Nhiệt điện than:

Hiểu đúng về công nghệ sạch

09:43 | 17/07/2017

1,582 lượt xem
|
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, cần phải có một cách nhìn toàn diện về công nghệ sạch trong các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

PV: Có ý kiến cho rằng, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than của Việt Nam thiếu công nghệ sạch. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

hieu dung ve cong nghe sach
PGS.TS Trương Duy Nghĩa

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Hiện nay, các NMNĐ than của Việt Nam tiêu thụ lượng than rất lớn. Ví dụ, NMNĐ Hải Phòng (công suất 1.200MW), hay NMNĐ Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 (công suất 1.245 MW/nhà máy), tiêu thụ bình quân khoảng 4 triệu tấn than/năm.

Than của Việt Nam có độ tro rất cao. Ví dụ: Than cám 5 có độ tro đến 30%, than cám 6a độ tro đến 36-37%, than cám 6b có thể lên tới 42%. Đốt hàng triệu tấn than như vậy, lượng tro thải ra cũng rất lớn. Trung bình mỗi nhà máy có công suất 1.200MW sử dụng than Việt Nam thải ra 1,2-1,5 triệu tấn tro/năm. Nếu không có biện pháp xử lý, sẽ gây ra ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, từ nhiều năm, các NMNĐ than của Việt Nam đã sử dụng công nghệ xử lý tro tương đối tốt với hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiệu suất đạt trên 99,75%. Như vậy, lượng tro đã được thu hồi gần hết, chỉ còn một lượng rất nhỏ theo ống khói thoát ra ngoài không khí.

Các ống khói của NMNĐ than công suất nhỏ có chiều cao 160m, còn những nhà máy với công suất lớn, chiều cao ống khói 200-250m. Với độ cao này, tốc độ gió sẽ đẩy tro tản ra theo không gian rất rộng với đường kính khoảng 50-100km. Với độ tro bụi đã được lọc rất kỹ, lại tản ra không gian rộng lớn, gần như người dân ở khu vực xung quanh không thể bị ảnh hưởng. Như vậy có thể khẳng định, tro bụi từ các NMNĐ than đã cơ bản được xử lý triệt để.

PV: Còn về vấn đề khí thải thì sao?

Các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam đều có hệ thống khử SO2 và NOX. Lượng khí thải qua miệng ống khói nằm trong quy định cho phép. Không những vậy, chúng ta còn thực hiện quan trắc online 24/24 giờ về mức độ ô nhiễm.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Khi các NMNĐ than tiêu thụ lượng than lớn sẽ tạo ra khí SOx (bao gồm SO2, SO3 và SO4), NOx (bao gồm NO, NO2, N2O3, N2O4, N2O5) - là các loại khí rất độc. Chính vì vậy, các NMNĐ than của Việt Nam đều có hệ thống khử SO2 và NOX. Lượng khí thải qua miệng ống khói nằm trong quy định cho phép. Tôi cho rằng, chúng ta không cần phải lo lắng về vấn đề này bởi tiền đầu tư cho hệ thống khử SO2 và NOX lên tới hàng trăm triệu USD, rất hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã tiến thêm một bước quan trọng trong bảo vệ môi trường sống. Đó là thực hiện quan trắc online 24/24 giờ về mức độ ô nhiễm. Do đó, chúng ta không phải quá lo ngại về việc gây ra ô nhiễm của các NMNĐ than.

Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rằng, ô nhiễm môi trường là vấn đề được các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng dân sinh quan tâm. Khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư đã tính toán đầy đủ hệ thống kiểm soát môi trường, nhiệm vụ còn lại là cần vận hành tốt hệ thống đó. Vì vậy, tôi cho rằng, các NMNĐ than của Việt Nam hiện nay đã sử dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường.

hieu dung ve cong nghe sach
Hệ thống quan trắc môi trường tại khu xử lý tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

PV: Nhưng trên thực tế đã có NMNĐ than gặp sự cố trong quá trình xử lý tro bụi?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Không thể nói rằng, không có bất kỳ sự cố nào có thể xảy ra trong quá trình xử lý tro bụi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ khâu lập dự án thiết kế hoặc trục trặc máy móc trong quá trình vận hành... Quan trọng nhất là tìm được nguyên nhân chính xác và nhanh chóng khắc phục.

Trên thế giới, tro bụi của các nhà máy điện hầu như đều được sử dụng một cách hiệu quả. Thậm chí, có những nước còn rơi vào tình trạng báo động phải nhập khẩu tro bụi. Đối với họ, tro bụi là rất quý, chứ không phải chất thải nguy hại.

PV: Việt Nam sử dụng nguồn tro bụi này như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Trong khi số lượng các NMNĐ than của Việt Nam khá lớn, nhưng lượng tro bụi lại chưa được sử dụng hiệu quả. Cái “dở” là các cấp, các ngành chưa vào cuộc đồng bộ để xử lý tro bụi thành nguyên liệu. Thậm chí, Việt Nam còn tính đến chuyện thải bỏ và chôn lấp. Đây là một lãng phí rất lớn!

Đến nay, tro bụi của NMNĐ Phả Lại được sử dụng để làm bê tông đầm lăn của đập Thủy điện Sơn La, được bán với giá 750.000 đồng/tấn, tương đương với giá xi măng. Trước đó, NMNĐ Ninh Bình cũng bán được tro bụi làm vật liệu xây dựng và không còn tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy.

PV: Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tro xỉ nhiệt điện than của Việt Nam không đảm bảo chất lượng để sản xuất vật liệu xây dựng. Có thể lý giải thế nào về ý kiến này, thưa ông?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Muốn lý giải điều này phải hiểu sâu về tro và carbon. Than của Việt Nam là than khó cháy, còn gọi là than đá già, thuộc loại già nhất trong các loại than. Trong khoa học, chỉ tiêu để đo độ cháy của than gọi là hàm lượng chất bốc.

Ví dụ, khi đốt tờ giấy thì ngọn lửa cháy bùng bùng ngay, đó là chất bốc tỏa ra. Sau đó, tờ giấy vẫn còn lại một lớp than đen, muốn cháy kiệt tờ giấy phải để trong một không gian rất hẹp, có nhiều giấy thì tàn giấy mới cháy kiệt thành tro trắng. Nếu không kiệt, nó vẫn là tro đen, mà tro đen tức là còn carbon chưa cháy hết, mới chỉ cháy phần khí bốc ra.

Tương tự như vậy với than. Than của Việt Nam rất khó cháy kiệt, nên trong tro than vẫn còn lẫn từ 12- 15% carbon chưa cháy, do đó tro có màu đen. Còn nếu tro đã cháy hết than thì sẽ ngả sang màu xám trắng. Carbon là chất làm cho độ kết dính kém hơn. Cho nên, nếu lấy tro còn carbon sản xuất xi măng, sẽ ảnh hưởng đến độ bền, độ kết dính của xi măng.

Vì vậy, khi các đơn vị sử dụng tro xỉ để làm vật liệu xây dựng cần nghiên cứu kỹ phương án xử lý, đảm bảo việc sử dụng tro xỉ hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạ An

  • el-2024