Hàng Việt Nam khó thâm nhập thị trường nước ngoài

12:28 | 31/10/2011

1,413 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Trong những năm gần đây, một số hàng hoá của doanh nghiệp Việt đã xây dựng được thương hiệu riêng trong nước, nhưng vẫn chưa đủ sức bước ra thị trường nước ngoài một cách độc lập, nhất là những thị trường khó tính như EU và Mỹ”.

Hàng Việt Nam đã đủ sức bước ra thị trường nước ngoài một cách độc lập?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết như vậy.

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,6 tỉ USD, 9 tháng đầu năm 2011 xuất khẩu đạt 70 tỉ USD. Đây là một con số khá cao, nhưng thực tế hiện nay ở nước ngoài ít gặp nhãn hiệu hàng hoá Việt Nam, bởi hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần là làm gia công cho nước ngoài, hoặc cung cấp nguyên liệu ở dạng thô.

Cộng đồng người Việt có mặt tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung đông ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Đông Âu. Tuy nhiên, có một nghịch lý là phần lớn hàng hoá mà kiều bào ta đang kinh doanh và phân phối lại là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…, còn hàng Việt Nam muốn thâm nhập các thị trường này lại gặp rất nhiều khó khăn. Theo các doanh nhân Việt kiều có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng ở nước ngoài.

Ít mẫu mã, chưa đầu tư nhiều cho khâu thiết kế

Theo nhiều người nhận xét, hàng Việt xuất khẩu vẫn chưa được đầu tư nhiều về khâu thiết kế, sáng tạo mẫu. Một hội viên Việt kiều kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích ở châu Âu cho biết: “Cà phê Trung Nguyên G7 chất lượng tốt, giá rẻ nhưng bán ra được rất ít. Trong khi đó Nescafé lại tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân có thể do cà phê Trung Nguyên dùng kí hiệu G7 làm người dân châu Âu dễ liên tưởng đến sắt thép, hoá chất, chất tẩy… chứ không phải đồ uống thơm ngon”. Vẫn là câu chuyện về cà phê, thời tiết bên châu Âu lạnh, thay vì in trên bao bì cốc cà phê nóng ấm thì doanh nghiệp Việt Nam lại chọn thiết kế hình cốc cà phê có viên đá lạnh vốn chỉ thích hợp cho các nước nhiệt đới.

Điều này làm tính hấp dẫn của sản phẩm bị giảm đáng kể. Một mẫu bao bì sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu in hình cô gái không cười và tay đang ôm bụng. Hình ảnh như vậy dễ gây ra hiểu lầm là ăn gạo xong bị đau bụng. Nếu doanh nghiệp thiết kế thành ảnh cô gái Việt Nam đội nón lá, tay cầm bó lúa và cười thì có lẽ bao bì sản phẩm vừa đẹp vừa ý nghĩa. Hiện nay các nước phát triển đang hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, mang đậm bản sắc vượt trội của vùng địa lý. Nhãn hiệu hàng Việt đa phần chưa thể hiện được điều đó, còn xấu, cẩu thả và chưa tạo được sự khác biệt. Vì vậy, các nhà kinh doanh đa phần chọn hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… để bán vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và phong phú, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Thiếu hiểu biết về thị trường

Muốn sản xuất và xuất khẩu hàng hoá sang thị trường nào phải hiểu được người dân và thị trường ở đó muốn gì, thích gì từ vùng địa lý sản xuất hàng. Ví dụ, người châu Âu và người Mỹ không ưa chuộng nước hoa, sữa tắm, dầu gội đầu, kem dưỡng da… sản xuất từ châu Á vì công nghiệp hoá mỹ phẩm châu Âu và Mỹ đã vượt trội. Họ rất thích các sản phẩm vải, lụa tơ tằm châu Á… hoặc những sản phẩm nông nghiệp của vùng nhiệt đới như lúa gạo, chuối, cam, dứa, dừa, lạc vừng… Vì vậy, các mặt hàng thực phẩm, hoa quả có thể trở thành thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng phải chế biến phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Nhiều người châu Âu, Mỹ quá cân, béo phì nên thích ăn hoa quả tăng chất vitamin. Theo ông Phạm Ngọc Chu – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary nói: “Người châu Âu rất thích ăn hoa quả sấy khô (mứt). Việt Nam là đất nước có rất nhiều trái cây nhưng sản phẩm tươi và sấy khô rất ít có mặt trên thị trường châu Âu. Mít sấy khô Việt Nam cứng như đá, loại nào không cứng như mứt dừa, kẹo dừa thì dai như dây đồng dứt mãi mới ra. Người châu Âu răng yếu hơn dân châu Á cho nên họ thích ăn giòn tan, ít chất béo”. Có người nhận xét: “Bộ bàn ghế gỗ khảm trai khá đẹp, giá thành cũng không phải quá đắt so với mức sống của người châu Âu, nhưng khi ngồi vào đau lưng quá. Đến cơ sở sản xuất gốm sứ thì toàn bán bát ăn cơm và chén nước chè, không phù hợp với thói quen sử dụng của người châu Âu…”.

Một điểm yếu nữa của nhiều doanh nhân Việt là chào bán những cái mình có mà không biết người ta cần gì hay loại hàng nào bán được nhiều. Một doanh nhân Việt kiều khuyên các nhà sản xuất Việt Nam nên nghiên cứu chú trọng làm ra những sản phẩm tiêu thụ đại chúng, nhiều người mua, nhiều người dùng và dùng liên tục. Trong cuộc sống hàng ngày, con người dùng rất nhiều sản phẩm đơn giản, thải hồi nhanh, tiêu thụ số lượng lớn như găng tay, khăn lau, dép mùa hè, mùa đông, đồ chải, đồ lót… Ví dụ, một đôi tất sẽ dùng nhiều và vứt đi nhanh hơn là chiếc áo sơ-mi, một gói bột canh sẽ dùng nhiều và thường xuyên hơn là gói mì ăn liền, một cốc sứ sẽ vứt đi nhanh hơn lọ hoa sứ, v.v… Hàng xuất khẩu của Việt Nam có những sản phẩm rất đẹp, làm rất công phu, nhưng rất ít người mua, nếu họ có mua thì không biết đến bao giờ mới mua tiếp lần thứ hai như những lọ hoa bằng đá, tượng khắc gỗ, tranh sơn mài, thêu…

Chưa có kênh phân phối hợp lý

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhận xét: “Sai lầm của nhà sản xuất Việt Nam là thích sản xuất hàng loạt rồi đem bán lại cho nhà bán sỉ, chứ ít nghĩ đến việc tự mình đi phân phối bán hàng. Các khâu dịch vụ bán hàng như mở hệ thống bán hàng, dịch vụ hậu mãi, dịch vụ lưu kho cũng còn yếu, đó là còn chưa tính đến khó khăn về vốn, về địa điểm bán hàng”.

Do hạn chế về tài chính nên doanh nghiệp Việt Nam khó mở văn phòng đại lý hoặc có những kênh phân phối lớn ở nước ngoài, nhất là ở thị trường châu Âu và Mỹ, nơi mà doanh nghiệp phải chịu đủ các loại chi phí hàng ngày rất lớn, phải chịu áp lực cạnh tranh cao với các mặt hàng khác, với các chợ, các trung tâm thương mại, các siêu thị, các tập đoàn thương mại khổng lồ khác. Ngay cả khi có địa chỉ liên lạc, có văn phòng giao dịch mới chỉ là bước đầu, còn các bước tiếp theo như mang hàng đi chào, đi bán, đi tìm khách hàng là một quãng đường dài đầy khó khăn gian khổ. Bên cạnh đó, các công ty trong nước cũng không dễ kiếm người đi làm đại diện ở nước ngoài có trình độ về thị trường, về kinh doanh, về chào hàng, giao tiếp, đàm phán…

Màu sắc đơn giản phù hợp với mọi phong cách nội thất

Để bán được hàng Việt

Có rất nhiều giải pháp được nêu ra, như: sản phẩm chất lượng đảm bảo, giá cả vừa phải, hiểu biết thị trường, mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối, tìm được đối tác phù hợp, dỡ bỏ các rào cản thủ tục… nhưng đây là yêu cầu chung cho hàng hoá xuất khẩu của mọi quốc gia. Vì vậy, ngoài những yếu tố trên, việc tìm kiếm các thị trường có khả năng tiêu thụ và tận dụng cơ hội thị trường cũng rất quan trọng.

Ông Chu Văn Dân (Hội Doanh nghiệp nhỏ & vừa Việt Nam tại Cộng hòa Séc) cho biết các nước Đông Âu, phần lớn là các nước XHCN cũ nay chuyển sang hệ thống kinh tế thị trường, còn có sự mất cân bằng của hệ thống điều phối hàng hoá dẫn đến sự thiếu hụt của một số loại hàng hoá như: hàng gia dụng, hàng thủ công, hàng có xuất xứ từ các vùng thổ nhưỡng, những sản phẩm thuộc về nông lâm thủy hải sản.

Ông Trần Đăng Trung, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga cũng cho biết Nga là thị trường lớn nhưng chưa phát triển về công nghiệp nhẹ. Do đó quần áo, giày dép và đồ ăn nhanh tiêu thụ khá tốt ở Nga.

Ông Lê Thanh Bình, Trưởng đại diện Hội Người Việt Nam ở Ba Lan nói các mặt hàng Việt Nam đang được Ba Lan ưa chuộng là hàng dệt kim và thực phẩm. Như vậy có thể thấy, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm là hướng đi triển vọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, hàng hoá Trung Quốc hay bị chê vì kém chất lượng, hại sức khỏe con người, tổn hại môi trường, nhưng thế giới vẫn phải tiêu thụ hàng Trung Quốc vì chưa tìm ra loại mặt hàng khác thay thế. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Một doanh nhân Việt kiều nói: “Hệ thống cửa hàng của tôi bày bán những mặt hàng cùng chủng loại đặt song song với hàng Trung Quốc thì thấy dân bản xứ mua đồ của ta hơn của Trung Quốc như mì ăn liền, hoa quả hộp, chè xanh, cao sao vàng, tăm tre…”.

Ông Phạm Ngọc Chu khẳng định: “Đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam không tiêu thụ hàng Việt Nam không phải vì chúng tôi không yêu hàng Việt Nam, không yêu nước Việt Nam. Chúng tôi rất yêu Việt Nam, nhưng mang hàng Việt Nam đi thì rất khó bán, có bán được nhưng doanh thu không cao”. Gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nhân luôn mong muốn đưa được hàng Việt ra thế giới. Các doanh nghiệp trong nước nên tham khảo ý kiến của họ và cùng hợp tác để đẩy nhanh việc đưa hàng Việt ra thị trường thế giới.

Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

“Có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào với tổng vốn đăng ký gần 11 tỉ USD, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế như thương mại, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu…, góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối giữ ở mức tăng đều qua các năm. Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu gây nên, lượng kiều hối vẫn đạt mức cao trên 6 tỉ USD, năm 2010 theo đà hồi phục chung của kinh tế thế giới, kiều hối gửi về đã đạt mức 8.6 tỉ USD, tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức ODA”.

Nguyễn Thị Bích Vân - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
“Tính đến hết tháng 9/2011, có 213 dự án của Việt kiều với 1,047 tỉ USD đã đầu tư vào Việt Nam; trong đó về hình thức đầu tư, có 170 dự án 100% vốn, 39 dự án liên doanh, 4 dự án công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Phân theo quốc tịch, nhà đầu tư Việt kiều Hoa Kỳ xếp thứ nhất với 67 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 285 triệu; xếp thứ 2 là Việt kiều Ba Lan với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 121 triệu USD, xếp thứ 3 là Việt kiều từ Hồng Kông và Liên bang Nga. Về lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp Việt kiều đầu tư nhiều nhất vào các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp theo là lĩnh vực lưu trú và ăn uống, thông tin và truyền thông, bất động sản, nông lâm, nghiệp thủy sản, xây dựng”.


Ông Lê Hồng Thắng – Phó Tổng Giám đốc Cty gỗ Đức Thành:

Trong năm 2011, tình hình sản xuất và NXK của các Cty gỗ nói chung đều gặp khó khăn: Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và chưa chắc dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, các chi phí nhân công, tiền lương, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, còn thị trường đầu ra ngày càng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Nhận thấy được tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp khó khăn nên Quốc hội (có Nghị quyết 08), Chính phủ (có QĐ 54) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho nhiều đối tượng nhằm tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, DN Đức Thành thuộc đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2011 và được dãn thời gian nộp thuế năm 2011. Cụ thể theo tinh thần QĐ 54, lẽ ra năm 2011 DN chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và qua năm 2012 mới phải đóng thuế TNDN của năm 2011 và năm 2012. Tuy nhiên, căn cứ vào ngày hiệu lực (30/11/2011) của quyết định thì DN chỉ được hưởng quyền lợi dãn nộp thuế cho quý 4/2011 và số thuế phải nộp theo quyết toán năm 2011. Còn từ quý 1 đến quý 3, DN đã nộp đầy đủ số tiền thuế phát sinh. Điều này thiết nghĩ chưa thật sự tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cho dù số tiền đã nộp của quý 1, 2, 3 sẽ được bù vào thuế phải nộp của lần nộp tiếp theo, nhưng ngay tại thời điểm khó khăn nhất của năm 2011 thì DN lại chưa nhận được sự hỗ trợ từ quyết định 54.

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Giám đốc Cty Saigon Food:

Trong lĩnh vực xuất khẩu, hàng năm công ty cung cấp hơn 4.000 tấn thành phẩm thủy hải sản đông lạnh cao cấp cho thị trường Nhật Bản và Châu Âu. Tuy nhiên, trong số này, sản phẩm sử dụng nguyên liệu thủy hải sản trong nước chỉ chiếm 15%, còn lại là phải nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài để gia công, chế biến rồi tái xuất. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước chưa ổn định về nguồn hàng và giá cả thường xuyên biến động, DN xuất khẩu khó chủ động được yếu tố nguồn hàng, giá trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu. Nhiều năm qua, việc nuôi trồng thủy sản cũng như cây ăn trái ở nước ta vẫn còn tình trạng “tranh mua – tranh bán”, bởi lúc thì mọi người đổ xô đầu tư nuôi trồng một số loại, giống nào đó ào ạt khiến giá sản phẩm sụt giảm do nguồn cung nhiều.

Đến khi nguồn hàng giảm mạnh do giá sản phẩm giảm, nhiều người dân phá bỏ, không đầu tư nuôi trồng loại sản phẩm đó nữa thì giá sản phẩm lại tăng. Tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Chúng ta có thể thấy rõ qua thực tế đối với mặt hàng cá basa trong thời gian qua. Điều này có thể thấy do chưa có một “nhạc trưởng” trong việc quy hoạch nuôi trồng như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cũng không quá ồ ạt đến mức bị dội hàng. Bên cạnh đó, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của nước ta do vốn đầu tư, công nghệ có hạn, còn chịu ảnh hưởng, lệ thuộc nhiều bởi yếu tố tự nhiên nên nguồn hàng bấp bênh, giá cả không ổn định. Do vậy, các DN xuất khẩu sẽ khó trong việc chủ động nguồn hàng, giá cả để có thể ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

Hiện nay các nhà máy chế biến thủy sản mọc lên khá nhiều trong khi sản lượng đánh bắt, nguồn hàng có giới hạn, chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy chế biến, sản xuất nên phần nhiều nhà máy phải mua nguồn nguyên liệu thủy hải sản từ nước ngoài để gia công chế biến rồi tái xuất. Dĩ nhiên, điều này không thể nào mang lại lợi ích, hiệu quả cho DN lẫn nền kinh tế nước ta bằng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để chế biến và xuất khẩu, vì giá nhập khẩu nguồn nguyên liệu thường khá cao.

Mặt khác, vấn đề nguồn lao động hiện nay cũng là một khó khăn cho DN, bởi để có thể chế biến hàng cao cấp xuất khẩu, DN phải tự đào tạo tay nghề công nhân trong 6 tháng. Do vậy, DN cần có những chính sách đãi ngộ để giữ chân lao động, đồng thời tăng thu nhập cao mới có thể thu hút nguồn lao động về làm việc tại thành phố. Thực tế, so với các năm trước, hiện nguồn lao động về TPHCM làm việc có chiều hướng giảm đi. Một số lao động đã chọn làm việc tại các KCX – KCN ở địa phương, thay vì lên thành phố làm việc xa nhà. Do đó, đòi hỏi DN phải chi trả mức lương cho lao động làm việc tại TPHCM cao hơn nhiều, để lao động có thể trang trải cuộc sống ở thành phố và chấp nhận xa nhà.

Ông Phan Xuân Hồng - Tổng Giám đốc Cty may Sài Gòn 3:

Nột khi nền kinh tế đang gặp khóp khăn thì các Cty may xuất khẩu cũng như bao DN khác cũng không tránh khỏi vòng xoáy này. Lãi suất tăng cao, giá cả nguyên liệu cũng như các khoản chi phí khác đều tăng đã khiến các DN ảnh hưởng trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất. Ngành may ít đầu tư mở rộng nên tác động từ việc lãi suất cao trong năm nay không nhiều nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc hiện các DN hạn chế đầu tư mở rộng, mà chủ yếu duy trì hoạt động cầm chừng.

Dù các đơn hàng, thị trường xuất khẩu của ngành may tương đối ổn định, chúng ta đang có lợi thế giá cả sản phẩm ở mức vừa phải, không cao cũng không thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh; tuy nhiên với tình hình kinh tế như hiện nay, các DN không lời nhiều, chủ yếu đạt được mức duy trì hoạt động để chờ cơ hội mới trong những năm tiếp theo. Nguồn lao động của các DN hiện vẫn có tình trạng thường gặp như mọi năm, đó là đầu năm biến động, cuối năm ổn định. Do vậy, hiện các DN đang cố gắng chăm lo đời sống công nhân để giữ chân người lao động, ổn định sản xuất.

Theo LĐO