Hậu nâng lương tối thiểu?

07:25 | 26/08/2011

469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 22/8, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/2011/NĐCP quy định mức lương tối thiểu. Theo đó từ ngày 1/10/2011 đến hết ngày 31/12/2011 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1.400.000 đến 2.000.000 đồng/ tháng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức cho thuê mướn lao động.

Người lao động chờ việc hay chờ tăng lương

Việc nâng lương tối thiểu hiện nay là cần thiết để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Song, sau điều chỉnh lương tối thiểu với tốc độ nêu trên, điều gì sẽ xảy ra?

Trước hết, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sẽ có nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí là ngừng kinh doanh. Khi đó, số lao động mất việc làm không những không giảm đi mà còn tăng lên.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay là các doanh nghiệp, không chỉ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả những doanh nghiệp có quy mô lớn, cũng khó có thể trụ nổi nếu Chính phủ không có những biện pháp có hiệu quả để đẩy lùi lạm phát.

Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho biết: "Doanh số của Phú Thái thời điểm này thụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi đã cắt giảm một số mặt hàng không đưa vào phân phối, dù những mặt hàng này mang lại lợi nhuận trong những năm trước. Nguyên nhân là do giá đầu vào tăng quá cao, trong khi giá đầu ra không được phép tăng tương ứng”.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì than rằng, với lãi suất tiền vay như hiện tại, doanh nghiệp sẽ không thể trụ nổi trong thời gian tới. Ông khẳng định: "Không ở đâu doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay tới 20%/năm mà vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay như ở Việt Nam. Đã đến lúc, việc ban hành chính sách cần coi doanh nghiệp là tiền đề, thay vì doanh nghiệp là hệ quả của chính sách”.

Đó là ý kiến của đại diện hai doanh nghiệp có quy mô lớn. Tình trạng gặp khó khăn đến khó có thể trụ nổi diễn ra ở hầu hết các ngành, các doanh nghiệp.

Thứ hai, theo quy luật của "bình thông nhau”, tiền lương tối thiểu tăng, tất yếu dẫn đến quỹ lương của doanh nghiệp, chi phí cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng lên, khi đó, giá thành sản phẩm, chi phí lưu thông cũng tăng lên. Đó là nhân tố quan trọng đẩy mặt bằng giá thị trường tăng lên hơn nữa. Bên cạnh đó, do tác động của tâm lý, cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu là giá cả thị trường lại "nhảy cao hơn một bậc”. Vì vậy, cuộc chiến "chống lạm phát” chắc chắn khó có kết quả như mong muốn trong năm nay.

Thứ ba, không nên tạo ra một tiền lệ cứ lạm phát xảy ra là tìm ngay đến giải pháp nâng lương tối thiểu. Đó sẽ là cuộc rượt đuổi không có hồi kết. Bởi lẽ, sau khi nâng lương tối thiểu, giá cả thị trường lại tăng lên, lạm phát sẽ cao hơn. Nếu không có biện pháp gì hữu hiệu, chỉ cần đến quý I/2012, người lao động lại rơi vào tình trạng "không đủ sống”. Và khi đó, biện pháp cần thiết lại là… nâng lương tối thiểu!

Quan trọng hơn cả là có những giải pháp thuộc tầm vĩ mô của nền kinh tế để đẩy lùi lạm phát. Khi và chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, kinh doanh. Việc làm và đời sống của người lao động mới giữ được ổn định và cải thiện.

Vũ Xuân Tiền