Hải quan điện tử đi vào chiều sâu

09:24 | 05/10/2011

410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chiến lược phát triển của Ngành Hải quan giai đoạn 2011 2020 xác định: Cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo thuận lợi về thương mại là nhiệm vụ trọng tâm và một trong những “trụ cột” của quá trình cải cách này là phát triển hải quan điện tử.

Phát triển HQĐT để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Những tín hiệu lạc quan

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến thời điểm này, hải quan điện tử (HQĐT) được thực hiện tại 13 cục và 80 chi cục, thu hút 42.381 doanh nghiệp tham gia. Kết quả thực hiện HQĐT với 2 chỉ tiêu quan trọng là kim ngạch và tờ khai của toàn ngành đạt khoảng 66%.

Ông Vũ Ngọc Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2011, đối với 13 cục hải quan tỉnh, thành phố, HQĐT sẽ được triển khai ở tất cả các loại hình hàng hóa, đạt tỷ lệ 80% kim ngạch và tờ khai thông quan HQĐT. Hiện tại ngành này tiếp tục triển khai tại 7 đơn vị (Cục Hải quan Long An, Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam), trong đó mỗi đơn vị lựa chọn từ 1-2 chi cục hải quan có khối lượng công việc lớn để thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong năm 2011

Theo Cục Công nghệ thông tin (CNTT), trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành Hải quan để thực hiện hiệu quả, tập trung các nhiệm vụ chủ yếu như: triển khai mở rộng HQĐT; áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, thực hiện thí điểm thành công thanh toán thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của cơ quan hải quan dưới hình thức thanh toán điện tử với hệ thống kho bạc – các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng đã duy trì hệ thống ứng dụng CNTT cho các đơn vị hải quan, tăng cường cung cấp dịch vụ công, triển khai đồng bộ hạ tầng truyền thông cho các đơn vị hải quan trong toàn ngành.

Trong 8 tháng đầu năm 2011, tại 13 cục hải quan địa phương đã triển khai HQĐT (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Lào Cai, Hà Tĩnh, Cần Thơ) đã thông quan trên 2 triệu tờ khai, chiếm tỷ lệ trên 74,5% tổng số tờ khai phát sinh. Còn tại 7 cục hải quan địa phương mới bắt đầu triển khai như Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Long An, Tây Ninh, số lượng tờ khai, kim ngạch, lượng DN tham gia cũng bắt đầu tăng dần.

3 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2011 – 2015

Theo kế hoạch chiến lược phát triển ngành Hải quan giai đoạn 2011-2020, ngành phấn đấu từ năm 2011 đến năm 2015 thực hiện HQĐT đối với 100% các cục, chi cục hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm); áp dụng HQĐT cho khoảng 60% doanh nghiệp (DN), đạt 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Cũng trong giai đoạn này, thời gian thông quan hàng hóa phấn đấu bằng với mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm năm 2010; tỷ lệ kiểm tra hàng hóa thực tế là dưới 10%; tỷ lệ các giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia là 50%.

Để đạt được những mục tiêu lớn trong giai đoạn 2011-2015, trước mắt, ngành Hải quan thực hiện một số nội dung cơ bản cho việc cải cách.

Thứ nhất, xây dựng, sớm trình Quốc hội ban hành Luật Hải quan mới và các văn bản hướng dẫn thi hành để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội, của đất nước và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

Thứ hai, ngành cũng hướng đến mục tiêu đơn giản, hài hòa chế độ quản lý hải quan, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, nâng cao trình độ, năng lực quản lý thuế của Hải quan Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực; Chuyển đổi mạnh mẽ phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử. Áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp có độ tuân thủ cao, các quy định về can thiệp bằng ngoại lệ và tuân thủ sau thông quan.

Thứ ba, thúc đẩy công tác kiểm tra sau thông quan nhằm đạt trình độ chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, dựa trên nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, tiến tới thay thế dần kiểm tra trong thông quan. Đến 2015, hoạt động kiểm tra của hải quan chủ yếu là kiểm tra sau thông quan.

Thanh Ngọc