Hãy tự cứu mình!

13:27 | 30/03/2017

1,459 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự việc nạo vét lòng sông, nhưng mục đích chính lại là khai thác cát và gây ra nhiều chuyện lùm xùm về an ninh, trật tự, có thể tóm tắt như sau:

Ngày 9-3-2017, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc đề nghị dừng triển khai thực hiện Dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ, làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Khi báo chí đưa tin nhiều người thấy làm “lạ”, bởi vì “chuyện nhỏ như hạt cát”, vậy mà tại sao tỉnh lại phải báo cáo lên Thủ tướng? Lại nữa, chuyện nhắn tin dọa nạt cán bộ lãnh đạo đã từng xảy ra, nhưng cho đến nay chưa thấy nơi nào phải báo cáo lên Thủ tướng và yêu cầu Bộ Công an vào cuộc. Là một địa phương có lực lượng chuyên chính trong tay, vậy tại sao lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh không tự mình giải quyết vụ việc?

hay tu cuu minh
Dự án nạo vét luồng sông Cầu do Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cấp phép

Chiều ngày 16-3-2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó Thủ tướng yêu cầu: “Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau “bảo kê”, đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2017. Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu”.

Và rồi vào ngày 21-3, trước tình trạng người dân ở một số địa phương va chạm, thậm chí đổ máu trước nạn “cát tặc”, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT dừng cấp phép các dự án nạo vét luồng sông, giao việc này cho địa phương.

Thế là mọi việc đã rõ. Lệnh Thủ tướng, từ nay cứ thế thực hiện.

Trở lại chuyện về cái công văn của tỉnh Bắc Ninh. Nói đi nhưng cũng phải nói lại. Trước những khó khăn, phức tạp của vụ việc xảy ra trong thời gian dài liên quan đến Dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu thấy thủ tục đều “đúng quy trình” cả. Cụ thể, việc này do Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu thực hiện, được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ GTVT phê duyệt. Ở đây có sự không thống nhất, thiếu sự hợp tác giữa địa phương với ngành.

Nguyên nhân chính của tình trạng khai thác cát trái phép là nguồn lợi thu về từ cát rất lớn, nhất là vào mùa xây dựng. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Ninh, bình quân giá cát đen đẹp từ 80.000-90.000 đồng/m³ và cát vàng là 200.000-300.000 đồng/m³. Số tàu tổ chức khai thác cát trái phép thường chở được khoảng 200-300m³, thậm chí có tàu còn đạt hơn 400-500m³, tùy vào từng luồng lạch của các con sông. Như vậy, bình quân mỗi tàu sau khi hút được đầy cát đen, chủ tàu sẽ thu lợi được 20-40 triệu đồng, còn với cát vàng có thể đạt đến cả trăm triệu đồng cho mỗi ca hút cát.

Đáng lo ngại một điều, để hút được các loại cát đẹp, chủ tàu sẵn sàng chọc “vòi rồng” sâu xuống lòng sông rồi sau đó bơm nước để đẩy cát lên. Hành động này khiến cho dòng chảy bị xáo trộn, hệ thống đê điều, bờ kè theo đó khó tránh khỏi hiện tượng xói lở, hở “hàm ếch”, gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho cuộc sống người dân hai bên bờ sông. Phía sau câu chuyện này liệu có chuyện “sân sau”, có “lợi ích nhóm”?

Vào chiều ngày 17-3, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc đã tạm đình chỉ công tác 3 thanh tra giao thông đường thủy (đội trưởng, đội phó và 1 thanh tra viên) để làm rõ trách nhiệm. Đây là các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý tuyến sông để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép ở Bắc Ninh.

Vụ việc đang đi vào “hồi kết” và sẽ được làm rõ hơn trong thời gian tới để làm bài học chung cho các ngành, địa phương. Qua vụ việc ở Bắc Ninh, hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Những vụ việc tương tự như trên liệu có nhất thiết phải báo Thủ tướng? Tại sao tình trạng này kéo dài mà Bộ GTVT không cùng với UBND tỉnh Bắc Ninh “ngồi lại với nhau” cùng tìm giải pháp tháo gỡ? Rồi trước khi triển khai dự án, các bên liên quan đã bàn bạc, thống nhất về việc tổ chức nạo vét, kết hợp khai thác và các vấn đề liên quan chưa? Trước khi thực hiện dự án, người dân ở các khu vực triển khai dự án đã được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát chưa?

Nhân sự kiện này, chúng tôi nhớ lại, ngày 12-4-2016, trong chuyến đi công tác địa phương đầu tiên sau khi được bổ nhiệm, tại Hội nghị “Xúc tiến đầu đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị”, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tôi xin nhắc lại một câu nói rất nổi tiếng của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Sau đó không lâu, tại “Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ngày 27 và 28-6-2016), Thủ tướng một lần nữa nhắc lại câu nói nổi tiếng nêu trên.

Còn nữa, khi nói về chính phủ kiến tạo, phục vụ, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, ngày 4-5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt, tự chủ được thì để bộ, ngành, địa phương tự làm; không để các bộ, ngành, địa phương đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Vụ việc “khơi dòng, lấy cát” mới chỉ dừng lại ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang. Tình trạng lộn xộn trong khai thác cát, khai thác khoáng sản nói chung còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, chủ yếu là do “lợi ích nhóm” chi phối. Mong rằng có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan chức năng với các địa phương, đơn vị. Không nên việc gì cũng “kính báo cáo”, đề nghị Trung ương giải quyết, can thiệp.

Vũ Lân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc