Hai giọt nước mắt trong đời ông Nguyễn Cao Kỳ

16:00 | 23/07/2011

1,568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“30 năm trước tôi khóc vì tôi đã phải rời bỏ quê hương. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc. Và khi tôi nhìn thấy TP.HCM từ trên máy bay trong lần trở về này thì cũng là lần thứ hai trong đời tôi nước mắt lại tuôn ra. Lại một lần khóc nữa vì tôi tìm lại quê hương” >> Ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời

Ông Nguyễn Cao Kỳ từng giữ cương vị Thủ tướng giai đoạn 1965-1967 và Phó Tổng thống giai đoạn 1967-1971 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Là người từng được coi là có tư tưởng cực đoan. Nhưng kể từ năm 2004, ông Kỳ được nhiều ý kiến đánh giá là một trong những biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc.

Cả cuộc đời ông được ghi dấu bởi sự kiện, có thể là chính sử, cũng phần nhiều là giai thoại nhưng đậm tính cách ngang tàng, dữ dội.

Quá khứ

Theo một số tài liệu, ông Nguyễn Cao Kỳ sinh ngày 23/ 7/ 1930 tại Sơn Tây (Hà Nội), tham gia Quân đội Quốc gia Việt Nam năm 1952 và được đưa vào huấn luyện tại Trường sỹ quan trừ bị khoá I ở Nam Định. Sau đó Nguyễn Cao Kỳ được chọn đi đào tạo tại Trường không quân Marrakech tại Maroc.

Ông Nguyễn Cao Kỳ thời kỳ trước năm 1975

Sau Hiệp định Genève, ông ở lại tham gia Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trở thành một trong những phi công và sĩ quan chỉ huy đầu tiên của Không lực Việt Nam Cộng hoà. Khi đảo chính 1963 nổ ra, ông đứng về lực lượng đảo chính, nắm quyền chỉ huy không quân, tạo áp lực buộc lực lượng trung thành với tổng thống Ngô Đình Diệm phải đầu hàng.

Sau cuộc đảo chính, Nguyễn Cao Kỳ thăng chức nhanh chóng. Ông trở thành Tư lệnh không quân, mang hàm Thiếu tướng và là Ủy viên của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Tư cách Ủy viên Hội đồng tiếp tục là cơ hội để ông có bước tiến mới về chính trị, tướng Kỳ càng nổi lên tại chính trường Sài Gòn sau cuộc đàn áp đấu tranh của Phật giáo và mưu toan ly khai của tướng Nguyễn Chánh Thi ở miền Trung năm 1965.

Năm 1967, ông cùng với tướng Nguyễn Văn Thiệu ứng cử và đắc cử Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa nhiệm kỳ 1967-1971.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ rút lui khỏi vòng bầu cử Tổng thống năm 1971 của chính quyền Sài Gòn vốn được các nhà chính trị đương thời nhìn nhận như “một trò hề chính trị”.

Cho tới nay, nhiều người sống ở miền Nam trước 1975 vẫn truyền tụng giai thoại tướng Kỳ “râu kẽm” tự lái máy bay riêng, bay sát sàn sạt khu vực trung tâm Sài Gòn nơi trụ sở Hãng Hàng không Air Vietnam (gần Trụ sở UBND TP bây giờ) để thả thư tỏ tình cầu hôn với cô tiếp viên hoa khôi Đặng Tuyết Mai.

Trong tự sự của mình, ông Kỳ viết: “Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng sự ly thân và tiếp theo đó chúng tôi đã ly dị. Sau khi ly dị với vợ tôi, theo lời của một nhà báo, tôi đã hưởng được “hai năm hết sức sôi động của một người có số đào hoa”.

Có lẽ tôi không cần phải đính chính là sự nhận xét trên đã được phóng đại như thế nào và thực ra tôi cũng đã vui chơi nhiều và thoải mái trong lúc bấy giờ bởi vì tất cả chúng tôi đều không biết sống chết ngày nào và cần phải sống vội khi mình được sống”.

Năm 1962, ông Kỳ chia tay với bà vợ người Pháp sau khi đã có với nhau 5 người con. Hai năm sau, ông kết duyên của bà Đặng Tuyết Mai.

Ngày 29/4/1975, trước thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Nguyễn Cao Kỳ tự lái máy bay trực thăng ra hàng không mẫu hạm Midway, bắt đầu chuỗi ngày phải sống lưu vong. Ở Mỹ một thời gian, ông Kỳ và bà Mai chia tay.

Theo lời tự thuật của ông với báo chí trong những lần trở về Việt Nam, ông kiếm sống bằng cách đi làm thuê trong hơn 10 năm đầu sống trên đất Mỹ.

Tìm về nguồn cội

Kể từ năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ đã về Việt Nam bốn lần. Vợ cũ của ông, bà Đặng Tuyết Mai và con gái ông, Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng nhiều lần về thăm quê hương. Bà Đặng Tuyết Mai đã mở quán “Phở Ta” tại số 12-14 đường Lê Qúy Đôn – quận 3 – TP. Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Cao Kỳ Duyên mở một quán cà phê lớn ngay bên cạnh sông Hàn tại TP Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Cao Kỳ trong một lần được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Khi trở về Việt Nam, ông được nhiều cán bộ nhà nước đón tiếp.

Với nhiều phóng viên có mặt tại khách sạn Sheraton TP Hồ Chí Minh vào chiều 15/1/2004, là một ngày đặc biệt. Trong chuyến lần đầu trở về Việt Nam kể từ năm 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ đã có buổi trò chuyện với giới báo chí trong và ngoài nước.

“Đây là lần đầu tiên tôi trở về VN sau 30 năm, còn hai tuần nữa tôi bước sang tuổi 75” – ông Kỳ mở đầu câu chuyện.

“30 năm trước tôi khóc vì tôi đã phải rời bỏ quê hương. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc. Và khi tôi nhìn thấy TP.HCM từ trên máy bay trong lần trở về này thì cũng là lần thứ hai trong đời tôi nước mắt lại tuôn ra. Lại một lần khóc nữa vì tôi tìm lại quê hương”, ông Nguyễn Cao Kỳ đã khóc khi nhắc lại câu chuyện này.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc, ông Kỳ có kế hoạch gì ở Việt Nam để thể hiện mong muốn dùng chuyến đi của mình để biểu lộ tinh thần hòa hợp dân tộc, ông Kỳ trả lời: “Tôi nghĩ rằng riêng sự hiện diện của mình ở đây là một hành động rất rõ ràng”.

Ông Kỳ cũng thừa nhận, chuyến về của ông gây nhiều dư luận: đồng tình và không đồng tình đều có. “Những nhóm người hải ngoại ở Mỹ quen sống “kiểu Mỹ” cho nên vấn đề gì họ cũng có thể có ý kiến chống đối. Tôi sống gần họ nên tôi hiểu đa số người Việt Nam trầm lặng ở hải ngoại họ rất thông cảm và chấp nhận những gì mà tôi đã nói và đề cập về quê hương. Những nhóm chống đối đó chỉ là thiểu số và bản thân tôi cũng chẳng bao giờ thèm để ý.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng những người mà giờ phút này, sau 30 năm khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người VN trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để Việt Nam trở thành một con rồng châu Á. Thế mà lại có những kẻ vẫn muốn quay về chuyện dĩ vãng. Chuyện không tưởng”.

Cuối tháng 6/2008, trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp gỡ thân tình, ấm cúng với nhiều kiều bào tại Houston, Texas và California. Thủ tướng chia sẻ: "Đất nước là của mình, dân tộc là của mình, chúng ta phải làm sao chung sức, chung lòng vì một Việt Nam giàu mạnh, trên cơ sở điểm chung dân tộc”.

Người đứng đầu Chính phủ mong bà con kiều bào giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà trước hết là giữ gìn tiếng nói. "Gặp nhau, giữa những người tóc đen da vàng, mà dùng tiếng Anh cũng hay đấy, nhưng vẫn thấy hơi buồn. Mong bà con hãy luôn hướng về đất nước, bằng tấm lòng, tình cảm với quê hương. Bà con hãy hướng về quê hương, bằng mọi con đường, mọi nẻo. Quê hương là vĩnh hằng, trong khi quá khứ đã là lịch sử, cần gác lại”.

Có mặt tại cuộc gặp, ông Nguyễn Cao Kỳ đáp lời: "Tôi nghĩ Thủ tướng có thể yên tâm. Ngay cả một Việt kiều trẻ không biết gì về quá khứ, chỉ trong 1h đồng hồ nghe Thủ tướng nói, họ đã hiểu. Thực sự chúng ta nhìn thấy có bao nhiêu? Được trăm người không? (Ý nói những người Việt phản đối chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – PV). Nó không thể so sánh với hàng trăm nghìn người, cả triệu người Việt Nam ở nước ngoài, chưa kể bao nhiêu người từ nhiều năm nay đã trở về quê hương, đóng góp cho quê hương”.

Ông Kỳ nói: "Tôi ở đây không chỉ với tư cách người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại, mà gần như là một người Việt Nam ở trong nước sang để gặp Thủ tướng, nghe ông Thủ tướng nói những ưu tư của dân tộc ở trong nước. Nghe xong, chính tôi cũng thấy an lòng”.

Ông Nguyễn Cao Kỳ tin tưởng "Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ trí tuệ để chèo chống và đưa đất nước tiến lên”. "Với chuyến đi của Thủ tướng, Việt Nam là một nước nhỏ mà lại có quan hệ giao hảo tốt đẹp với một cường quốc số 1 thế giới, tôi cho là đi đúng đường và rất tốt đẹp. Tôi tin các nhà lãnh đạo Việt Nam có đủ sức khỏe, trí tuệ, sự sáng suốt để lãnh đạo đất nước, dân tộc tới một chỗ đứng xứng đáng ở cộng đồng quốc tế”.

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc