“Hên - xui” chuyện mời sao ngoại

14:46 | 08/09/2017

458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc đưa những nghệ sĩ nổi tiếng từ nước ngoài tới biểu diễn tại Việt Nam với những yêu cầu “trên trời” đã không còn là chuyện lạ. Điều đáng nói, đối với những đơn vị tổ chức, lời lãi chưa thấy, chứ “xui xẻo” và trục trặc luôn luôn cận kề.    

Hủy show như cơm bữa

Ngày 23-8 vừa qua, theo kế hoạch, ngôi sao ca nhạc Ariana Grande đến TP HCM biểu diễn. Tuy nhiên, khoảng 5 tiếng trước giờ khai màn, nữ ca sĩ đã lên trang cá nhân thông báo hủy diễn vì lý do sức khỏe. Sau đó, Ban Tổ chức cũng xác nhận việc hủy show và kế hoạch hoàn vé tiến hành vào ngày 24-8. Ngay sau khi “cáo ốm” ở Việt Nam, nữ ca sĩ 24 tuổi đã diễn cực sung tại Trung Quốc. Điều đáng nói là Ariana thông báo hủy show chỉ bằng đôi dòng trên Instagram và dòng thông báo này cũng chỉ tồn tại trong 24 giờ. Hành động này của Ariana đã khiến người hâm mộ Việt Nam “mất lòng” và tuyên bố “tẩy chay” nữ diễn viên.

hen xui chuyen moi sao ngoai
Ariana Grande, PSY và Jessica là các nghệ sĩ nước ngoài hủy show tại Việt Nam

Thật ra, việc các ngôi sao hủy show đột ngột cũng không quá lạ lẫm. Miley Cyrus từng hủy show trước 30 phút vì “bị dị ứng kháng sinh”, Miranda Lambert hủy show vì muốn bảo vệ chất giọng, Justin Bieber bất ngờ rời khỏi sân khấu vì khán giả không tập trung nghe cậu tâm sự. Chưa kể, người hâm mộ Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều ngôi sao hủy show như Lee Min Ho (năm 2013), Psy (2015), Jessica (nhóm SNSD - 2016) hay Bad Boys Blue & Sandra (năm 2017)…

Khả năng hủy show đột ngột tuy khá cao, nhưng người ta vẫn muốn đưa được các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc đó không đơn giản, bởi những yêu sách rất khó lường của họ. Ban Tổ chức show Ariana Grande tại Việt Nam đã phải chịu chi phí cho đoàn tùy tùng 85 người, đội ngũ an ninh 5 lớp, các yêu cầu về khách sạn, thức ăn, trang trí… “ngốn” khoản tiền không nhỏ. Nhóm nhạc Boney M và Chris Norman yêu cầu mức bảo hiểm lên tới 1 triệu USD/người (khoảng 22 tỉ đồng); nghệ sĩ saxophone Kenny G cũng đòi hỏi đón tiếp từ chân cầu thang máy bay, đi cửa riêng của sân bay, xe VIP đời từ năm 2014 trở lại đưa đón, tài xế chuyên nghiệp và thành thạo tiếng Anh…

Không lo tốn kém

Để mời được những ngôi sao thế giới đến Việt Nam, các nhà tổ chức phải chấp nhận những yêu cầu khắt khe mà họ đưa ra. Đại diện Công ty Mỹ Thanh, nhà tổ chức chuỗi chương trình “In the spotlight” cho biết, quá trình thương thảo với Peabo Bryson kéo dài khoảng vài tháng, bởi ngôi sao này có rất nhiều yêu cầu với đơn vị tổ chức, đặc biệt là về cơ chế dàn nhạc. Peabo Bryson chỉ đồng ý tham gia chương trình với điều kiện ông sẽ đưa nhạc sĩ Dwight Watkins sang Việt Nam, phối hợp với nhạc sĩ Hồng Kiên làm đồng đạo diễn âm nhạc.

Năm 2015, nghệ sĩ nổi tiếng saxophone Kenny G đã biểu diễn tại Việt Nam trong một đêm duy nhất. Thế nhưng, để đưa nghệ sĩ này đến Việt Nam, ông Trần Tuấn Việt, đại diện nhà tổ chức chương trình cho biết cũng phải mất tới 2 năm rưỡi chứng minh được năng lực về tài chính, khả năng thành công của show diễn, công tác thực hiện, truyền thông, kỹ thuật, hậu cần, an ninh, y tế… mới có được “cái gật đầu” của nghệ sĩ.

Khó khăn là vậy nhưng những show ca nhạc có sự góp mặt của nghệ sĩ quốc tế chưa chắc đã có lãi. Còn nhớ, festival K-pop năm 2012, chương trình hội tụ gần 20 nhóm nhạc, ca sĩ Hàn Quốc tham gia với giá vé rất “sinh viên” là 300.000 đồng/vé nhưng cũng không thu được 3/4 số vé toàn sân vận động Mỹ Đình. Đến năm 2013, mặc dù chi phí bỏ ra để đón ngôi sao điện ảnh Lee Min Ho (Hàn Quốc) sang Việt Nam đã được công bố lên đến 12 tỉ nhưng chương trình không diễn ra vì không bán được vé. Sau đêm diễn Backstreet Boys, Công ty Water Buffalo Production cũng gần như mất dấu trên thị trường âm nhạc. Ngay cả đêm nhạc của Ariana Grande tại TP HCM ngày 23-8 phải hủy show dù giá vé khá cao (từ 790.000 đồng đến 15,9 triệu đồng/vé - vé VIP) vẫn không thể “lấp đầy” 70% số vé được bán ra.

Việc mời những ngôi sao đẳng cấp quốc tế sang biểu diễn ở Việt Nam tạo ra một luồng gió mới khiến đời sống âm nhạc thêm phong phú, sinh động. Tuy nhiên, để đưa những nghệ sĩ này sang Việt Nam, các đơn vị tổ chức phải đối mặt với những “yêu sách” trên trời và cả nguy cơ “ôm” nợ do sự kiện không sinh lãi. Thế nhưng, những nỗ lực của các nhà tổ chức vẫn rất đáng ghi nhận, bởi để “kéo” Việt Nam ra khỏi vùng trũng âm nhạc chưa bao giờ là điều dễ dàng.

hen xui chuyen moi sao ngoai

Nhạc sĩ Quốc Trung - nhà sản xuất Lễ hội Âm nhạc Gió mùa (Monsoon): “Trừ những chương trình tri ân khách hàng như Richard Clayderman, Kenny G… thì những chương trình phải bán vé như Peabo Bryson, Hồ Thiên nga… theo như tôi biết là lỗ nặng. Hay như ngay chính Monsoon, dù bán với giá vé rất “sinh viên”, thì cũng đừng mơ sốt vé. Thực tế cho thấy, dù nhà tổ chức đã nỗ lực hết sức trong cố gắng mời các “sao ngoại” đến Việt Nam, công chúng phần đông có vẻ như không có nhu cầu thưởng thức. Không ít những người đến xem chương trình đó hoặc là được cho vé, hoặc đến để “check in” cho “sang”…”.

hen xui chuyen moi sao ngoai

Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy: “Ông Andrei Sherbak, Chủ tịch Hiệp hội Cuộc thi Tchaikovsky và bản thân tôi đều muốn đưa cuộc thi âm nhạc này về Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp hội như dàn nhạc, nhạc công, mỗi bộ môn 11 giám khảo… đều phải đạt tầm quốc tế, ước tính cần khoảng 10 tỉ đồng. Hiện tại, việc tìm được công ty kết hợp tài trợ tổ chức cuộc thi âm nhạc lớn này khiến tôi phải suy nghĩ”.

K.An