Hai thành phố lớn: Hạn chế nhà cao cấp, phát triển nhà cho thuê

15:45 | 14/09/2011

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Xây dựng ngày 13/9 vừa trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp quản lý thị trường BĐS lành mạnh, theo đó, tại Hà Nội và TP HCM cần tăng tỉ lệ nhà chung cư cao tầng, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, căn hộ trên 120m2); phát triển mạnh nhà ở cho thuê...
Thị trường BĐS đang phát triển mất cân đối khi có quá nhiều nhà cao cấp như biệt thự, nhà liền kề…

Thị trường BĐS đang mất cân đối

Thời gian qua, hoạt động của thị trường bất động sản đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Giá cả hàng hóa bất động sản, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn.

Đặc biệt, mặc dù các dự án BĐS liên tục được triển khai, nhưng cơ cấu lại mất cân đối vì thiếu các loại căn hộ có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.

Điều này dẫn đến nhiều người nghèo không có khả năng mua nhà, dù là nhà thu nhập thấp, trong khi đó, việc đi thuê nhà hiện nay là rất khó khăn do cung ít hơn cầu, giá cả ngày càng tăng cao và không ổn định, có thể bị đòi nhà bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các khu công nghiệp chậm được triển khai.

Với sự thiếu quyết tâm và chưa chủ động bố trí nguồn lực của các địa phương. Thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở một bộ phận lớn dân cư đô thị.

Bộ Xây dựng cũng đã nhận định, tình trạng phát triển đô thị hiện nay thiếu quy hoạch, kế hoạch phát triển tự phát, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.

Đặc biệt, hệ thống tài chính BĐS hiện nay chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở.

Trong khi đó, công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu thuế trong giao dịch BĐS, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm khả năng thanh khoản của thị trường BĐS cũng như của hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian tới, cần phát triển mạnh dạng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân

Sẽ hạn chế nhà cao cấp, phát triển mạnh nhà cho thuê

Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, ngày 13/9 Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình về việc đề nghị ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp quản lý thị trường BĐS lành mạnh.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ trong Quí III/2011 “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các giải pháp tổng hợp, dài hạn nhằm tạo điều kiện để thị trường BĐS nhà ở phát triển lành mạnh, bền vững; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh BĐS.

Một trong số các điểm chính của chiến lược là yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc dành 20% diện tích đất trong các dự án phát triển nhà ở và tổ chức triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng đề án nhà ở, cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội giá rẻ để cho thuê, cho thuê mua; nghiên cứu, soạn thảo Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở, trình Chính phủ trong Quý IV/2011.

Đối với Bộ TN&MT, Tờ trình đề nghị Thủ tướng giao Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương về phương pháp xác định giá đất sát giá thị trường theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư với các thủ tục nhanh gọn, chính xác; cho phép các chủ đầu tư dự án đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do địa phương ban hành tại thời điểm nộp tiền sử dụng đất.

Tờ trình đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu và trình Chính phủ trong Quý IV/2011 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, để triển khai thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai; nghiên cứu, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch BĐS theo hướng người nộp thuế được nộp thuế với mức thuế suất 2% trên giá trị BĐS giao dịch, trường hợp người nộp thuế chứng minh được thu nhập và chi phí thì được nộp với mức thuế suất 25% trên thu nhập.

Về vốn cho BĐS, Tờ trình đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay BĐS để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các dự án đã xây xong phần thô đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, tăng tỉ trọng cho vay mua nhà để ở; trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ các dự án nhà ở xã hội), các dự án BĐS cao cấp (như dự án căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu/m2, hoặc diện tích trên 120 m2, biệt thự, nhà liền kề).

Tờ trình đề nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở, phát triển khu đô thị mới trên địa bàn, yêu cầu các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công, có biện pháp bảo đảm các dự án được triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cho phép triển khai các dự án tại các địa điểm mà không có kế hoạch khả thi cung cấp đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị, cũng như sự phù hợp của các dự án với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, Tờ trình đề nghị các địa phương ban hành quy định và kiểm soát khi thỏa thuận đầu tư để có nhiều loại cơ cấu căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở, ưu tiên phát triển nhà ở có diện tích trung bình (từ 70m2 đến 90m2) và diện tích nhỏ (dưới 70m2) có giá bán hợp lý; tại các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP HCM cần tăng tỉ lệ nhà chung cư cao tầng, bảo đảm tỉ lệ căn hộ nhà chung cư đạt trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số đơn vị nhà ở thương mại xây dựng mới; phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo VnMedia