“Hãy cho tôi một điểm tựa...”

09:13 | 13/09/2017

1,812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây có nhiều tin vui về phát triển năng lượng tái tạo mà đã hàng chục năm nay chưa hề xảy ra.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung 15 dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực Tây Ninh (giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020). Bởi lẽ, từ tháng 6-2017 đến nay, có 15 doanh nghiệp đến đăng ký thực hiện 15 dự án nhà máy điện mặt trời tại Tây Ninh, với tổng công suất đạt 554MW, vốn đầu tư trên 15.400 tỉ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2017-2019.

Thông tin nữa, Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc) vừa tổ chức lễ động thổ Tổ hợp Dự án năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy, Quảng Bình. Tổ hợp dự án bao gồm: dự án sản xuất điện mặt trời 550MW, dự án sản xuất điện sinh khối 100MW. Giai đoạn 1 của dự án này có công suất 49,5MW, với tổng số vốn đầu tư hơn 55 triệu USD. Dự kiến vào cuối năm 2018, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Thông tin cũ hơn một chút, cách đây ít lâu, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đã công bố kế hoạch chi 1 tỉ USD cho dự án đầy tham vọng trong lĩnh vực điện mặt trời, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang ngày một tăng cao…

Khi phân tích nguyên nhân, nhiều chuyên gia đã nhận định về một “điểm tựa” rất quan trọng để các nhà đầu tư dốc hầu bao vào lĩnh vực điện mặt trời, đó là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).

hay cho toi mot diem tua

Đến đây, chắc hẳn nhiều người nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà khoa học thiên tài Acsimet: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên”.

Cách tư duy ấy không chỉ tồn tại trong khoa học tự nhiên. Trong chính sách kinh tế vĩ mô cũng vậy, nếu tìm ra đúng một “điểm tựa” thì có thể tạo ra một cuộc cách mạng. Bài học sâu sắc nhất có lẽ không thể nào quên, đó là cuộc cách mạng “khoán 10” trong nông nghiệp nước nhà cách đây vài chục năm về trước, biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đang dành công sức đi tìm “điểm tựa” cho việc phát triển 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam trong tương lai, đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Đề án về 3 đặc khu này sẽ được trình lên Quốc hội để thông qua vào cuối năm 2017.

Tại những đặc khu này, một loạt chính sách ưu đãi về tiền tệ, ngân hàng, đất đai, giao thông, thuê chuyên gia nước ngoài và ưu đãi thuế được xem xét. Chẳng hạn như có thể sẽ cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu thì sẽ được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi.

Các doanh nghiệp, sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Riêng đối với thu nhập từ dự án đầu tư - kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%...

Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng như vậy chưa đủ, chúng ta mới có đề xuất về các ưu đãi thuế là chủ yếu mà chưa có những đề xuất thay đổi đủ mạnh trong chính sách đất đai. Theo ông, vấn đề chúng ta cần quan tâm đầu tiên là đất nông nghiệp, bởi phần đất nông nghiệp ở các khu vực này còn khá lớn. Nhưng chính sách cho đất nông nghiệp hiện nay có 2 “vòng kim cô” là thời hạn sử dụng đất và hạn điền. Cụ thể thời hạn sử dụng đất là không quá 50 năm và hạn điền dù đã được “cởi” nhưng vẫn không quá 10 lần hạn mức giao đất.

Cuối cùng, ông đưa ra một con số rất cụ thể: “Để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào các khu vực này thì nên đưa ra thời hạn sử dụng đất là 99 năm như một số đặc khu khác trên thế giới, còn đối với các nhà đầu tư trong nước thì nên là vô thời hạn”.

Để làm “điểm tựa” cho năng lượng mặt trời có cơ hội phát triển, con số 9,35 cent/kWh kia đã là đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Vậy cũng nên hy vọng rằng, con số 99 năm kia cũng sẽ được các nhà hoạch định chính sách của chúng ta lưu tâm biến chúng thành một “điểm tựa” quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

hay cho toi mot diem tua

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói về phát triển 3 đặc khu kinh tế: “Trước kia, chúng ta thuần túy chỉ dựa vào tài nguyên, lao động, thuận lợi của vị trí địa lý... Bây giờ, những điều này đã tới giới hạn nên phải chuyển sang các tiềm năng khác, đó là sự sáng tạo, thể chế, mô hình để tạo ra một cú hích mới”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc