Hiệp sĩ cứu… tôm!

07:00 | 22/12/2013

16,874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện kỹ sư Dương có trong tay công nghệ nuôi tôm không chết, hiện vẫn có hàng trăm đầm tôm sống khỏe, thu bạc tỉ mỗi ngày khiến dân nuôi tôm kinh ngạc.

“Tôm chết trắng đồng”, “Thiệt hại hơn 5.000 tỉ đồng vì tôm chết”, “Hội chứng tôm chết sớm làm… châu Á đau đầu”, “Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo làm rõ nguyên nhân tôm chết”, “Tôm chết - vẫn loay hoay tìm thầy, tìm thuốc”, “Đại gia tôm cũng… chết”… Đó là hàng loạt dòng tít lớn liên tiếp xuất hiện năm qua trên báo chí.

Ngành nuôi tôm (chiếm hơn 7 tỉ USD) kim ngạch xuất khẩu đang rơi vào cảnh khốn đốn. Hàng nghìn đầm tôm bỏ hoang, hàng nghìn gia đình bị phá sản… Giữa lúc ấy, từ Bình Thuận, có một ông chủ đầm tôm trẻ tuyên bố: “Riêng tôm của tôi không thể chết! Tôi đang có bí quyết “độc” và sẵn sàng “biếu không” cho bất cứ ai nuôi tôm!”… Người có tuyên bố “mạnh mồm” nhưng rất thật này là kỹ sư, cựu quân nhân Nguyễn Văn Dương, một đại gia giỏi nghề tôm ở Tuy Phong, Bình Thuận, người nuôi tôm nhiều thứ nhì ở Nam Trung Bộ mà giờ đây nhắc đến anh, dân nuôi tôm ai cũng phải ngả mũ…

Người duy nhất “không chết”

Chúng tôi tìm về các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận trong cái nắng mùa khô hong giòn lưng áo, đi qua những vùng nuôi tôm nổi tiếng giàu có hôm nào, đâu đâu cũng thấy những đầm tôm bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy, máy móc han gỉ nằm chỏng chơ dưới cái nắng miền Nam Trung Bộ bỏng rát. Thế cho nên chuyện kỹ sư Dương có trong tay công nghệ nuôi tôm không chết, hiện vẫn có hàng trăm đầm tôm sống khỏe, thu bạc tỉ mỗi ngày khiến dân nuôi tôm kinh ngạc. Cách đây ít lâu, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi CP (Thái Lan) tổ chức hội thảo, mời kỹ sư Dương đến nói chuyện bày “bí kíp” cho hơn 100 khách hàng là các chủ đầm tôm “ruột”.

Trước đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận cũng cử đoàn cán bộ về tìm hiểu trực tiếp tại các đầm tôm của anh Dương. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Ninh Thuận phải thốt lên: “Tại sao mọi người nuôi tôm đều chết mà ông Dương nuôi không chết? Tôi yêu cầu mấy cha nội kỹ sư phải nằm vùng ở đây học cho được bí quyết của ông Dương về phổ biến cho bà con”. Chẳng đợi ông chi cục trưởng chỉ đạo, tiếng lành đồn xa, từ lâu, dân nuôi tôm cả nước đã khăn gói quả mướp từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh, Sóc Trăng… tìm về gặp Dương với những gương mặt méo mó, khẩn cầu tìm “thuốc tiên” cứu họ thoát cảnh khuynh gia bại sản vì tôm!

Quang cảnh hoang tàn của các đầm tôm chết hàng loạt phải bỏ hoang

Trước câu chuyện kỳ lạ trên, chúng tôi đã tìm về xã An Hải huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, nơi có 24 ao tôm của anh Dương. Lạ thay, dọc đường đi, bên cạnh các ao tôm cạn khô, lác đác những đàn cừu xuống ao… gặm cỏ thì tại trang tại của Dương, có tới 24 cái ao vẫn hoạt động hết công suất. Máy tạo ôxy cho tôm vẫn quay hối hả, phun bọt trắng xóa. Khi chúng tôi đến, có một đoàn 12 người tới để học hỏi đang kẻ đứng trên bờ, người xoay trần dưới ao tìm hiểu. Kỹ sư Dương oang oang nói:

- Cho các ông lặn xuống ao mò thoải mái, có tôm chết phạt gì tôi cũng chịu!

Hai thanh niên nước da đen cháy nhảy xuống, lặn ngụm một hồi dưới dòng nước nâu sẫm rồi ngoi lên, một người xòe tay thấy một vốc xác tôm: “Không có tôm chết, chỉ toàn vỏ tôm lột không à. Đáy ao không nhớt”. Anh Nguyễn Văn Nhân, Chủ một trang trại tôm ở cùng xã xác nhận: “Ban đầu nghe nói anh Dương nuôi tôm không chết tôi chưa tin. Nhưng gần nửa năm nay ai nuôi cũng chết riêng ảnh thì không nên giờ ngày nào tôi cũng đến đây học hỏi”. Nghe Nhân trình bày, hoàn cảnh của anh thật đáng thương, tôm chết nhiều quá, dốc sạch vốn liếng vay ngân hàng mấy tỉ đồng vào 3 ao tôm. Nếu đợt này mà không thành công, anh chỉ còn nước là bán nhà.

Tìm bí quyết từ “xêri” thất bại

Cách đây gần 20 năm, người lính trẻ Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1972) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Vùng 4 Hải quân Cam Ranh (Khánh Hòa) quyết định không trở về quê nhà, vùng quê Yên Thành, Nghệ An nghèo khó mà quyết tâm ở lại thi vào Đại học Thủy sản Nha Trang. Trước ngày đỗ đại học thì bố mất, nhà có 6 anh em, cuộc sống thêm khó khăn. Dương chỉ còn biết lao vào học cho thật tốt. Năm 1998, anh là một trong số 10 sinh viên tốt nghiệp khá nhất ngành nuôi trồng thủy sản. Lựa chọn đầu tiên, anh xin vào làm cho một công ty chăn nuôi của Đài Loan, nhưng thấy họ chỉ cho ngồi đọc báo nên nản, được 20 ngày thì Dương bỏ công ty, xin sang làm việc cho Công ty Thông Thuận ở Bình Thuận, một trong những “đại gia” nuôi tôm khét tiếng.

Có đất dụng võ, chàng kỹ sư lao vào làm việc, lăn lộn với các ao tôm, giúp thợ nuôi tôm chuyển giao công nghệ và cũng học hỏi được rất nhiều từ thực tiễn. Yêu nghề, say nghề nhưng một ngày anh chợt nghĩ: “Nếu cứ đi làm thuê mãi lương ba cọc ba đồng thì biết bao giờ cuộc sống đổi thay”. Dương mạnh dạn gom vốn, vay bạn bè, dốc túi mới được 150 triệu đồng nhưng cũng quyết nuôi… một ao tôm dù vẫn biết rằng, với nghề nuôi tôm, lưng vốn vài trăm triệu chẳng khác chi muối bỏ bể. Gần một năm sau, năm 2002, ao tôm trúng hơn 1 tỉ đồng thì Dương đi đến một quyết định mạnh mẽ hơn: không dừng lại mà đầu tư tiếp. Gia đình, anh em ở quê đều khuyên can, cho rằng anh “gàn”, không nên “liều” quá.

Dám nghĩ dám làm, Dương lăn lộn với các vùng tôm suốt bao năm, có khi cả tháng không về nhà, luôn lưng trần quần cộc, lặn ngụp dưới ao. Không chỉ ở ao nhà, Dương còn chủ động đi khắp các địa phương, các viện nghiên cứu và cả nước ngoài để học hỏi, nâng cao “trình” nuôi tôm. Đi hết các vùng nuôi tôm ở Việt Nam, Dương lại đi tiếp sang Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… và chính từ những gì mắt thấy tai nghe đã gợi mở cho anh có được bí quyết ngàn vàng ngày hôm nay. Dương tâm sự: “Mươi năm trước là “kỷ nguyên vàng” của nghề nuôi tôm. Ngày đó nuôi tôm rất dễ, cứ thả xuống là trúng nhưng sau rồi càng ngày càng khó. Tôi cũng như dân nuôi tôm cả nước bắt đầu nếm trái đắng từ đầu năm 2010”.

Câu chuyện xảy ra từ đầu năm 2010. Kể từ khi có một đàn chim lạ đông tới hàng chục nghìn con từ đâu bay tới các vùng biển cực Nam nước ta. Chúng như cơn bão kéo qua các đầm tôm, các khu nhà nuôi yến. Yến chết, tôm chết hàng loạt, chết dai dẳng và thê thảm, lan rộng ra toàn quốc. Anh Dương đang trên đà làm ăn thắng lợi, đầu tư rất lớn bỗng dưng khốn đốn vì tôm chết, lặp đi lặp lại ở gần 100 cái ao. Tính ra, số tiền thiệt hại do tôm chết đã lên tới hơn 20 tỉ đồng.

Kỹ sư Dương đang chia sẻ kinh nghiệm với một người dân đến học hỏi

Bao đêm Dương mất ăn mất ngủ. Phải người thiếu vốn có lẽ đã khuynh gia bại sản nhưng riêng Dương không nản, anh quyết đi tìm nguyên nhân tôm chết. Anh tới khắp các viện nghiên cứu thủy sản, gặp các nhà khoa học, mỗi người nói một kiểu khác nhau. Cứ nơi nào có hội thảo, hội nghị bàn về chuyện tôm là Dương tìm đến, lắng nghe, ghi chép, tìm cách cứu tôm theo dạng “có bệnh thì vái tứ phương”. Áp dụng nhiều kiểu, nhiều cách, tỷ lệ tôm chết có giảm, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Lúc tốt nhất, tỷ lệ tôm chết là 50%, coi như vẫn lỗ vốn. Trong số gần 100 ao tôm của Dương, chỉ còn lại 26 ao. Làm gì đây? Dương lại lên đường… đi tiếp. Lần này, anh quyết định đi dọc chiều dài đất nước, đến tất cả các vùng nuôi tôm lớn, thời gian kéo dài tới 26 ngày.

Hơn 20 năm sống với tôm, ăn ngủ với tôm, anh hiểu rõ con tôm nhất, nên không thể bỏ nó. “Mình sẽ dành toàn tâm, toàn lực và tất cả những hiểu biết cho ao tôm cuối cùng này”. Nghĩ là làm, anh ở lại ăn tết luôn tại ao cuối cùng này, nó nằm tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách nhà gần 200 cây số. Chính trong những ngày tết u buồn ấy, anh đã tìm ra được bí quyết.

Bốn liều thuốc “tiên” cứu tôm

Theo anh Dương ngoài những vấn đề cơ bản (quản lý con người, đầu tư xây dựng cơ bản) còn có 4 nguyên nhân khác như: Cứ nước xanh lục, xanh lam là tôm chết hai là nước phát sáng, trong nước có vi khuẩn. Thứ ba là đáy ao có nhớt. Thứ tư là khi xét nghiệm có vi khuẩn gây ra bệnh như kiết lỵ, tôm ăn thức ăn vào không tiêu hóa được, gây ỉa chảy. Để xử lý bốn vấn đề này, anh có ngay bốn “liều thuốc”:

Thứ nhất, để nước không xanh thì anh làm cho nước… màu đỏ, màu nâu. Về khoa học, đây chính là cách cân bằng cácbon nitơ. Nitơ cao thì tảo lam, tảo lục phát triển. Cách làm của Dương rất… nông dân, anh cho dùng mật rỉ đường và bột gạo (loại mật thứ cấp bỏ đi) đánh loãng pha xuống các ao tôm theo chu kỳ. Đánh 3 lần trước khi thả tôm, khi thả rồi cứ 2-3 ngày đánh một lần.

Thứ hai, chính nhờ hai sản phẩm này, vi khuẩn phát sáng trong nước cũng bị tiêu diệt.

Thứ ba, để đáy ao không nhớt và chống ký sinh trùng đường ruột cho tôm, anh tạo ra một loại chế phẩm từ thảo dược. Ký sinh trùng đường ruột tôm cũng do anh chế tạo chế phẩm, hiện thị trường chưa ai bán. Thuốc cho tôm ăn xong giống như xổ giun ở người, giá khoảng 200.000 đồng - 1 triệu đồng/kg, đủ dùng cho một ao.

Thứ tư, anh đã chế tạo ra một loại quạt tạo ôxy chuyên dụng với cánh quạt bằng nhựa và hệ thống bền, chạy không rung. Cánh quạt quay liên tục tạo ôxy, tạo dòng chảy, bọt nước chảy vào ống hút, không cần người vớt bọt.  Dòng chảy này tạo cho con tôm hoạt động, đỡ nằm một chỗ thì bớt bệnh. Ở mỗi ao tôm, khi nước chảy sẽ cuộn gom toàn bộ phân tôm, xác chết vào giữa rồi dùng xi-phông hút đi. Vì thế, ao tôm của Dương còn có điểm đặc biệt nữa là anh không cần thay nước, chỉ cấp thêm chút nước ao. Khi thả nuôi phải có ao xử lý nước, đơn cử trong 24 ao tôm của Dương ở Ninh Thuận chỉ có 18 ao nuôi, còn lại là 6 ao xử lý nước

Kỹ sư Nguyễn Văn Dương bên đầm tôm sử dụng công nghệ khắc phục được hội chứng chết sớm ở Ninh Thuận

Cùng với các “liều thuốc” trên, Dương cho biết cần phải hết sức chú trọng bảo vệ môi trường, nuôi tôm cho thật sạch, áp dụng tổng hợp các giải pháp nuôi tôm sạch. Càng áp dụng sớm và càng đồng bộ thì tỷ lệ tôm chết càng ít. Còn khi đã xảy ra sự cố tôm chết thì việc “chữa cháy” khó hơn rất nhiều, đó là lý do mà có người đến học rồi song vẫn chưa thành công. Đến các đầm tôm của anh Dương, chúng tôi thấy ngay nhiều điều lạ như: Toàn bộ khu đầm căng lưới chống chim cò, rắn rết, côn trùng… để tôm cách ly với các nguồn gây bệnh. Các đầm tôm đều có khu xử lý chất thải riêng, có ống hút nước thải đi, không xả thẳng ra môi trường theo kiểu vô tội vạ. Các trang trại của anh đều có 1-2 kỹ sư, hằng ngày cập nhật thông số môi trường, PH, độ kiềm, độ cứng, ôxy hòa tan, khí độc… và gửi về cho anh qua đường e-mail. Vì thế nên nuôi tôm nhưng chiếc iPhone nối mạng 3G của Dương luôn nhận báo cáo từng giờ, từng phút…

Anh Nguyễn Đình Vương, kỹ sư làm việc tại trang trại ở xã Ninh Phước cho biết: “Anh Dương thành công vì những giải pháp của anh rất thiết thực, nghiêm túc, đúng như mô hình nuôi tôm ở nhiều nước có kinh nghiệm trên thế giới. Những giải pháp này cần được nhân rộng vì ở Việt Nam đã qua rồi cái thời kỳ nuôi tôm theo cảm tính, không có qua trình khoa học. Tuy nhiên, cách làm của anh lại dễ học, dễ làm, nông dân làm vô tư!”.

Hiện nay, mặc dù các vùng nuôi tôm trên cả nước đều ảm đạm nhưng các trang trại tôm của anh Dương vẫn hoạt động hiệu quả, thu lợi nhuận cao. Trang trại tạo việc làm thu nhập ổn định cho hơn 100 công nhân, chủ yếu là con em, họ hàng, bà con ở ngoài quê Yên Thành vào làm việc.

Nắm “vàng” trong tay vẫn chia sẻ giúp người

Trước đại dịch tôm, ngành nông nghiệp đã giao cho nhiều viện nghiên cứu vào cuộc mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp xử lý xác đáng. Trong bối cảnh đó, một kỹ sư chân đất trở thành “hiệp sĩ cứu tôm” như Nguyễn Văn Dương thật đáng quý biết bao. Tiếc rằng đến nay vẫn chưa thấy có nhiều nhà quản lý, nhà khoa học tìm đến với Dương để cộng tác, nghiên cứu. Trong khi các cơ quan chức năng và cơ quan nghiên cứu trong nước thờ ơ thì Tập đoàn Chăn nuôi CP (Thái Lan) đã nhanh chân tìm đến Dương xin được chia sẻ kinh nghiệm với chi phí khủng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Quản lý khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận  của Tập đoàn CP cho biết: “Mô hình, cách làm của anh Dương rất giống với mô hình chúng tôi đã triển khai thành công ở Thái Lan, áp dụng triệt để 4 yếu tố: Con giống, thức ăn, chương trình quản lý ao nuôi và hệ thống bảo vệ chống sự lây lan từ bên ngoài. Chương trình của anh Dương giống khoảng 80% của chúng tôi. Anh Dương là một tấm gương điển hình, từ thất bại rút ra kinh nghiệm, thay đổi và đã thành công. Ông Bạch Xuân Hiếu, nhân viên quản lý khu vực Ninh Thuận của Công ty CP Chăn nuôi nhấn mạnh: “Cho đến nay chỉ mới chỉ ở Bình Thuận có có mô hình nuôi khắc phục được hội chứng tôm chết sớm do anh Dương làm được, trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của cả nước, nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ”.

Anh không hề giấu nghề, giữ bí quyết mà sẵn sàng chia sẻ cho người khác. Bất kỳ ai yêu nghề nuôi tôm, cần học hỏi bí quyết, anh đều cho hết, không giấu giếm bất kỳ điều gì. Anh Nguyễn Viết Tuấn, chủ đầm tôm ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận tâm sự: “Năm ngoái tôi nuôi 16 ao tôm, chết cả 16, thiệt hại khoảng hơn 4 tỉ đồng, thật sự “méo mặt”. Từ hồi áp dụng công nghệ của chú Dương tôm đỡ chết nhiều, nếu không chắc chỉ còn nước tôi… ra đê ở”. Anh Tuấn cho biết thêm, cả xã Phước Thể có gần 500ha nuôi tôm, phải bỏ hoang cả nửa năm trời, nay nhờ có công nghệ của anh Dương nên mới rục rịch nuôi trở lại.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lưu Viết Tuấn, cũng là một kỹ sư nông nghiệp, chủ trang trại tôm ở Hà Tĩnh sau một tháng vào Bình Thuận “tầm sư học đạo” trở về áp dụng quy trình của anh Dương: “Tôm của tôi bớt chết đi rồi, hiệu quả rõ rệt. Chú Dương đúng là ân nhân, cứu cả gia đình tôi bên bờ vực phá sản”.

“Các hộ nuôi tôm trừ một số đại gia có trang trại lớn thì phần đông là người dân nuôi nhỏ lẻ, họ chỉ nuôi 1-2 ao toàn bộ gia sản dồn vào đó, tôm chết là vợ chồng bỏ nhau, con bỏ học, bỏ nhà bán cho ngân hàng, bán đất… Vay ngân hàng tôm chết lần nữa là phá sản, trắng tay ngay. Cho nên chuyển giao công nghệ cũng là cứu người, giúp người chú ạ. Nhìn một cách rộng hơn thì con tôm chiếm tới 7 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, nếu công nghệ của tôi mà được vận dụng nhiều, sẽ có ý nghĩa lớn lắm” - Kỹ sư Dương tâm sự và sẵn sàng chia sẻ số điện thoại của anh (0913.46.1919), e-mail: [email protected] để mọi người có thể liên hệ học cách cứu tôm.


Phóng sự của Nguyên Minh