Hậu quả của tư duy 'tháp ngà khoa học'

08:00 | 28/11/2015

1,240 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Những người nông dân chân đất hằng năm vẫn sáng chế ra những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho lao động, trong khi các nhà khoa học bàn giấy thì chỉ có những dự án vẽ voi. Trong câu chuyện với phóng  viên Báo Năng lượng Mới, GS Nguyễn Đăng Hưng cho rằng, sở dĩ có câu chuyện trên bởi Việt Nam có quá nhiều các “ông quan khoa học” với “tư duy tháp ngà”. 

 PV: Việt Nam hiện nay có trên 10.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ nhưng số những người học hành khoa cử có nghiên cứu thực nghiệm quá ít. Đâu là nguyên nhân chính của nghịch lý trên, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu thôi. Các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư Việt Nam đa số được phong không vì thành tích khoa học giáo dục mà vì những cái không mấy liên quan, ăn thua gì với khoa học. Và một khi anh không rèn luyện bài bản, không có năng khiếu nghiên cứu khoa học thì làm sao làm khoa học thực sự được! Đã từ lâu Việt Nam không coi trọng thực chất mà chọn lựa thành tích, hư danh.

hau qua cua tu duy thap nga khoa hoc
GS Nguyễn Đăng Hưng

PV: Theo giáo sư thì Nhà nước nên có những chính sách ràng buộc hay chế tài như thế nào đối với những người có học hàm, học vị mà không nghiên cứu mà chỉ lấy học hàm, học vị để thăng quan tiến chức?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Tại nhà nước không muốn chứ muốn thì quá dễ. Hãy đưa ra một tiêu chuẩn nhỏ thôi. Hễ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư mà trong 3 năm liên tục không công bố được 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế thì thu hồi học hàm… Nói thì dễ nhưng làm thì khó vì có ai dại gì mà đưa ra quy chế để chặn hũ gạo, đường sống của chính mình!

PV: Có nhiều người cho rằng, vì kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học ở nước ta quá ít mà hành chính trong nghiên cứu cũng quá nhiều đã làm nản lòng những nhà khoa học thực sự, ông có nghĩ vậy không?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Việt Nam không có nhiều kinh phí cho khoa học nhưng cũng bắt đầu có tạm đủ. Thí dụ quỹ NAFOSTED đã ra đời mấy năm nay rồi và đã có ảnh hưởng tốt trong việc điều chỉnh, khuyến khích nghiên cứu khoa học.

Cốt lõi của vấn đề là cấp kinh phí cho đúng người với đề tài nghiên cứu khả thi và hợp lý. Thực hiện tốt qui chế thẩm định, kiểm tra kết quả nghiên cứu. Hiện nay lãng phí còn rất cao vì chưa áp dụng được những tiêu chuẩn quốc tế… Tôi cũng đề nghị nên dẹp bỏ, giải thể những cơ sở, viện nghiên cứu đã quá lâu ăn hại ngân sách, không có nhân sự hay chưa bố trí được nhân sự có chất lượng, quanh năm suốt tháng chỉ ngồi chơi xơi nước…

PV: Thực tế có nhiều đề tài nghiên cứu, nghiệm thu xong bỏ vào tủ lưu giữ phòng quản lý khoa học dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Điều này gây lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, quan điểm của giáo sư về vấn đề này?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Đấy, câu hỏi của nhà báo đã kèm theo câu trả lời. Thế mới biết cả nước biết rõ những phù phép, lạm dụng, thói quen ăn cắp của công thông qua cái gọi là nghiên cứu khoa học. Làm sao chính quyền không biết được. Vấn đề là biết mà không thay đổi được, không làm gì được!…

Cái này nên để cho cơ quan chức năng trả lời. Phần tôi tôi tự hỏi những người có chức có quyền, có điều kiện làm thay đổi, có ý thức được nguy cơ tụt hậu không? Và khi họ còn ngồi đó họ có còn lương tâm của người công dân, người cán bộ không?

hau qua cua tu duy thap nga khoa hoc
Máy gieo hạt - một sáng chế của người nông dân

PV: Trong những năm qua chúng ta thấy nhiều nông dân tuy trình độ học vấn ít nhưng đã có nhiều sáng chế - sáng kiến làm cho không chỉ giới khoa học trong nước mà nhiều nhà sáng chế ngoài nước cũng phải thán phục… Ở các nước tiên tiến có hình ảnh những nông dân sáng tạo như thế không thưa ông?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Nhà bác học Einstein đã bảo phát minh sáng tạo cần trình độ nhưng cái cần hơn là trí tưởng tượng. Những cá nhân không phải khoa bảng nhưng họ biết tự học, tự nghiên cứu để tự đạt được trình độ rồi với lòng đam mê, trí tưởng tượng sẽ sáng chế. Tôi không hề ngạc nhiên về những người nông dân có nhiều sáng kiến, sáng chế ứng dụng vào cuộc sống tại Việt Nam…

Tại Bỉ cũng có nhiều trường hợp như vậy. Nổi tiếng nhất là chuyện anh thợ mộc Zénobe Gramme đã sáng chế ra máy dynamo chạy bằng điện sau khi ngẫu nhiên được nhận vào làm việc cho một công ty điện. Phát minh này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ ngành điện.

Nhưng tôi mong muốn chính quyền, các nhà khoa học khoa bảng có tâm có tầm nên ủng hộ, khuyến khích những nhà phát minh tay ngang, giúp họ khoa học hóa những ý tưởng họ có và tìm cách thực hiện cùng họ thay vì đứng ra ngăn cản vì lòng đố kỵ, mặc cảm vô lối…

PV: Nhiều người đang đặt ra câu hỏi tại sao nhà nước hằng năm bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học nhưng khoa học thực nghiệm của ta còn quá quá yếu trong khi người nông dân không ai đầu tư, họ tự mày mò nghĩ ngợi, sáng tạo mà làm ra nhiều sản phẩm rất thiết thực cho hoạt động sản xuất?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Đây là hậu quả của tư duy tháp ngà khoa học. Việt Nam có quá nhiều quan khoa học, ngốn ngân sách, chặn bớt dự án mà chẳng có khả năng nghiên cứu hay thực hiện công nghệ cho có hiệu quả. Lý do vì cơ chế tổ chức mọi ngành ở Việt Nam bị lỗi hệ thống kinh niên, khó quy  tụ được người tài nhưng lại có khả năng tạo chỗ đứng màu mỡ cho những kẻ bất tài, nhưng ranh mãnh, cơ hội… Việt Nam nên xếp bài làm lại.

Không làm như vậy thì ngày càng tụt hậu thôi. Hiện nay chẳng những ta thua Malaysia, Thái Lan mà còn bị Lào, Campuchia qua mặt… Đừng quên trước 1975 Việt Nam có trình độ kỹ thuật tương đương với Hàn Quốc, Sài Gòn đã là hòn ngọc Viễn Đông, từng là giấc mơ của Lý Quang Diệu nhà sáng lập nên Singapore ngày nay.

PV: Trong câu chuyện này, Bộ Khoa học - Công nghệ và các doanh nghiệp nên làm gì để biến các ý tưởng sáng tạo, sáng chế của người dân thành hàng hóa có thể bán được, đem lại doanh thu và lợi nhuận thưa ông?

GS Nguyễn Đăng Hưng: Theo tôi nghĩ các doanh nghiệp tư nhân là động cơ của kinh tế Việt Nam. Họ biết rõ rằng cải tiến kỹ thuật là tiền đề của phát triển. Họ biết chọn người tài và có thù lao xứng đáng. Vấn đề là còn một số mặt chưa bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Chưa kể một số công ty nhà nước ngốn nhiều ngân sách nhưng quản trị chưa hiệu quả, gây thua lỗ thường xuyên và yêu cầu nhà nước phải giảm thuế, qui chế ưu tiên này nọ…

Do đó, Chính phủ tiến hành cổ phần hóa hầu hết các doanh  nghiệp nhà nước là tiền đề rất đáng mừng. Và nên cổ phần hoá nhanh chóng các doanh nghiệp quốc doanh thì hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước sẽ khác đi rất nhiều.

Để phát huy hơn nữa sức sáng tạo, sáng chế, sáng kiến trong dân thì nên có sự phối hợp giữa ba nhà: nhà nước - tư nhân và nhà dân, người dân đưa ra ý tưởng nhưng phải có nhà đầu tư và biết chọn ý tưởng mang tính thực tiễn để đầu tư, rồi có kế hoạch tiếp thị sản phẩm ra thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong quá trình này thì nhà nước không đứng ngoài cuộc được, ví như với những sản phẩm mới, công nghệ mới thì cần có cơ chế giảm thuế, hỗ trợ chi phí vận chuyển… hoặc Bộ Khoa học - Công nghệ có thể đặt hàng cho những người dân giỏi, có ý tưởng sáng tạo và ham mê nghiên cứu, ắt sẽ có những sáng kiến có giá trị chứ không theo kiểu tự mày mò, tự làm, khi có kết quả thì đợi báo chí, truyền thông biết thì đưa tin như lâu nay.

PV: Xin cảm ơn GS!

 

Thiên Thanh

Năng lượng Mới 477

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc