Hiểm họa tiềm ẩn từ thú cưng trong gia đình

16:04 | 20/04/2017

1,991 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, trên khắp cả nước nở rộ trào lưu nuôi thú cưng trong gia đình, đặc biệt là những giống ngoại nhập. Từ chó, mèo, chim cho đến những loài thú độc lạ như sóc bay, khỉ, nhím cảnh, chuột hamster và nhiều loại động vật hoang dã khác… Bên cạnh niềm đam mê, thú cưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với chính chủ nuôi cũng như những người xung quanh.

Nguy cơ lây những bệnh nguy hiểm

Nhiều người dân, đặc biệt là ở các đô thị lớn có sở thích nuôi thú cưng "độc và lạ". Không chỉ tốn kém về tiền bạc, công sức chăm bẵm mà người nuôi còn "lao tâm khổ tứ" mỗi khi thú cưng của mình "hắt hơi sổ mũi".

Nhưng các chuyên gia cảnh báo thú cưng có thể ủ bệnh và lây sang người nuôi chúng bất cứ lúc nào. Người nuôi luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc rất nhiều bệnh từ những thú cưng của mình do sự tiếp xúc quá gần gũi giữa người và chúng. Rất nhiều vi sinh vật gây bệnh, từ vi khuẩn, nấm cho tới virus, có thể lây từ vật nuôi sang người.

hiem hoa tiem an tu thu cung trong gia dinh
Chơi đùa cùng thú cưng (ảnh minh họa)

Theo các nhà nghiên cứu, động vật nuôi nhốt có nguy cơ giảm khả năng đề kháng đối với một số bệnh nguy hại, các loài ký sinh trùng và cũng là mầm mống cho một số bệnh khác. Có đến hơn 150 bệnh lây lan từ thú nuôi sang người, trong đó có một số bệnh rất nguy hiểm có thể gây chết người. Phổ biến nhất là bệnh về giun, sán hay bệnh dại…

Khi con người, nhất là trẻ em, chơi đùa, ngủ cùng thú cưng hay bị chúng cắn thì rất dễ bị nhiễm những bệnh từ thú nuôi truyền sang. Người mắc giun, sán từ vật nuôi thường bị đau bụng, tiêu chảy, sút cân. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi ấu trùng ký sinh ở mắt, gan, tim, phổi, não.

Còn nếu vật nuôi bị nhiễm bệnh dại và cắn người thì virus trong nước bọt của chúng sẽ lây sang con người. Nếu không được tiêm phòng cẩn thận, các triệu chứng của bệnh dại phát triển thì tỷ lệ sống sót của người bệnh là rất thấp. Các triệu chứng này thường giống với cúm, bị ảo giác và mê sảng.

Theo thống kê của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại vì bị chó cắn và trong 3 tháng đầu năm 2017 cũng đã có 12 người tử vong do bệnh dại. Ngoài ra, những loại thú nuôi cũng có thể lây truyền cho con người bệnh sốt, cúm gia cầm, hen…

Nguy cơ bị thú nuôi tấn công

Những loài thú nuôi to lớn và hung dữ như chó rất dễ tấn công con người. Đặc biệt, khi trào lưu nuôi những loài chó to lớn và hung dữ như pitbull, doberman, rottweiler, becgie... phát triển rất mạnh mẽ.

Cũng theo Cục Thú y, năm 2016, cả nước đã có hơn 400.000 người bị chó cắn, có trường hợp chó nuôi tấn công chính cả người chủ. Đây là tình trạng hết sức báo động. Nguy hiểm hơn, trẻ em lại là đối tượng dễ bị tổn thương khi vật nuôi tấn công. Do trẻ em thích đùa nghịch với vật nuôi cùng với việc chiều cao cơ thể chưa phát triển nên dễ bị tấn công và thường bị thương ở các vị trí nguy hiểm là đầu, cổ và mặt.

Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm là vậy, nhưng công tác quản lý, đăng ký vật nuôi trong gia đình hiện nay chưa được chặt chẽ. Ông Nguyễn Hữu Khải - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, theo quy định khi muốn nuôi động vật như chó thì người dân phải đăng ký với trưởng thôn hay tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý.

Vật nuôi phải được tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung. Người nuôi thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, tránh tình trạng chó cắn người. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, không để chó đi lang thang ngoài đường làm mất vệ sinh nơi công cộng…

"Tuy nhiên, ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, việc này hầu như bị bỏ ngỏ. Việc sở hữu những chú chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng. Chỉ cần đến các cửa hàng hay lên mạng đặt mua là có ngay một chú thú cưng mà hầu như không phải đăng ký hay khai báo gì. Công tác phòng bệnh cho vật nuôi cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Do đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý thú nuôi trong các gia đình để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra" - ông Khải nói.

Cách xử trí vết thương khi bị chó cắn đóng một vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và chủ động xử lý hiệu quả.

Khi bị chó cắn cần rửa sạch vết thương bằng nước muối và xà phòng, băng vết cắn bằng gạc vô trùng. Cầm máu ngay bằng cách ấn mạnh lên vết thương nếu vết thương chảy máu. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.

Trong trường hợp bị chó, mèo cắn cần được theo dõi con vật trong 10 ngày và tiêm phòng dại nếu con vật có triệu chứng nghi ngờ dại. Đối với súc vật cắn không thể theo dõi được thì cần tiêm phòng dại ngay. Tiêm phòng uốn ván trong vòng 48 giờ nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Nguyễn Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc