Hiến máu cứu người - xin đừng thờ ơ!

07:15 | 09/04/2016

526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 30-3, bệnh nhân Nguyễn Thị T (61 tuổi - huyện Bắc Quang, Hà Giang), đã được đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Nếu không được tiếp máu có nguy cơ tử vong. Thế nhưng, bệnh viện không còn một đơn vị máu nào dự trữ để truyền cho người bệnh. Trước tình trạng đó, bệnh viện phải khẩn trương huy động các thành viên của CLB Ngân hàng máu ở tỉnh Hà Giang tham gia hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, đã có lượng máu đủ để truyền kịp thời và bệnh nhân qua được cơn nguy hiểm.

hien mau cuu nguoi xin dung tho o

Trước đó, vào tháng 7-2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cũng đã cấp cứu cho bệnh nhân Lê Thị Q (Yên Minh, Hà Giang) bị đa chấn thương, vỡ gan, chảy máu trong, cần phải được truyền máu khẩn cấp. Nhưng vào thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cũng đang khan hiếm máu nên phải huy động người hiến máu dự bị đến hiến máu cấp cứu.

Tháng 8-2015, một ngư dân quê Thanh Hóa bị tai nạn lao động do máy tời cuốn đứt rời 3/4 cánh tay trái. Anh được tàu đưa vào đảo Bạch Long Vĩ cấp cứu. Sau ca phẫu thuật, do mất nhiều máu, anh có nguy cơ tử vong cao, trong khi bệnh viện không có sẵn nguồn máu để cấp cứu. Trước tình hình này, một nữ hộ sinh của bệnh viện đã được huy động hiến máu. Nhờ có nguồn máu truyền cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được đưa về đất liền để tiếp tục điều trị.

Có thể nói rằng, tình trạng thiếu máu để phục vụ điều trị và cấp cứu diễn ra ở hầu hết các bệnh viện trong cả nước. Nhiều bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì thiếu máu điều trị. Đặc biệt, vào dịp giáp tết Nguyên đán hay hè, thiếu máu càng là nỗi lo căng thẳng ở tất cả các bệnh viện. Trong khi đó, đây lại là những thời điểm cần lượng máu nhiều hơn cả, do số người bị tai nạn giao thông xảy ra nhiều, nên lượng bệnh nhân cần được tiếp máu tăng lên. Đó là chưa kể những người cần được truyền máu định kỳ.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có thời điểm chỉ còn khoảng 10.000 đơn vị máu, trong khi mỗi ngày Viện phải cung cấp khoảng 1.200-1.500 đơn vị máu phục vụ điều trị, cấp cứu cho 122 bệnh viện, trong đó có các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Nếu sử dụng dè xẻn thì số máu cũng chỉ được khoảng chục ngày, còn không thì vài ngày là hết. Vì thế, tình trạng máu cung cấp cho bệnh nhân luôn rất khó khăn và tình trạng khan hiếm máu diễn ra trên diện rộng trong cả nước.

hien mau cuu nguoi xin dung tho o

GS.TS Nguyễn Anh Trí giải thích thêm, nguyên nhân khan hiếm máu vào dịp tết là do việc tổ chức hiến máu cũng như số người hiến máu rất ít, khi việc thực hiện kế hoạch năm cũ đã xong, trong khi kế hoạch năm mới lại chưa triển khai, thậm chí là chưa phê duyệt. Bên cạnh đó, dịp này cả nước cũng có nhiều sự kiện, nên không nhiều thời gian để các đơn vị tổ chức các đợt hiến máu. Những nguyên nhân trên làm cho nhu cầu về máu trong điều trị càng trở nên “nóng” hơn. Còn vào dịp hè do viên nghỉ hè nên số người đến hiến máu giảm đi rất nhiều, dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Chu kỳ thiếu máu xảy ra hằng năm do người Việt chưa có thói quen đi hiến máu. Ở nước ngoài, người dân họ hiểu được việc cần thiết của hiến máu để cứu người nên thường có kế hoạch hiến máu hằng năm. Do đó, khó xảy ra tình trạng hiếm máu như ở Việt Nam. Việc thiếu máu ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân. Thậm chí, có thời điểm Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phải thông báo tới các bệnh viện có kế hoạch hoãn mổ để giảm nhu cầu sử dụng máu đối với các bệnh không cấp cứu như bệnh tim, hay những cuộc mổ phải sử dụng nhiều máu. Do máu khan hiếm nên vào các dịp khan hiếm, các bệnh viện cũng chỉ ưu tiên cho các trường hợp bệnh cấp cứu như xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu bẩm sinh, sinh mổ, tai nạn giao thông...

Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng thêm, trong khi nguồn máu dự trữ cho bệnh nhân cấp cứu, những người bị bệnh về máu phải truyền máu thì quá bấp bênh. Tổng số máu thu gom được từ các nguồn hiến máu tình nguyện, người bán máu chuyên nghiệp chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu cần máu điều trị. Còn 60% bệnh nhân thiếu máu để điều trị.

“Việc thiếu máu đã diễn ra triền miên, năm này sang năm khác, nhưng nguồn cung vẫn chỉ dựa vào việc hiến máu của cộng đồng. Tại sao Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không có các biện pháp bền vững, dài hơi để “cắt cơn” thiếu máu này, ví như có thể mua máu, thay vì chờ đợi được hiến như hiện nay?”. Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: Cả năm 2015, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu, tương ứng với khoảng 1/3 dân số của Việt Nam. Trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn cho quốc gia, thì số lượng máu tiếp nhận được phải bằng 2/3 dân số, tức là tối thiểu phải tiếp nhận được 1,8 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, không thể thương mại hóa trong tiếp nhận máu phục vụ người bệnh. Không phải vì Nhà nước không có tiền để mua máu, bởi hiện nay, Nhà nước đang phải bù lỗ rất nhiều với chi phí cao, ví như ghép tế bào gốc, trong khi chi phí về máu lại không cao lắm. Mà trước đây, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận chủ yếu từ những người bán máu chuyên nghiệp, được khoảng 2-300.000 đơn vị máu mỗi năm. Nhiều bệnh viện phải nuôi một đội ngũ những người bán máu, tạo điều kiện cho họ ăn ở ngay cạnh bệnh viện để khi có bệnh nhân cần là họ đến bán máu. Vấn đề là nếu còn dùng tiền để mua máu sẽ có nhiều tiêu cực phát sinh, cũng như không đảm bảo an toàn về máu. Khi người ta bán máu chuyên nghiệp, máu dùng nhiều lần sẽ không đảm bảo chất lượng, rồi không an toàn cho cả chính người bán máu. Chính vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới đã cấm việc mua bán máu. Hiện chỉ còn những nước lạc hậu mới buộc phải mua. Hơn nữa, việc mua bán máu sẽ không mang tính nhân đạo trong điều trị cứu người.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, cho dù Việt Nam vẫn thiếu máu triền miên, nhưng nhìn tổng thể thì việc hiến máu đã đạt được những tiến bộ ngoạn mục. 20 năm trước, chúng ta mới chỉ có khoảng vài trăm ngàn đơn vị máu mỗi năm, đến nay đã có 1,2 triệu đơn vị, là một bước đi dài mà nhiều nước tiên tiến cũng phải mất 50 năm mới đạt được. Vì thế, kết quả này khiến nhiều chuyên gia của các nước phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Đã có hàng loạt biện pháp được tiến hành, nhằm giải quyết tình trạng hiến máu, điển hình như các chương trình “Chủ nhật đỏ”, “Hành trình đỏ” tổ chức ở nhiều tỉnh thành, tạo được sự lan tỏa ngày một lớn. Để Việt Nam đạt mục tiêu 1,8 triệu đơn vị máu một năm như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cần phải 30 năm, nhưng với những bước đi như đã có, GS.TS Nguyễn Anh Trí hy vọng hơn 10 năm nữa sẽ đạt được. 

Để giải quyết tình trạng thiếu máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương, các trường đại học để tổ chức các ngày hội hiến máu như cùng với Báo Tiền Phong tổ chức ngày hội “Chủ nhật Đỏ” tháng 1-2016, cùng tỉnh Hà Giang tổ chức Ngày hội Hiến máu tình nguyện “Giọt hồng trên miền đá” và đặc biệt là tuyên truyền để nhân dân hưởng ứng ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4…

Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, trong tháng 4-2016, cả nước phấn đấu vận động được 200.000 người đăng ký hiến máu; tiếp nhận tối thiểu 120.000 đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị. Ba thông điệp được chọn sử dụng nhân ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2016 là “Hiến máu cứu người - Xin đừng thờ ơ!”, “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, “Máu cứu người - Bắt đầu từ các nhà quản lý”.

Thanh Hằng

Năng lượng Mới 512