Hãi hùng phòng khám không bác sĩ

09:20 | 06/05/2012

1,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc cho những kết quả báo cáo của ngành y tế luôn tự hào: “Từ trước đến nay Hà Nội chưa phát hiện cơ sở y tế nào vi phạm vấn đề thuê bằng hoặc không bằng” thì giữa thủ đô vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại những cơ sở y tế lớn không có lấy một bằng bác sĩ.

8 giờ 30, thứ Bảy, các phòng khám răng hàm mặt trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) đã nhộn nhịp. Bệnh nhân đến, người thì nhăn nhó, người thì sưng đến lệch cả một bên má, người thì mắt thâm quầng vì đau răng, mất ngủ. Bỗng tiếng chuông điện thoại đổ vang. Cô kế toán viên kiêm thu ngân ngồi ở quầy thanh toán thong thả nhấc máy. Nhưng rồi giọng cô bỗng dồn dập, mặt biến sắc: “Alô… vâng… vâng… vâng… em biết rồi!”. Cô dập máy xuống, quay sang người y tá giọng hết sức khẩn trương: “Nhanh lên, có thanh tra!”.

Theo bác sĩ rởm đi… trốn

Phòng khám ở đây vốn là căn nhà tập thể cũ được sửa lại, tuy chật chội nhưng cũng tương đối ngăn nắp. Tôi chỉ kịp nhìn thấy cô y tá dạ một tiếng, rồi chạy ngoắt lên tầng 2. Một phút sau, cả bác sĩ và bệnh nhân lũ lượt theo nhau đi xuống. Ngay đầu phòng ở tầng 1, có một bác sĩ đang lúi húi cầm máy mài doe doe trong miệng bệnh nhân vội buông máy nói với người bệnh: “Chị thông cảm ra kia ngồi đợi tý, hết thanh tra tôi làm tiếp cho chị”. Không thấy bệnh nhân kịp nói gì cả, chỉ thấy bác sĩ nhét vào miệng chị ta một cục bông to tướng… Trong chốc lát cả một dãy ghế chờ chật cứng, người nào người nấy má phải hoặc má trái phùng lên, ngộ nghĩnh và nhăn nhó.

Nghề y là nghề phức tạp, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người

Trong khi các y tá vội vã thu dọn dụng cụ khám chữa, một vài bác sĩ đã di tản sang ngõ bên cạnh uống trà đá. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với phòng khám này!

Tôi ngồi ngoài dãy ghế chờ, ghé sát tai vào cửa và nghe được đoạn hội thoại của mấy y tá trong phòng.

Một y tá hỏi:

- Có cần gọi điện cho bác sĩ Minh không chị, họ kiểm tra có vẻ gắt?

Tiếng người khác:

- Ôi dào, kiểm tra cái gì? Lấy đâu ra bác sĩ? Ở đâu chẳng vậy, bảo mấy thằng chưa có bằng ra quán trà đá ngồi, bọn kia có bằng y sĩ hết rồi. Anh Minh đã lo trên dưới hết rồi. Khỏi lo!

Vậy là đã rõ. Ở đây chẳng có ai là bác sĩ cả, chỉ vài người là y tá, còn lại là bác sĩ “phủi” không một mảnh bằng. Thế nên, khi đoàn kiểm tra đến là họ lẩn như trạch.

Khoảng 15 phút sau cả phòng khám ai lại vào việc nấy hết sức bình thường. Chẳng biết có phải vì vô tình, vì vội vã hay vì đã quá tin tưởng chủ phòng khám ở đây mà đoàn kiểm tra không hề đề cập đến bất cứ một nội dung nào liên quan đến vấn đề tay nghề, bằng cấp của những vị bác sĩ đang hành nghề tại phòng khám này.

Từ phòng khám này, tôi lò dò ra quán trà đá, nơi các bác sĩ “rởm” vừa lánh nạn. Bà chủ vui chuyện nói: “Phòng khám này có từ gần chục năm rồi. Anh chủ chẳng học hành gì mà mở được một lúc ba cái phòng khám, một ở đây, một trên phố Vọng, một ở cổng Bệnh viện 108. Anh ta làm ăn phát đạt lắm, kéo hết họ hàng nội ngoại ở quê lên làm, đứa thì nhổ răng, đứa thì y tá, đứa thì kế toán… cấm có phải thuê người ngoài. Tôi ngồi đây tôi biết, mấy anh bên đấy cứ qua đây uống nước nói chuyện suốt, đúng là một người làm bác sĩ cả họ được nhờ, con cháu chẳng cần phải học hành gì cả, cứ chạy cho đi học hai năm trung cấp y là về làm, có mấy đứa chưa học, vẫn vào khám răng như thường…”.

Nghe đến đây mà tôi lạnh cả tóc gáy, bất chợt đưa mắt sang bên kia đường. Qua lớp cửa kính trong suốt, cảnh tượng trên ghế khám một nữ bệnh nhân ngoan ngoãn nằm thẳng cẳng, mồm há, mắt nhắm tít vì ánh đèn chói rọi thẳng xuống mặt. Một vị áo trắng, bịt khẩu trang kín mít (chẳng biết nam hay nữ) vẫn đang hí hoáy mài mài đục đục hết sức kiên trì…

Đi chợ mua thuê bằng bác sĩ

Chuyện bác sĩ không bằng cấp, bác sĩ thuê bằng cấp, bác sĩ tự phong rồi mở phòng khám bệnh đã không còn là chuyện xa lạ với nhiều người. Cái mà chúng tôi thực sự hoang mang là hiện tượng này gần đây đã trở lại rầm rộ, sôi động và công khai đến như vậy. Bất chấp lương tâm nghề y, bất chấp những nguy hiểm khó lường cho người bệnh, họ vẫn vô tư “lừa” người bệnh mà khi họ đã vào đây thì chỉ còn nước “trăm sự nhờ cả vào bác sĩ”.

Tình trạng quá tải tại bệnh viện công là cơ hội sống cho các phòng khám tư

Tôi thử seach google cụm từ “thuê bằng bác sĩ” và giật mình khi thấy có đến 6.400.000 kết quả với nhan nhản các kiểu quảng cáo cho thuê bằng. Đại loại như: “Hiện tôi đã về hưu, muốn cho thuê bằng để mở phòng khám, các bạn đồng nghiệp quan tâm xin liên hệ BS Huy 01222555xxx; bác sĩ Hoàng Thanh Hải, tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, bằng bác sĩ Đa khoa, có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y học Cổ truyền. Có nhu cầu cho thuê bằng mở phòng khám tư và nhận đứng tên các dịch vụ xông hơi, massage…”. Qua một số nguồn tin, chúng tôi được biết, thậm chí bây giờ còn có dịch vụ từ A đến Z cho những “thượng đế” muốn thuê bằng, mở phòng khám. Chỉ cần có ý định, chấp nhận được giá cả thì việc của họ là làm hồ sơ đưa cho trung gian. Trung gian sẽ nhận “chạy” hết từ A đến Z làm luôn thủ tục mở phòng khám. Chủ phòng khám không cần động tay. Thông thường, với một bằng dược sĩ đại học thì tiền thuê là 10-15 triệu/tháng; bằng bác sĩ răng hàm mặt 5-7 triệu/tháng; với những bằng bác sĩ chưa đủ 5 năm kinh nghiệm chỉ tốn có 2-3 triệu đồng/tháng.

Mặc cho những kết quả báo cáo của ngành y tế luôn tự hào: “Từ trước đến nay Hà Nội chưa phát hiện cơ sở y tế nào vi phạm vấn đề thuê bằng hoặc không bằng” thì giữa thủ đô vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại những cơ sở y tế lớn không có lấy một bằng bác sĩ.

Cần mạnh tay hơn

Lạ một điều là, hiện nay, y học hiện đại không có khái niệm y sĩ. Nếu tra từ điển thế giới cũng không có từ này. Xét một cách kỹ lưỡng thì y sĩ là một từ cổ chỉ một chức quan trông coi việc chữa bệnh trong thái y viện thời xưa. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã tranh thủ đào tạo người Việt Nam thành người phụ việc cho bác sĩ, gọi chung là y sĩ. Trong những năm chiến tranh, để phục vụ nhu cầu cứu chữa thương binh gấp gáp trên chiến trường thì y sĩ có vai trò và chức năng giống bác sĩ. Ở thời bình, có một thời gian y sĩ được đào tạo nhằm “chống cháy” cho sự thiếu hụt bác sĩ nghiêm trọng trong ngành y. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, các trường đại học đã đào tạo được lượng bác sĩ tương đối chất lượng thì việc một số cơ sở vẫn tiếp tục duy trì đào tạo y sĩ như là một cách duy trì sự tồn tại của cơ sở đào tạo và cũng là con đường để một số người thi rớt hệ đại học, “mượn đường” y sĩ để học lên bác sĩ.

Y học là một ngành khoa học vô cùng phức tạp, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng con người. Thế nên, đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức rộng, tay nghề tốt. Ở một số nước tiên tiến, thời gian học để trở thành bác sĩ có thể kéo dài từ 9 đến 12 năm. Vậy nên, việc đào tạo y sĩ theo kiểu “siêu tốc” với điều kiện yếu kém của các cơ sở đào tạo y sĩ là điều hết sức phi lý và nguy hiểm.

Ở một khía cạnh khác, hiện nay giấy phép mở phòng mạch, phòng khám tư là do Sở Y tế các tỉnh, thành phố cấp. Các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa đang làm việc tại bệnh viện công được phép mở những phòng khám kiểu này. Thế nên mới tồn tại tình trạng có rất nhiều phòng mạch, phòng khám tư thực chất chỉ có tên bác sĩ gắn trên tấm biển. Còn lại bệnh nhân, thậm chí là các y tá, y sĩ làm việc tại phòng khám cũng không tường mặt bác sĩ trên biển đó là ai!

Điều đáng buồn là mặc dù Bộ Y tế tuyệt đối nghiêm cấm cho thuê bằng nhưng nhiều năm qua, các cơ quan chức năng nghành y vẫn không kiểm soát được tình hình. Khi nào có sự cố xảy ra dù có đủ chứng cứ để xử phạt thì cũng đã muộn, người bệnh là người chịu thiệt nhiều nhất.

Đã đến lúc Bộ Y tế phải đặc biệt xem xét, thẩm định thật kỹ lưỡng trước khi cấp phép hoạt động cho các phòng khám tư nhân, thậm chí phải xử lý hình sự những đối tượng “treo đầu dê bán thịt chó” lừa gạt người bệnh. Sức khỏe con người là điều hết sức quan trọng và trong khi chờ đợi được bảo vệ thì có lẽ mỗi người chúng ta nên tự bảo vệ mình.

Minh Tiến

Báo Năng lượng Mới số 117 ra ngày 4/5/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc