Hãy học tập Khánh Hòa!

13:30 | 29/04/2016

3,278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây 9 năm, tỉnh Khánh Hòa đã từ chối dự án nhà máy thép trị giá khủng 11,5 tỉ USD của Hàn Quốc định xây ở Vịnh Vân Phong để bảo vệ vịnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh cho người dân.

Và người có can đảm, dũng cảm nhất quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ vịnh Vân Phong không xây nhà máy thép thời đó là ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

hay hoc tap khanh hoa
Cảnh đẹp hoang sơ ở vịnh Vân Phong, Khánh Hoà

Ông Phạm Văn Chi đã nghỉ hưu. Nhưng giờ đây, khi nhiều người quá bức xúc về việc môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Trung Trung Bộ từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng thì nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi đã trả lời giản dị: “Tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận”.

Theo hồ sơ, giữa năm 2007, Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong, có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD. Có thể nói, đây là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó.

Trong khi đó, nói về vịnh Vân Phong, các chuyên gia của Hiệp hội du lịch thế giới (OMT), Chương trình phát triển du lịch Liên Hiệp Quốc (PNUD) và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam (IRDT) từng công nhận rằng: “Nơi đây có đủ các điều kiện tối ưu để phát triển du lịch. Trong dự án VIE89/003, OMT ghi rõ: "Bán đảo vịnh Vân Phong là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất trong khu vực Châu Á và Viễn Đông, vượt xa Phukhet của Thái Lan và có thể so sánh được với bãi biển tuyệt mỹ ở Sierra Leone (châu Phi). Vịnh Vân Phong là một trong những nguồn dự trữ của ngành du lịch nghỉ ngơi nhiệt đới...". Vân Phong - Đại Lãnh hiện là 1 trong số 21 khu du lịch quốc gia ở Việt Nam.

Do đó, hành động và quyết định của ông Phạm Văn Chi lúc đó rất dễ hiểu. Không thể hy sinh một vịnh đẹp như thế, với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như thế để xây dựng một nhà máy thép có nguy cơ tàn phá môi trường vịnh, tác động sinh thái, ảnh hưởng đến mưu sinh của bao nhiêu người sống xung quanh vịnh.

Nhiều người nhớ đến ông Chi lúc này bởi ông là người đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại bỏ dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư “khủng” ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cách đây 9 năm với các nguy cơ môi trường ô nhiễm từ nó. Giá trị việc làm của ông Chi ngày ấy giờ đây không ai bàn cãi mà thay vào đó là sự nể trọng.

Lúc đó, toàn bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ, ngành trung ương, trừ Bộ Tài nguyên & Môi trường đều thống nhất đề nghị cho xúc tiến triển khai dự án nhà máy thép của Posco. Chính vì thế, tháng 1/2008, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương cho lập dự án. Tuy nhiên, nhận thấy có quá nhiều hiểm họa đối với môi trường ở một dự án sản xuất thép lớn như thế, ông Phạm Văn Chi đấu tranh đến cùng và đề nghị Chính phủ không chấp nhận dự án này.

Là một kỹ sư chế tạo máy, ông Phạm Văn Chi lặng lẽ thu thập nhiều tài liệu để phân tích, chỉ rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đại dự án nhà máy thép Posco nếu dự án được triển khai.

hay hoc tap khanh hoa

Vân Phong - Đại Lãnh (Khánh Hoà) hiện là 1 trong số 21 khu du lịch quốc gia ở Việt Nam.

Thế nhưng trong các cuộc họp của tỉnh Khánh Hoà, hầu như không ai nghe những lời phân tích của ông Phạm Văn Chi. Ngược lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ra chủ trương quán triệt đến cấp chi bộ là mọi đảng viên phải có trách nhiệm ủng hộ dự án đó. Tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ qua Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, khi về ai cũng khen nức nở; riêng ông Chi dứt khoát không đi và kiên quyết đấu tranh.

Và một bản tường trình của ông Phạm Văn Chi gửi lên Trung ương với những phân tích rất chi tiết, cặn kẽ những tác hại đến môi sinh của vịnh Vân Phong nếu nhà máy thép Posco được triển khai. Mỗi năm nhà máy này thải ra hàng triệu tấn chất thải công nghiệp, phần lớn là độc hại. Với lượng chất thải như vậy, không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ sẽ bị tàn phá.

Bản kiến nghị với những phân tích thuyết phục của ông Chi được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng các bộ, ngành trung ương.

Sau khi nhận bản kiến nghị này, Trung ương đã yêu cầu tổ chức hội thảo để xem xét lại dự án. Trả lời báo chí sau đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ rõ: “Cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn trước những công trình thế kỷ như ở Vân Phong. Dự trữ tài sản của một quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên khác. Đó là của để dành cho con cháu chúng ta mai sau”.

Kiến nghị của ông Chi cũng nhận được sự ủng hộ của Bộ TN&MT, nhất là khi Tập đoàn Posco lúc ấy chưa đưa ra được giải pháp xử lý môi trường triệt để.

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa vào tháng 7/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, đây là dự án liên quan đến vấn đề môi trường nên phải cực kỳ quan tâm, tỉnh Khánh Hòa phải đảm bảo môi trường sạch để phát triển bền vững. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Ưu tiên số một cho việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và bảo vệ môi trường là hai vấn đề không gì đánh đổi được.

Một tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong. Đó là niềm vui lớn rất lớn dành cho vịnh Vân Phong nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung và cá nhân ông Phạm Văn Chi đã làm đúng - làm vì môi trường - vì dân.

Tương tự như Khánh Hòa, Đà Nẵng từng từ chối dự án hơn 200 triệu USD vì vấn đề môi trường. Theo đó, trong quý I-2014, Tập đoàn Dệt May (Hong Kong) đã đến khảo sát tại TP Đà Nẵng để xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc với tổng số vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD. Ngoài ra, quý II cùng năm, một công ty của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần đến 30 ha đất để làm khu liên hợp dệt nhuộm. Tuy nhiên, do hai dự án có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên Đà Nẵng đã từ chối hai dự án này.

Để đảm bảo môi trường du lịch và phát triển bền vững, TP Đà Nẵng chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ, đặc biệt là các dự án sạch. Đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì TP không giữ chân các nhà đầu tư mà giới thiệu đến các địa phương khác phù hợp hơn.

Khánh Hòa và Đà Nẵng đã có suy nghĩ và hành động đúng!

Qua những trường hợp trên để thấy rằng, không phải lúc nào cũng phải hy sinh tất cả vì mục tiêu phát triển kinh tế. Vì nếu phát triển kinh tế mà không đảm bảo gìn giữ môi trường, bảo vệ sức khoẻ, sinh mệnh người dân sống trong khu vực đó thì có thể lợi nhuận 1 đồng trong phát triển kinh tế cũng không đủ khi phải bỏ ra 2-3, thậm chí đến 5 đồng để khắc phục hậu quả môi sinh bị ô nhiễm, điều trị bệnh tật cho người dân.

Đất nước phồn vinh mà để hàng triệu người dân cứ chết dần chết mòn hằng ngày do ô nhiễm công nghiệp thì thử hỏi, cái giá phải trả như thế có đáng làm không?

Đừng “tham bát bỏ mâm”, con cháu sẽ nhiều đời lên án!

Nguyệt Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc