Hiệu quả nhỏ - lãng phí lớn

07:04 | 10/08/2015

8,512 lượt xem
|
Dự án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia lớn nhất nước ta đang là nỗi băn khoăn của dư luận.

Đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng bảo tàng lớn nhất Việt Nam

Đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng bảo tàng lớn nhất Việt Nam

(Petrotimes) - Bộ Xây dựng vừa có tờ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng mức đầu tư là 11.277 tỷ đồng.

Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã có tờ trình thẩm định dự án này với mức đầu tư lên đến 11.277 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày). Nghĩa là mới tính phần “vỏ” của bảo tàng.

Đến năm 2006, Chính phủ phê duyệt đề án. Nguồn vốn đầu tư cho công trình được xác định là vốn ngân sách nhà nước cùng với sự huy động từ nhiều nguồn vốn hợp pháp khác, tại ô đất số 7, khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha.

Hiệu quả nhỏ - lãng phí lớn
Bảo tàng Hà Nội

Theo dự kiến, công trình triển khai từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2016; tổ chức nghiệm thu và bàn giao sử dụng từ tháng 7-2016. Nhưng 9 năm qua, dự án xây dựng này tưởng như đã rơi vào quên lãng thì vừa qua, Bộ Xây dựng cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lại được giao lập kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tuy nhiên, dư luận xã hội rất quan tâm bởi mức vốn đầu tư cho dự án quá lớn. Khoản tiền hơn 11 nghìn tỉ đồng đó có thể xây dựng được khá nhiều công trình phúc lợi xã hội khác như cầu đường, nhà trường, bệnh viện. Thực tế nhỡn tiền là ở nước ta, địa phương nào cũng có bảo tàng và ở các thành phố thì lại càng nhiều bảo tàng. Hầu hết bảo tàng rất ít khách đến thăm, thỉnh thoảng mới có một số người nước ngoài tạt qua hoặc học sinh, sinh viên tham quan do nhà trường tổ chức.

Chẳng hạn như Hà Nội có đến mấy chục bảo tàng các loại, xây dựng tốn kém không biết bao nhiêu tiền của mà hiệu quả hoạt động quá thấp. Chỉ có Bảo tàng Lịch sử Quân sự là thu hút được lượng khách đông nhất và có khách quanh năm. Nhưng tới đây, khi bảo tàng này chuyển ra ngoại thành thì chắc chắn lượng khách cũng kém.

Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long rất hoành tráng, “ngốn” hơn 2.300 tỉ đồng nhưng suốt 5 năm qua có mấy ai vào tham quan, cứ để đó rồi chẳng mấy chốc lại mất tiền tu sửa. Nhiều ý kiến người dân cho rằng, thời buổi kinh tế khó khăn, bội chi ngân sách, nợ công tăng, nhu cầu đầu tư cho các công trình dân sinh cấp thiết đang thiếu vốn. Nếu cứ đầu tư cho những công trình quy mô như vậy thì đất nước sẽ càng thêm khó khăn.

Đành rằng, chúng ta có một pho lịch sử oai hùng thì cần có một bảo tàng lịch sử hiện đại xứng tầm với lịch sử dân tộc. Nhưng hiện tại chưa có tiền thì lại phải đi vay? Bài học năm ngoái về việc đăng cai tổ chức ASIAD, chúng ta đã kịp thời dừng lại để đảm bảo lợi ích lâu dài cho đất nước. Điều đó được toàn dân ủng hộ. Vậy với việc xây bảo tàng lớn này càng phải cân nhắc kỹ.

Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, TS Nguyễn Nhã cho rằng, bên cạnh kinh phí xây dựng cần quan tâm đến cách thức hoạt động của bảo tàng làm sao để thu hút người dân, khách du lịch. Có như vậy, việc đầu tư với mức kinh phí cao mới mang lại ý nghĩa thực sự. Nếu không, đây sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Với công trình trọng điểm, mang tầm cỡ quốc gia, nên chăng, cần tham khảo rộng rãi ý kiến các tầng lớp trong xã hội trước khi triển khai. Người dân sẽ cùng chung tay xây dựng vì đầu tư cho văn hóa - lịch sử là đầu tư chiến lược, đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững.

Nhân sự việc này, cũng cần điểm lại chuyện xây dựng hàng loạt công trình hoành tráng khác ở nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua. Đầu năm nay, tỉnh Quảng Nam khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân gần 50 nghìn mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước. Vốn ban đầu dự tính là 55 tỉ đồng nhưng trước thời điểm khởi công, dự án đã đội giá lên 120 tỉ đồng.

Và năm 2011, tỉnh Quảng Nam lại ra quyết định bổ sung 330 tỉ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư lên 411 tỉ đồng, gấp nhiều lần số tiền được phê duyệt ban đầu để tượng đài này chiếm kỷ lục “lớn nhất Đông Nam Á”.

Gần đây Vĩnh Phúc cũng xây đền thờ hết 271 tỉ đồng. Lúc đầu dự kiến để thờ Khổng Tử nhưng bây giờ chưa biết để thờ ai. Rồi Hà Tĩnh cũng có miếu 70 tỉ đồng không rõ thờ ai.

Đành rằng các công trình như tượng đài, bảo tàng, quảng trường ở các địa phương do HĐND và UBND các tỉnh và thành phố quyết định xây dựng, chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí địa phương và xã hội hóa. Nhưng điều đáng nói ở đây là đời sống của nhân dân ở các địa phương đó còn rất thiếu thốn, khó khăn.

Mấy năm nay, kinh tế suy thoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng đầu tư xây dựng các công trình chưa cấp thiết, tiết giảm chi tiêu đối với các cấp, các ngành. Khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách” luôn luôn nhắc nhở mọi người. Thế mà chỗ nào cũng thấy lãng phí.

Đất nước còn nghèo, nợ nần chồng chất mà cứ thi nhau xây những công trình đạt tiêu chí “nhất” như thế thì đúng là hiệu quả nhỏ mà lãng phí lớn!

Đức Toàn

Năng lượng Mới 446

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc