Hàng rong - Cấm hay không cấm?

16:43 | 15/06/2017

12,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không biết từ bao giờ, những gánh hàng rong đã trở thành một phần không thể thiếu với người dân đô thị. Ở Hà Nội, khắp các con phố, ngõ ngách đều có thể dễ dàng bắt gặp những người gánh hàng hóa đi bán rong. Thế nhưng, theo xu hướng phát triển của đô thị, sự tồn tại của những gánh hàng rong khiến nhiều người cho rằng, nó đang làm giảm đi nét đẹp của thành phố hiện đại…

Những mặt trái…

hang rong cam hay khong cam

PGS.TS Đặng Nguyên Anh

Hiện tại, chưa có thống kê chính xác và đầy đủ, nhưng ước lượng trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn người bán hàng rong, đa số đều là người ở các vùng lân cận về đây kiếm sống. Đặc biệt, tại khu vực quận Hoàn Kiếm, những người bán hàng rong tập trung nhiều hơn và có nhiều trường hợp đã gây mất trật tự đô thị. Đơn cử như việc người bán hàng rong vồ vập, mời chào, chèo kéo du khách mua hàng ngay cả khi họ đang ngồi ăn uống trong nhà hàng. Không những thế, những người bán hàng rong (gánh hàng, đẩy hàng bằng xe đạp, xe tự chế) rong ruổi cả ngày trên hè phố còn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cách đây nhiều năm, ngày 15-1-2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng chẳng dễ dàng vì nhiều lý do khác nhau. Có những khu vực, khi có lực lượng chức năng xuất hiện xử lý, giải tỏa, những người bán hàng rong tìm đủ mọi cách để trốn tránh, khi không có lực lượng chức năng họ lại tái diễn như một điệp khúc mà nhiều người ví von gọi là: “chợ chạy”, “chợ đuổi”, “chợ cóc”…

Đặc biệt, thời gian qua TP Hà Nội đã thực hiện quyết liệt chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, triển khai giải quyết vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng. Việc này khiến hoạt động bán hàng rong sẽ bị xử phạt buộc người bán hàng phải tìm địa điểm buôn bán đúng quy định hoặc chuyển đổi sang công việc khác. Điều này cũng không dễ dàng, bởi họ đa phần là người lao động nghèo và rất khó để tìm được công việc phù hợp.

Mới đây, tại phiên họp UBND TP Hà Nội tháng 5-2017, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đã trình bày Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”. Trong đề án nhắc đến nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong và cho rằng đối tượng này rất khó quản lý, đặc biệt là ở phương diện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Tại cuộc họp này, phần lớn các ý kiến bày tỏ đồng ý với đề án và cho rằng, trước mắt nên siết chặt quản lý những đối tượng này. Đây là cơ sở để từng bước dẹp hàng rong, kinh doanh vỉa hè.

Quản lý thế nào?

Liên quan tới vấn đề quản lý hàng rong tại thành phố, PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học - nêu quan điểm: “Vấn đề này cần phải được quan tâm và có giải pháp hợp lý, chứ cứ tranh luận mãi chuyện cấm hay không cấm cũng không thể giải quyết được gì. Mà nếu thực hiện việc cấm sẽ làm tổn thương nhóm xã hội này, bởi họ chỉ là những lao động nghèo, công việc của họ là chân chính. Do đó, cần phải có biện pháp thích hợp để quản lý”.

hang rong cam hay khong cam
Hình ảnh người dân gánh hàng rong đi bán

PGS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng: “Ở một số nước trong khu vực thì bán hàng rong là một phần của nền kinh tế và là một loại hình kinh tế vỉa hè, không phải đóng thuế. Hình thức kinh doanh này rất tiện dụng cho người dân. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng, nó ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, lấn chiếm vỉa hè, gây mất trật tự công cộng, mất an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm... nên cần phải loại bỏ. Song, cần phải hiểu rằng, có cung thì ắt có cầu, cho nên hình thức bán hàng rong vẫn tồn tại từ xưa đến nay.

Hơn nữa, hàng rong không phải là đối tượng lấn chiếm hè phố, bởi họ đâu có ngồi một ở chỗ mà luôn di chuyển để bán hàng. Người bán hàng cố định hay bán tại nhà mình lại chiếm dụng diện tích vỉa hè để kinh doanh.

“Do những người bán rong không cố định ở một chỗ nên các lực lượng chức năng không thể suốt ngày đuổi theo họ để thu quang gánh hay đồ đạc. Tôi thấy điều này thực sự không hay và không nên cứ không quản lý được thì lại cấm. Thêm nữa, người bán rong đều là những người nhập cư, lao động nghèo, họ phải tìm mọi cách để mưu sinh, nên dù có bị cấm thì họ vẫn cố bám nghề, bởi họ khó có thể kiếm việc khác”.

Hiện nay, tư duy của các nhà quản lý muốn loại bỏ hàng rong để đô thị phát triển, văn minh như ở Singapore hay Malaysia. Ví dụ ở Thái Lan vẫn có hàng rong và họ thực hiện rất tốt việc quản lý hình thức kinh doanh này tùy theo khu vực và thời gian. Vừa qua, chính phủ nước này đã phải bỏ lệnh cấm bán hàng rong, vì nó là một phần của du lịch, nếu loại bỏ hoàn toàn thì họ sẽ mất khách.

Ở Việt Nam, nếu loại bỏ hàng rong thì xã hội phải gánh chịu mối lo việc làm và đời sống cho nhóm đối tượng này. Vậy nên phải quản lý linh hoạt theo từng khu vực và theo thời gian mà ta cho phép hay cấm bán, chứ không thể cấm đồng loạt hay cho bán đồng loạt. Mỗi địa bàn được phép bán rong thì nên cho họ đăng ký và ổn định hoạt động ở nơi đó. Hay những mặt hàng có điều kiện thì nên đưa họ vào một khu vực để dễ dàng quản lý và nên tiến hành thí điểm ở một khu vực trước, nếu có hiệu quả thực sự thì tiến hành đại trà.

“Đối với khu vực du lịch, đặc biệt là nơi có nhiều khách nước ngoài thì không nên cấm hàng rong, vì đây chính là điểm thu hút khách du lịch. Như hiện nay, ở các phố trung tâm Hà Nội, có sử dụng khu vực công cộng để kinh doanh như khu phố ẩm thực hay khu phố chợ đêm cuối tuần. Một điều đáng quan tâm nữa là quản lý về chất lượng, như ẩm thực thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Hay như những người đánh giày tại các hàng quán thì phải bảo đảm không lừa đảo hay chuyện khách bắt chẹt lại các chú bé đánh giày... Những vấn đề này liên quan đến việc quy định lối sống đô thị. Nếu mọi chuyện yên ổn và mọi người tuân theo các quy định thì hàng rong sẽ trở thành một nét đẹp đô thị” - PGS.TS Đặng Nguyên Anh nói.

Tại Khoản 3, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Như vậy, hành vi bán hàng rong được coi là một trong số các hành vi Luật Giao thông đường bộ ngăn cấm để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì thế sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điểm b, Khoản 4, Điểm e, Khoản 5 điều này.

Thiên Minh - Chu Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc