩy mạnh đầu tư, chống biến đổi khí hậu và mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuận môi trường Paris 2015.

Báo cáo của ADB và Viện nghiên cứu Potsdam cho biết thêm, nhiệt độ đang tăng thêm 8 độ C tại Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và khu vực đông bắc Trung Quốc. Hậu quả còn tai hại hơn nữa nếu cộng đồng quốc tế thụ động trước vấn đề này.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tới 2/3 dân cư địa cầu cư ngụ và 9 trong số 15 nước trong vùng bị xem là những nơi bị hiện tượng Trái đất đang nóng lên đe dọa.

Không chỉ riêng ở châu Á, ngày 5/8/2017, cả khu vực Nam Âu đã hứng chịu một đợt nắng nóng khủng khiếp, làm nhiều người chết. Tổn thất nông nghiệp ước tính lên đến hàng triệu euro. Theo các nhà khoa học, đây là điềm báo cho hiện tượng khí hậu ấm dần mà châu Âu sẽ phải hứng chịu trong nhiều thập niên tới.

Nh.Thạch

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc