Hai lời xin lỗi

07:05 | 17/08/2016

813 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần qua có hai lời xin lỗi được ghi nhận liên quan đến con người.

Một là lời xin lỗi từ bên kia bán cầu xa xôi của kình ngư 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên đã không vào được chung kết nội dung nào trong 3 lần thi đấu.Kết quả lần này của Ánh Viên còn kém so với thành tích tại giải Vô địch thế giới 2015 và SEA Games 28. Ánh Viên thừa nhận mình đã thi đấu rất tệ: “Thực sự tại Olympic này em rất hy vọng ở nội dung 400m hỗn hợp. Em đã đặt mục tiêu vào chung kết ở nội dung này nhưng không thể làm được. Hai cự ly tiếp theo em đều thực hiện kém với năng lực của mình…”.

hai loi xin loi

Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam nhận hết trách nhiệm về mình và nói lời xin lỗi mọi người, em hứa sẽ cố gắng phấn đấu để không lặp lại thất bại.

Lời xin lỗi thứ hai không phải của cá nhân mà là của đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân và Bộ Công an đối với ông Trần Văn Thêm ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, người 2 lần bị tuyên án tử hình vì hành vi “giết em họ để cướp tiền”.

hai loi xin loi

Sau hơn 4 năm tù, đến năm 1975 - hung thủ thật sự bị bắt, ông Thêm được về nhà với một tờ giấy... thả cho về chữa bệnh.

Thế nhưng, suốt 41 năm qua, những tờ đơn kêu oan, kể cả được viết bằng máu của ông đã bị ngó lơ. Người của cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương đòi hỏi người tử tù này phải nộp các giấy tờ chứng minh đã từng bị kết án tử hình và từng bị tù giam đến 4 năm…

Bắt buộc một tử tù phải tự chứng minh mình đã đi tù, đã bị kết án tử hình là chuyện chỉ có ở Bắc Ninh. Báo chí đưa tin, cơ quan có thẩm quyền đã rất “nhanh chóng” vào cuộc! Hóa ra, người ta lý giải do vụ án xảy ra lâu quá rồi, không thể tìm thấy hồ sơ, chiến tranh làm “thất tán” tài liệu. Đã có những quy trình, quy tắc, quy định được nại ra để lý giải vì sao sinh mệnh một công dân vô tội lại bị quên lãng vô nhân đạo đến như vậy?

May quá, hồ sơ, tài liệu vẫn lưu giữ ở Công an Bắc Ninh và phúc đức cho ông Trần Văn Thêm khi Luật sư Nguyễn Văn Hòa và Vũ Văn Lợi đã tìm thấy để kêu oan cho ông. Có nhà báo bình luận rằng, trong vụ này nếu có cái gì đó “thất tán” thì đó chính là thất đức, thất nhân tâm của những quan án. Biết chắc mình sai nhưng ngậm miệng làm thinh, thây kệ thân phận của con sâu cái kiến.

Phó chánh án TAND cấp cao nói lời xin lỗi: “TAND cấp cao tại Hà Nội là TAND Tối cao hiện nay và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Thêm và gia đình theo quy định của Nhà nước. Việc truy tố xét xử và minh oan kéo dài nhiều năm gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Đây là bài học đắt giá, xin được chân thành xin lỗi ông và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình bảo vệ công lý, quyền con người. Ngay ngày hôm nay, chúng tôi sẽ thực hiện trách nhiệm về việc công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin và thực hiện đền bù”.

Hàng nghìn người dân đã đổ về hội trường để chứng kiến việc xin lỗi quá muộn màng của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với ông lão bị hàm oan. Được con cháu dìu vào, ông Thêm bảo mong mỏi ngày này từ rất lâu, rồi rưng rưng thương khóc người vợ quá cố đã đồng cam cộng khổ đằng đẵng đi kêu oan với ông suốt 40 năm qua. Bà con ở thôn Đức Lân, xã Yên Phú, quê hương ông Thêm cho rằng, ông Thêm nghèo tới mức “không bị chết đói, sống đến được bây giờ là may lắm rồi”. Mà là may thật, chậm nữa có lẽ phải “hóa vàng” lời xin lỗi muộn màng cho ông.

Theo nội dung vụ án, năm 1970 ông Thêm bị cáo buộc giết hại ông em họ là Nguyễn Khắc Văn tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên phạt ông Thêm tội tử hình. Ngày 26-1-1976, ông Thêm được trả tự do vì Cơ quan Điều tra xác định được thủ phạm của vụ án. Hai bản án kết tội ông Thêm đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại từ đầu. Thế nhưng, sau đó vài năm, nghi phạm đã chết khiến vụ án bị kéo dài nên ông Thêm chưa được cơ quan có thẩm quyền nào xác định vô tội…

Sau khi đại diện Cơ quan Công an đọc quyết định đình chỉ điều tra với ông Thêm, Phó chánh án TAND Tối cao tại Hà Nội Trần Văn Tuân thay mặt cơ quan tố tụng nói lời xin lỗi. Đây là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử sơ và phúc thẩm vụ án vào giai đoạn năm 1970. Đây là bài học qua đắt giá, TAND Tối cao tại Hà Nội chân thành xin lỗi và mong “ông Thêm thông cảm, chấp nhận…”.

Đáp lời, ông Thêm chấp nhận việc xin lỗi và xin bà con làng xã, quê hương và gia đình ông Văn thông cảm nỗi oan ức hàng chục năm qua. Ông mong tình cảm hai gia đình lại gắn kết như xưa.

Có một luật sư nói rằng, theo luật định, những người gây oan sai cho ông Thêm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã hết thời hiệu. Thế hóa ra “đánh bùn sang ao” à? Cứ cho là không truy tố nhưng người vô trách nhiệm gây oan sai kéo dài 43 năm cho ông Thêm nhưng cũng phải làm cho ra nhẽ vụ này chứ? Sinh mạng của một con người rẻ rúng thế ư? Ngoài ra cơ quan tố tụng cũng cần minh bạch về kẻ giết ông Văn trả lại công bằng cho con cháu người đã chết oan ức.

Thọ Vinh

Năng lượng Mới số 549