Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế quý II/2017

10:48 | 15/04/2017

849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo TS Đặng Đức Anh – Trưởng Ban phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), tăng trưởng GDP quý II/2017 có thể diễn ra theo 2 kịch bản: Kịch bản cơ sở là 5,6% và kịch bản kế hoạch là 6,27%.
hai kich ban cho tang truong kinh te quy ii2017
Ảnh minh họa.

Trao đổi tại hội thảo Dự báo kinh tế quý II/2017 do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức, TS Đặng Đức Anh cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức này được thể hiện ở mức tăng trưởng 5,1% cũng như hiện tượng nhập siêu trong quý I/2017.

Theo TS Anh, bên cạnh các vấn đề về tăng trưởng công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo, xây dựng... cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có vấn đề. Cơ cấu xuất khẩu trong 6 năm qua gần như không thay đổi, trong đó có các mặt hàng điện thoại, linh kiện điện tử chiếm tỉ trọng lớn. Nhập khẩu cũng có bức tranh khá tương đồng khi vẫn chủ yếu là các linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, các nguyên phụ liệu...

“Thực tế trên thể hiện nền kinh tế của chúng ta vẫn gia công là chủ yếu và gần như không có chuyển biến về chất. Chúng ta tiếp tục nhập khẩu lớn các mặt hàng nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất trong nước, trong khi các ngành công nghiệp phụ trợ rất kém phát triển” – TS Anh đưa nhận định.

Tăng trưởng doanh nghiệp được nói đến như là điểm sáng nhưng không đủ tạo đột biến trong nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã có những cải thiện rất mạnh mẽ về thủ tục đăng ký kinh doanh nên đã có một lượng lớn hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Vậy nên, số vốn, số doanh nghiệp mặc dù được ghi nhận là hơn 110 ngàn của năm 2016 nhưng thực ra số vốn đó vẫn đang tồn tại trong nền kinh tế, chưa chắc đã phải là mới. Thứ nữa, các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ, hoạt động trong các ngành dịch vụ là chủ yếu nên đóng góp vào GDP không nhiều...

Đưa dự báo về tăng trưởng kinh tế trong quý II/2017, TS Anh tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ nhiều bởi các diễn biến tích cực của kinh tế thế giới. Đó là đà phục hồi chung của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn ở châu Âu, Mỹ...; thương mại toàn cầu khả quan; giá dầu được dự báo lạc quan... Ở trong nước, niềm tin kinh doanh ổn định khi theo điều tra của Tổng cục Thống kê về thì 51% doanh nghiệp cho rằng quý II có đơn hàng cao hơn quý I, cao hơn cùng kỳ 2016; Đầu tư khu vực tư nhân, FDI khởi sắc với những nỗ lực, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của chính phủ.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quý II cũng phải đối diện với không ít thách thức. Đó là khu vực nông, lâm thủy sản vẫn chịu tác động nặng nề của khí hậu; giải ngân vốn ngân sách, trái phiếu khó khăn, không có đột biến nhiều; lạm phát phụ thuộc biến động giá dầu cũng như diễn biến thị trường tài chính thế giới...

Từ những phân tích trên, với giả định công nghiệp chế biến chế tạo dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, cao hơn quý I/2017; mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn quý I; tỉ giá tương đối ổn định, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng cao; tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước cao hơn quý I... thay mặt nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, TS Đặng Đức Anh đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho quý II/2017.

Kịch bản cơ sở: GDP quý II đạt khoảng 5,6%. Dự báo này được đưa ra dựa trên xu hướng tăng trưởng quý II những năm gần đây thường cao hơn quý I từ 0,2 đến 0,4 điểm.

“Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng này là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, phải thấy rằng đây là mức mà chúng ta phải nỗ lực rất nhiều mới đạt. Và với tăng trưởng này, tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo theo chúng tôi là 6,4%, 7,1% và cả năm là 6,2%” - ông Đức Anh nói.

Kịch bản kế hoạch: GDP đạt khoảng 6,27%. Kịch bản này được đưa ra dựa trên mục tiêu tăng trưởng 6,7% được Chính phủ đặt ra trong năm 2017.

Cũng tại hội thảo trên, các chuyên gia của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đều cho rằng, để đạt được các mức tăng trưởng trên Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư...

Thanh Ngọc