Hải sản miền Trung: Loại nào ăn được, loại nào chưa ăn được?

11:51 | 20/09/2016

573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào sáng 20/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đa số hải sản miền Trung đã ăn được, chỉ 1 số loại sống tầng đáy chưa an toàn.
hai san nao cua 4 tinh mien trung khong an duocFormosa "lọt cửa" vì quy định kiểm soát công nghệ yếu kém?
hai san nao cua 4 tinh mien trung khong an duocBộ trưởng TN&MT muốn Formosa nuôi cá trong bể nước thải
hai san nao cua 4 tinh mien trung khong an duocBộ TNMT và Hà Tĩnh phải làm rõ trách nhiệm vụ Formosa xả thải

Theo Bộ Y tế, theo kết quả nghiên cứu hải sản đánh bắt tại biển 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế do Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tất cả các loại hải sản đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua.

Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Đối với hải sản tại các đầm nuôi cũng đảm bảo an toàn.

hai san nao cua 4 tinh mien trung khong an duoc
Hình ảnh cá biển miền Trung bày bán trở lại sau vụ cá chết hàng loạt.

Với chất độc Phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má… và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có Phenol.

“Có 132 trong tổng số 1.040 mẫu hải sản sống ở tầng đáy của 4 tỉnh miền Trung có Phenol ở các loại như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá. Phân bố 132 mẫu hải sản phát hiện có phenol đều nằm trong vùng bán kính từ 5-25km. Tỉ lệ nhiễm cao nhất ở biển Hà Tĩnh và Quảng Bình, thấp nhất ở biển Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế” – ông Nguyễn Thanh Long.

Kết luận cũng nêu rõ, tất cả hải sản cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hổ, cá bò, cá cam, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản ở đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung đều có thể làm thực phẩm.

“Các loại hải sản khác ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng bán kính 20 hải lý chưa an toàn để làm thực phẩm” - kết luận nêu rõ.

Bộ Y tế đề nghị người dân không ăn các loại hải sản chưa an toàn.

UBND 4 tỉnh miền Trung tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phân loại hải sản theo từng lô, Sở Y tế 4 tỉnh lấy mẫu từng lô và kết quả cho từng đơn vị quản lý được cấp tỉnh giao nhiệm vụ. Đối với những lô hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định.

UBND các 4 tỉnh miền Trung cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về các loại hải sản chưa đảm bảo an toàn và chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo việc khai thác, sử dụng hải sản an toàn.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các loại hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung. Tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các loại hải sản ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để xét nghiệm, giám sát.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở phân tích 1080 mẫu nước biển lấy tại thời điểm tháng 5/2016 và 331 mẫu nước biển lấy tại thời điểm tháng 6/2016 và 68 mẫu nước biển lấy vào thời điểm tháng 8/2016, qua đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy, hầu hết các thông số Xyanua, phenol, sắt… nằm trong giới hạn cho phép.

Minh Tùng